Tai biến y khoa có thể xảy ra ở bất kỳ tuyến y tế nào từ trung ương tới địa phương - Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến trấn an người dân không hoang mang sau sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, giảm niềm tin vào y tế ở tuyến cơ sở. Ông khẳng định "Toàn ngành y tế đã được cảnh tỉnh sau sự cố vừa rồi. Đây là bài học xương máu để cảnh báo tất cả các cơ sở y tế không chỉ trong kỹ thuật chạy thận nhân tạo mà ở tất cả các kỹ thuật khác”.

Tai biến y khoa nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo tại Việt Nam vừa qua đã làm tám người tử vong. Một quy trình thường quy hàng triệu ca/năm đã làm cho gần 100.000 người phải chạy thận rơi vào cảnh bất an, lo lắng. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, giúp trấn an người bệnh, tin tưởng vào các cơ sở y tế, nhất là y tế tuyến dưới, phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với GS,TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế về vấn đề này.

- Thưa Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, vừa qua, tai biến y khoa nghiêm trọng làm tám người tử vong tại Hòa Bình là một lời cảnh tỉnh cho toàn ngành y tế. Để giám sát chặt chẽ lại quy trình chạy thận nhân tạo, giúp cho cả trăm nghìn bệnh nhân tại Việt Nam yên tâm điều trị bệnh thì ngành y tế cần phải làm gì?

- Vụ việc xảy ra ở Hòa Bình là sự cố nghiêm trọng và đau lòng. Tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc tới tám gia đình có người nhà bị tử vong trong vụ chạy thận vừa rồi. Và cũng mong các bệnh nhân còn lại sớm bình phục sức khỏe và yên tâm tiếp tục điều trị.

Có thể nói, kỹ thuật y tế hiện nay của chúng ta rất tốt. Nhiều nước Mỹ, Anh, Nhật Bản phải thừa nhận kỹ thuật y tế của Việt Nam khá chứ không chỉ mức bình thường. Các kỹ thuật y tế đều có nguyên tắc chuyên môn khi thực hiện, chạy thận nhân tạo cũng vậy. Thực ra, sự cố y khoa thường xuyên rình rập ở bất kỳ nước nào, với từng cá nhân. Không chỉ lĩnh vực chạy thận, ở nhiều lĩnh vực y tế khác còn khó gấp trăm lần cũng xảy ra những tai biến y khoa. Đã có nhiều trường hợp tai biến rất đau lòng xảy ra trong phòng mổ (kể cả ở Việt Nam và nước ngoài), khi tiến hành gây mê cho bệnh nhân lại đưa nhầm cho bệnh nhân thở bằng Co2 chứ không phải khí oxy, và khi phát hiện ra, bệnh nhân không qua khỏi. Nhiều khi, quy trình là rõ ràng, các bước kỹ thuật theo đúng quy trình, nhưng có nhiều tai biến không thể lường được.

Do đó, người chuyên làm công tác y tế phải hết sức thận trọng. Trong sự cố y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình vừa rồi làm tám người tử vong, tôi cho rằng không chỉ riêng bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên mà cả hệ thống bảo dưỡng máy móc cũng cần phải được kiểm tra, rà soát cẩn thận.

Chạy thận nhân tạo không phải là kỹ thuật khó. Hiện nay, kỹ thuật này có thể phổ biến đến tuyến quận, huyện và chạy rất tốt. Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cũng đã thực hiện chạy thận nhân tạo rất an toàn 10 năm nay chứ không phải mới bắt đầu triển khai. Nhưng để xảy ra vụ tai biến cho cả 18 người cùng chạy thận nhân tạo, có thể xảy ra lỗi hệ thống ở máy móc. Trong quá trình bảo dưỡng máy móc định kỳ hẳn là có sự cố. Tôi cho rằng phải kiểm tra tất cả các khâu.

 

 

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến thăm hỏi các bệnh nhân gặp sự cố trong vụ chạy thận nhân tạo ở BV đa khoa Hòa Bình.

Sau sự cố tại Hòa Bình, các cơ sở y tế khi tiến hành bảo dưỡng trang thiết bị thực hiện kỹ thuật phải thuê các đơn vị có khả năng, năng lực để bảo đảm chất lượng. Ngay cả đội ngũ chịu trách nhiệm chính của khoa này cũng phải tiến hành kiểm tra, không thể tin vào đội ngũ bảo dưỡng. Trong ngành y, có nhiều tai biến vì kỹ thuật, có tai biến vì thuốc, có tai biến do máy móc nên không được chủ quan.

