Dịp Tết là cơ hội để vui chơi, để gặp gỡ người thân sau một năm làm việc vất vả. Nhưng những buổi tiệc liên miên cũng là nguyên nhân khiến bạn mệt mỏi, thậm chí mang bệnh... Vì vậy, chúng ta phải có bí quyết để vui vẻ cùng mọi người nhưng vẫn giữ vóc dáng và sức khỏe cho mình.
Cẩn thận với thực phẩm giàu năng lượng gây bệnh
PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, mỗi ngày, cơ thể chỉ cần khoảng 2.300 kcal (thừa hoặc thiếu đều có hại cho cơ thể). Trong khi đó, các món ăn ngày Tết như: Bánh chưng, bánh tét, nem, thịt đông, giò, chả, bánh kẹo... đều là những thực phẩm giàu năng lượng. Nếu chúng ta ăn nhiều, “ăn mọi lúc, mọi nơi” sẽ dẫn tới tăng cân, béo phì và đây là nguy cơ dẫn tới một loạt các loại bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường...
Các loại bánh chưng, bánh tét, rất giàu năng lượng (hơn 200 kcal/100g) và có gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, những trường hợp thích ăn các món bánh này mà không muốn tăng cân, nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ) với dưa hành và sau đó tráng miệng bằng dưa hấu là đủ. Nếu muốn ăn thêm thì nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào… ăn tăng các loại rau sống và trái cây có nhiếu chất xơ và ít ngọt như dứa, bưởi, thanh long, dưa hấu
Đặc biệt, ngày Tết hiện nay các gia đình thường mua các loại thực phẩm nguội như chân giò hun khói, giò, chả, lạp xườn, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông… dự trữ trong tủ lạnh vào dịp Tết vì là các món ăn cơ động, ít ngán, được nhiều người ưa thích từ trẻ con đến người lớn. TS Hoàng Kim Thanh, nguyên Giám đốc trung tâm truyền thông Viện dinh dưỡng cảnh báo, các thực phẩm này nhìn chung đều quá mặn, có một số thì quá béo (như lạp xưởng, giò thủ, chân giò hun khói…) nên cũng không tốt cho những người cần kiêng muối và kiêng mỡ. Việc ăn các thực phẩm này với các chất bảo quản trong đó dẫn đến có hại cho tim, thận, làm tăng huyết áp động mạch. Hơn nữa, trong các sản phẩm này luôn chứa chất béo bão hòa triglycerid (loại chất béo xấu), làm gia tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Mặt khác có một loại axit béo Tran sinh ra trong quá trình chế biến tạo vị giòn ngon đều có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe (ảnh hưởng tới chức năng hệ tim mạch, chức năng tuyến tụy, làm tăng nguy cơ bị bệnh đái tháo đường).
Tuy nhiên, điều đó không phải là nhịn hết các món mà là ăn với lượng vừa phải đối với những món béo, nhiều năng lượng. Nhưng cũng có những món bạn có thể ăn thoải mái để đúng "tinh thần Tết". Ngoài ra, nếu bữa trước đã lỡ ngon miệng quá mà ăn nhiều thì bữa sau nên đổi khẩu vị bằng món cháo hoặc món rau trộn đơn giản.
Bổ sung gia vị nóng để chống hàn tà
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong những ngày Tết, rối loạn tiêu hóa là tình trạng bệnh lý thường gặp. Phần vì, khác với ngày thường, thức ăn trở nên đa dạng hơn, có nhiều đồ bổ béo và khó tiêu. Phần vì giờ giấc sinh hoạt, ăn uống bị đảo lộn, lại thêm điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi dễ gây cản trở chức năng tiêu hóa. Đặc biệt, đối với những người tỳ vị vốn đã hư yếu thì “mâm cao cỗ đầy” nhiều khi trở thành gánh nặng hơn là một thú vui. Hơn nữa, theo dinh dưỡng học cổ truyền, những ngày Tết là thời điểm mùa đông chưa qua, mùa xuân mới tới, dương khí trong vạn vật cũng như trong nhân thể đang từ từ hồi sinh và thăng phát nhưng tiết trời vẫn còn lạnh lẽo, hàn tà chưa hết nên vẫn dễ làm tổn thương dương khí. Bởi vậy, phép dưỡng sinh ăn uống ngày Tết phải chú ý trọng dụng các loại thực phẩm có vị cay, tính ấm, tránh dùng đồ ăn thức uống có tính lạnh để bảo vệ khí dương. Trong đó, những thứ rau gia vị như hành, hẹ, tỏi, rau thơm, rau mùi, gừng sống, quế, hồi… có vị cay, tính ấm nên dùng nhiều hơn vì vị cay có tác dụng phát tán, hành khí, hành huyết; tính ấm có thể tán âm hàn, trợ dương khí. Những thực phẩm có đặc tính này sẽ giúp cơ thể có đủ khả năng phòng chống hàn tà nhưng đồng thời cũng có tác dụng kích thích và hỗ trợ cho sức đề kháng của cơ thể. Mặt khác, phải chú ý kiêng kị hoặc ăn ít các thực phẩm có tính lạnh dễ làm hao tổn dương khí và có hại cho tỳ vị như cua, ốc, trai, hến, đậu xanh, giá đỗ, ngó sen, bí xanh, cải xanh, mướp đắng, dưa hấu, dưa chuột, thịt trâu… Nếu cần dùng thì phải chú ý phối hợp với các gia vị và thực phẩm khác có tính ấm nóng. Ví như, nấu canh rau cải, canh bí xanh phải chế thêm gừng tươi; món ốc hấp phải ướp nhiều hạt tiêu, lá gừng… Tránh ăn quá nhiều đồ bổ béo và khó tiêu dễ làm thương tổn tỳ vị, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh lý đường tiêu hóa. Ăn nhiều rau quả tươi để mượn "sức xuân" của cỏ cây hoa lá mà kích thích, hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể.
