GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế đã có những chia sẻ với phóng viên Nhân Dân điện tử về câu chuyện ngành y tế sẽ làm gì để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Phóng viên:Thưa Thứ trưởng, Nghị quyết củaHội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vừa ban hành về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ra rất nhiều tiêu chí cần phải đạt được. Theo ông, ngành y tế đang có những thuận lợi và khó khăn gì để có thể hoàn thành những tiêu chí này?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:Ngành y tế đang có nhiều thuận lợi là được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước trong các chủ trương, chính sách cũng như cung cấp nguồn lực cho ngành. Điều đó cho thấy, mọi người nhìn nhận ngành y tế rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Chúng tôi coi trọng vừa phát triển y tế cơ sở, y học dự phòng cũng như phát triển y tế mũi nhọn với đào tạo các bác sĩ, nhất là bác sĩ tuyến dưới để tránh quá tải tuyến trên. Nếu bác sĩ tuyến dưới chữa bệnh tốt, bệnh nhân không phải dồn lên trên, tránh được cả những trường hợp đáng tiếc khi chẩn đoán nhầm, khi đưa bệnh nhân lên tuyến trên thì đã muộn. Y tế cơ sở chính là nòng cốt và là tuyến trước, do đó, nếu hàng rào này mà làm tốt thì chắc chắn ở trên sẽ giảm tải, chi phí điều trị ít tốn kém hơn và vẫn đạt được kết quả tốt.
Tuy nhiên, những nhiệm vụ mà Nghị quyết đặt ra cho ngành y tế cũng rất khó khăn để có thể đạt được hết. Mà trong đó, rào cản về mặt tài lực rất lớn. Chúng tôi có nhiều kỹ thuật có thể làm tốt hơn, nhưng quá tốn kém, kinh phí cá nhân không thể chịu đựng nổi. Chi trả của BHYT cũng không thể đáp ứng được. Đấy cũng là khó khăn cho sự phát triển kỹ thuật.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế.
Phóng viên:Để nâng cao sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần cho mọi người, ngành y tế sẽ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ để tạo ra được giống nòi người Việt khỏe mạnh hơn, trí tuệ hơn. Theo ông, những vấn đề cốt lõi trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân mà ngành y tế đã, đang và sẽ phải làm là gì?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:Việt Nam đã có được rất nhiều thành tựu y học, trong đó đặc biệt quan trọng là vấn đề chẩn đoán trước sinh, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc các bệnh lý về di truyền. Chúng ta vừa chẩn đoán trước khi phôi làm tổ để loại trừ được bệnh lý Thalassemia mà hàng triệu người Việt Nam mắc phải. Đây là những thành tựu quan trọng để giúp chúng ta sàng lọc, lựa chọn được những phôi thai khỏe mạnh, loại trừ gen bệnh. Mặc dù chúng ta mới chỉ chẩn đoán được một số bệnh lý di truyền qua kỹ thuật PGD để phát hiện những gen bệnh lý của phôi thai. Nhưng chúng ta cũng chưa chẩn đoán được nhiều các bệnh lý di truyền. Ngành y tế phải đặt ra mục tiêu cố gắng ngày càng chẩn đoán được nhiều bệnh lý di truyền trước khi làm tổ và trước khi sinh, giúp bảo đảm chất lượng dân số tốt nhất.
Hỗ trợ sinh sản vô cùng quan trọng trong giai đoạn đầu tiên tạo ra đứa trẻ khỏe mạnh, bình thường không bị bệnh lý, tật nguyền. Nhưng sau đó, để phát triển thể chất tốt, các gia đình phải có chế độ nuôi dưỡng hợp lý, bổ sung các chất dinh dưỡng hợp lý. Làm thế nào để vừa nuôi dưỡng, vừa dạy dỗ để có được những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh. Việc này đòi hỏi sự kết hợp không chỉ ngành y tế, mà còn của giáo dục, của xã hội, của từng gia đình để vừa giúp phòng bệnh, chữa bệnh và thực hiện giáo dục toàn diện.
Hiện nay, chúng ta thấy vấn đề đáng báo động là tình trạng trẻ tự kỷ. Tự kỷ không chỉ do gen di truyền, còn do cả yếu tố chăm sóc, giáo dục nữa. Đứa trẻ không được chăm sóc, chỉ nhìn suốt ngày xem Internet, xem ti vi mà không có sự chăm sóc của bố mẹ, người thân rất dễ bị tự kỷ.
Về cải thiện chất lượng sống, tôi cho rằng, người Việt Nam chúng ta đang có cuộc sống khá hơn trước rất nhiều. Nhưng ngay cả những người giàu, cách sống của họ chưa thật sự tốt. Có người có rất nhiều tiền nhưng chỉ ăn uống những thứ cảm thấy hợp khẩu vị chứ không phải hợp sức khỏe mà hợp sức khỏe mới quan trọng. Do đó, tôi nghĩ, phải tăng cường tư vấn thêm cho từng đối tượng, từng lứa tuổi, từng người có bệnh lý để họ theo dõi chế độ ăn uống, tập thể dục, thuốc men, cách đề phòng các loại bệnh.
Phóng viên:Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế. Trong tình hình mới, với Nghị quyết mới về công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, ngành y tế sẽ tiếp tục làm hài lòng người bệnh như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến:Theo tôi, quan trọng nhất là làm hài lòng về chất lượng điều trị. Muốn điều trị tốt thì người bác sĩ phải giỏi. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang có sự bất cập. Một số nơi kỹ thuật giỏi, bác sĩ tay nghề chuyên môn cao, trang thiết bị y tế tốt nhưng thái độ lại không bằng nơi khác. Nhưng, có một số nơi quảng cáo quá khéo song kỹ thuật y tế kém.
Ngay cả trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, có rất nhiều bệnh nhân khóc dở, mếu dở với chúng tôi vì mất tiền của, thời gian nhưng không có hiệu quả. Tới đây, chúng tôi sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn, những Trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm không làm đúng theo pháp luật, quảng cáo quá khả năng thì cân nhắc rút giấy phép để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
Chúng ta đã gặp quá nhiều bài học nhãn tiền về việc có những trung tâm quảng cáo gấp mấy lần so với năng lực thực tế của họ khiến không ít bệnh nhân phải trả giá rất đắt, rất đau lòng.
Chúng tôi sẽ thắt chặt quản lý không để người bệnh bị thiệt hại. Những nơi nào ý đồ không tốt, mang tính thương mại sẽ có những xử lý phù hợp.
Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện này!
Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt ramục tiêu tổng quát: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: - Tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. - Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. - Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 15‰; dưới 1 tuổi còn 10‰. - Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm. - Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. - Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ, 3,0 dược sĩ đại học, 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. - Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. - Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét. |