- Khi ngành y tế còn khó khăn, việc phải xã hội hóa máy móc y tế là điều cần thiết, hỗ trợ trong điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên, việc đề phòng những máy móc chưa bảo đảm chất lượng cũng rất quan trọng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Trong khi kinh phí còn khó khăn, ngành y tế không thể trang trải được thì xã hội hóa là một việc tốt. Nguồn kinh phí đó sẽ giúp ngành y tế có thể mua sắm trang thiết bị tốt, phục vụ công tác khám chữa bệnh và thực hiện được các kỹ thuật cao. Nhưng bên cạnh đó, cũng cần đề phòng xã hội hóa các máy móc chưa thật tốt. Đừng có xã hội hóa lại làm cho dịch vụ đắt lên, làm tăng giá dịch vụ khiến người dân không thể chi trả.

Tôi cho rằng, làm nghiêm túc, có sự kiểm tra, thanh tra thật tốt, kỹ càng, khách quan, trung thực thì mục đích của xã hội hóa sẽ đạt được kết quả tốt. Nhưng mọi thứ luôn phải được nhìn nhận hai mặt của một vấn đề. Những cái tốt cần tiếp tục phát huy. Nhưng khi phát hiện ra cái xấu phải loại trừ, phải xử lý nghiêm vì mọi sự cố đều liên quan tới sự an toàn của người bệnh.

- Sau sự cố này, nhiều người dân có tâm thế lo lắng về sức khỏe và tính mạng của mình khi khám tại y tế tuyến cơ sở. Ngành y tế giải thích về vấn đề này như thế nào để người dân có thể yên tâm khám và điều trị bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới?

- Bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo ở Việt Nam tới gần 100.000 người. Mỗi năm, 1.300 cơ sở y tế có đơn vị chạy thận nhân tạo phải chạy hàng triệu ca lọc máu định kỳ. Chúng tôi đều giám sát rất chặt chẽ khi tiến hành cấp phép; đào tạo, thẩm định nguồn nhân lực cũng như kiểm tra các thiết bị y tế khi xây dựng các đơn vị thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo ở các tuyến cơ sở. Vì thế, người bệnh hoàn toàn yên tâm về kỹ thuật thường quy này theo đúng chuẩn Bộ Y tế ban hành.

Khi tỉnh Hòa Bình vừa gặp sự cố, Bộ Y tế chỉ đạo rất nhanh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có chỉ đạo cụ thể, sát sao, rất kịp thời về mặt thời gian để người dân không hoang mang trước sự cố này, sớm đưa đơn vị chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình trở lại hoạt động bình thường.

Vừa qua, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã vào cuộc rất sát, yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra các đơn vị thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo nói riêng và khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nói chung. Các sở y tế sẽ thực hiện chức năng giám sát chặt chẽ tại các cơ sở y tế trong tỉnh; Bộ sẽ giám sát, chỉ đạo tại các bệnh viện trung ương và các bệnh viện trực thuộc Bộ.

Hiện nay, công an đang tích cực phối hợp với ngành y tế để tìm ra nguyên nhân một cách chính xác nhất và công khai kết quả minh bạch. Phát hiện sai phạm ở đâu sẽ xử lý nghiêm khắc, triệt để, để làm bài học cho toàn ngành. Đó là cách để trấn an người dân đầu tiên.

Nhưng tôi khuyên người dân đừng quá lo ngại. Hãy tin tưởng chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc. Đừng cho rằng cứ y tế cơ sở xảy ra biến cố mà ở tuyến trên không có. Tai biến có thể xảy ra với bất kỳ cơ sở y tế nào. Do đó, phải giải quyết mọi việc một cách nhân văn, có lý, có tình, có trách nhiệm.

Vụ việc Hòa Bình là cảnh tỉnh, cảnh báo cho nhân viên y tế, từ tuyến xã cho tới trung ương phải hết sức thận trọng trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

- Phát triển y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân là một chủ trương đúng đắn của Bộ Y tế nhằm giảm tải cho y tế tuyến trên. Thời gian tới đây, y tế cơ sở sẽ được Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ về chất lượng khám, chữa bệnh hơn không, thưa Thứ trưởng?

- Không chỉ Bộ Y tế mà Chính phủ cũng rất quan tâm đến y tế cơ sở, chỉ đạo Bộ Y tế những việc liên quan đến y tế cơ sở rất sát sao, để người dân được chăm sóc ban đầu, toàn diện, tiến tới hệ thống hóa dữ liệu quản lý sức khỏe toàn dân.