Chơi Tết hơn là ăn
Muốn tránh các nguy cơ từ chuyện ẩm thực để đảm bảo sức khỏe và tâm lý vui Xuân, ngay từ đầu cần phải hoạch định kế hoạch… chơi Tết hơn là ăn Tết. Nên mua sắm vừa phải, dành thời gian đi chợ hoa, đi du lịch. Các bữa cỗ cúng nên làm đơn giản, tính toán lượng thực phẩm vừa đủ với số người tham dự, vừa tiết kiệm ngân sách lại vừa tránh được nguy cơ “bội thực” và các hậu quả ngán ngẩm sau đó. Loại thực phẩm tiếp khách tốt nhất trong những ngày này không phải là món giò thủ, thịt đông, thịt kho tàu… mà thay vào đó là các loại cua, tôm, cá...
Thói quen không ăn rau trong những ngày Tết là một sai lầm tai hại. Theo các chuyên gia, rau quả tươi phải là loại thực phẩm được dùng nhiều nhất, vì đây là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, là nguồn cung cấp nước, chất xơ làm cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày Xuân. Hơn nữa, mùa xuân là lúc cây cối sinh sôi tràn đầy sức sống. Lúc này cơ thể con người đòi hỏi khá nhiều chất dinh dưỡng để đáp ứng cho sự sinh trưởng và hoạt động phong phú của mình. Vì vậy, cổ nhân khuyên, phải biết tận dụng “khí mới phát sinh” của giới tự nhiên để phục vụ cho mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Ăn nhiều rau quả tươi lúc này là mượn “sức xuân” của quả cây hoa lá mà kích thích hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng và phát dục của cơ thể.
Ngoài ra, khi đi chúc Tết, gặp bữa cỗ được mời, nếu có tham dự, nên nói chuyện nhiều hơn ăn và ăn nhiều canh rau, đảm bảo tổng lượng thực phẩm cung cấp chất đạm trong ngày không nên vượt quá 200g, và gia tăng các thực phẩm cung cấp chất xơ như trái cây, rau… ít nhất 300g mỗi ngày. Tốt nhất, chỉ nên ngồi cắn hạt dưa, trò chuyện vui vẻ, không khí vẫn đầm ấm. Về thức uống, cũng nên chọn các loại thức uống không có năng lượng như nước khoáng, nước trà loãng… Rượu bia chỉ nên dùng một ít vào bữa tối tại nhà và tốt nhất chỉ nên uống chút sâm-panh hoặc rượu vang khai vị để kích thích tiêu hoá. Hạn chế uống nước ngọt và đồ uống có gas.
Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam khuyên, vui Tết nhưng không nên thức đêm quá nhiều, quá khuya, phải tuân theo quy luật giờ sinh học mà đông y gọi là âm dương. Ban ngày thuộc dương, ban đêm thuộc âm, ban ngày thuộc dương nên có nhiều khí lực để lao động, làm việc, buổi trưa nghỉ 15-20 phút vào giờ ngọ (12 giờ) để phục hồi âm khí, vì làm việc nhiều bị tổn hao âm huyết. Buổi tối từ 18 giờ trở đi thuộc âm cần được nghỉ ngơi, khoảng 23 giờ là âm kiệt nên cần phải ngủ để phục hồi âm, sau 24 giờ thuộc giờ tý, dương bắt đầu trưởng, nếu lúc này chưa ngủ thì trái với quy luật nên sẽ khó ngủ.
Mỗi người nếu biết tuân theo quy luật của tự nhiên và hiểu cơ địa của mình. Biết cách ăn uống, ăn uống có điều độ, giữ gìn kiêng khem, không thái quá nhưng cũng không quá kiêng khem, biết điều hòa âm dương thì đón một trăm cái Tết của cuộc đời là một niềm hạnh phúc…
(HBĐT) - Là huyện có dân số đông nhất tỉnh với 33.399 hộ và 148.168 nhân khẩu nên việc thực hiện công tác dân số nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều năm trước, tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 trở lên của huyện còn ở mức cao. Nhờ sự nỗ lực của ngành dân số, sự phối hợp của cấp lãnh đạo, chính quyền huyện, các ban, ngành, đoàn thể, công tác DS/KHHGĐ trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến.
(HBĐT) - Ngày 16/1, Sở y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và chỉ đạo hội nghị.
(HBĐT)- Ngày 16/1, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
(HBĐT) - Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở của huyện Mai Châu không ngừng được đổi mới, mở rộng dịch vụ y tế cho tuyến xã góp phần giảm tải cho tuyến trên.
(HBĐT) - Ngày 12/1, Bộ y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2017. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính Phủ đến dự và chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành liên quan và gần 12.000 lãnh đạo UBND, Sở Y tế, các ngành liên quan, trung tâm y tế các huyện thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại đầu cầu Hòa Bình, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở Y tế, các sở ngành liên quan cùng điểm cầu ở các huyện.
(HBĐT) - Mỗi năm triển khai trên 10 văn bản gồm các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch của các cấp để lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP); lập đường dây nóng để cập nhật thông tin, quản lý tốt về ATTP... đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật… những năm gần đây, huyện Lạc Thủy đã có thành công nhất định trong việc huy động cộng đồng chung tay vì ATTP.