Tôi cho rằng, y tế cơ sở mà vững, sẽ đỡ gánh nặng cho y tế tuyến trên. Ngành y tế phải triển khai mạnh về y tế cơ sở và chuyên sâu về y tế mũi nhọn. Các cơ sở y tế tuyến dưới bảo đảm được chất lượng trong khám, chữa bệnh điều trị bệnh thông thường. Các bệnh nhân nặng, nan y thì sẽ được điều trị ở tuyến trên. Phải phát triển song song cả hai hướng như thế để người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện.

Với ngành y tế chúng tôi, ai cũng thấm thía không thể chủ quan. Việc kiểm soát với các cơ sở y tế, không chỉ tuyến y tế cơ sở mà cả các bệnh viện trung ương là vô cùng cần thiết. Mọi sự chủ quan dù chỉ là tích tắc, có thể sẽ phải trả giá đắt bằng tính mạng. Sự cố tại Hòa Bình là bài học xương máu để cảnh báo tất cả các cơ sở y tế không chỉ trong kỹ thuật chạy thận nhân tạo mà ở tất cả các kỹ thuật khác cần phải thận trọng và không được chủ quan ở bất kỳ khâu nào.

So với một số nước tiên tiến trên thế giới, y tế mình kém hơn nhưng cũng có rất nhiều nước phải học mình. Tôi cho rằng, cái gì tốt thì cần phải phát huy, cái gì chưa ổn phải chấn chỉnh. Chúng ta cần nhìn khách quan, nhìn có tâm và chân thành thì lúc đó mọi thứ mới tốt hơn được.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này!

 

                                                       TheoNhandan

Các tin khác

Không có hình ảnh

55.221 người tham gia các loại hình bảo hiểm


(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện Lạc Thủy có 55.221 người tham gia BHXH, BHYT, trong đó có 55.106 người có thẻ khám, chữa bệnh BHYT, đạt 84% dân số, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Cũng trong thời gian này, BHXH huyện đã cấp mới 108 sổ BHXH cho người lao động, nâng tổng số sổ được cấp lên 4.900 sổ. 100% người lao động tham gia đóng BHXH, BHYT được cấp sổ BHXH.

Hết thời “đến viện là xét nghiệm”?

(HBĐT) - Từ hôm nay (1-7), việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ được thực hiện đối với các phòng xét nghiệm thuộc bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và tương đương của Bộ Y tế. Khi các bệnh viện công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, đồng nghĩa sẽ giảm phiền toái cho người bệnh phải chuyển viện. Tuy nhiên, thực tế chất lượng các phòng xét nghiệm chưa đồng đều, cộng với một số yếu tố chuyên môn khác nên việc người dân kỳ vọng sớm thoát cảnh "cứ đến viện là xét nghiệm" dường như vẫn còn ở khá xa...

Trạm y tế xã Thung Nai mong được đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng cán bộ

HBĐT) - Mùa lễ hội đền Thác Bờ, xã Thung Nai (Cao Phong) năm 2017 vừa kết thúc, được đánh giá là khá an toàn trên tất cả các khía cạnh: văn hóa, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm… Thực hiện trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thuốc men, sẵn sàng xử lý sơ, cấp cứu cho du khách, trạm y tế xã Thung Nai đã có những đóng góp ý nghĩa làm nên sự an toàn của mùa lễ hội. Tuy nhiên, thiếu bác sỹ, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nước sạch là thực tế đang diễn ra tại đây.

Huyện Lạc Sơn đa dạng hình thức tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT

(HBĐT) - Đồng chí Bùi Văn Kiểm, Giám đốc BHXH huyện Lạc Sơn cho biết: Tính đến quý I /2017, toàn huyện có 4.425 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Trong đó có 140.620 người tham gia BHYT, đạt độ bao phủ 98,36% (cao hơn so với cuối năm 2016 1%). Tổng số thu quý I /2017 trên địa bàn huyện Lạc Sơn đạt hơn 40 tỷ đồng, trong đó thu BHXH bắt buộc đạt gần 14 tỷ đồng, thu BHYT 25 tỷ đồng.

Phối hợp hiệu quả chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

(HBĐT) - Nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK) cho nhân dân nói chung và bà mẹ, trẻ em nói riêng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Trong đó, phụ nữ là lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong việc tham gia CSSK tại cộng đồng, đặc biệt là CSSK bà mẹ và trẻ em.

Giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế

(HBĐT) - Thời gian qua, ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có các giải pháp đột phá để các dịch vụ y tế được sử dụng hiệu quả hơn cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Các giải pháp không chỉ giúp giám sát, quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả mà qua đó còn tạo niềm tin để người dân chủ động tham gia BHYT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục