Dự thảo "Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu và nhân viên trực tiếp phục vụ chạy tàu” đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp rộng rãi. Dự thảo đưa ra những những tiêu chí riêng về thể lực và chức năng sinh lý, bệnh tật dành riêng cho việc khám tuyển sức khỏe tuyển dụng và định kỳ. Cụ thể, thể lực yêu cầu các nhóm được nêu trên phải bảo đảm chỉ số tối thiểu về chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, lực bóp tay, lực kéo thân.
Dự thảo mới đặc biệt gây chú ý khi quy định cụ thể về chức năng sinh lý đối với các nhân viên phục vụ trực tiếp trên tàu: Đối với nam giới làm việc trong vị trí lái tàu và phụ lái tàu, quy định bắt buộc không bị mắc các chứng bệnh sau: Tràn dịch màng tinh hoàn, thiếu tinh hoàn hoặc tinh hoàn ẩn, mắc bệnh niệu đạo, dương vật phải can thiệp... Tương tự với vị trí này ở nữ, các trường hợp không đủ điều kiện bao gồm: Sa âm đạo, tử cung, biểu hiện viêm cạnh tử cung, viêm mạn tính vòi trứng với các cơ quan bên cạnh điều trị không kết quả, rong kinh, băng kinh, đa kinh, mổ lấy thai, u xơ tử cung chưa mổ hoặc đã mổ, u nang buồng trứng...
Liên quan dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay chiều 2-4, Hội đồng thẩm định của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chủ trì họp bàn và phản biện dự thảo do Cục Y tế (Bộ GTVT) và Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đưa ra.
Theo đó, sau khi Hội đồng thẩm định nhận thấy tiêu chuẩn sức khoẻ của lái tàu so với tiêu chuẩn sức khoẻ lái xe tại Thông tư 24 không có gì đặc thù hơn chỉ khác một chút về đường tiết niệu nên Hội đồng thống nhất áp dụng tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe ô tô theo Thông tư 24 năm 2015 áp dụng cho người lái tàu.
Hội đồng thẩm định đề nghị cơ quan chủ trì ban soạn thảo, các nhà chuyên môn xem xét có những gì đặc thù cho lái tàu thì mới đưa ra quy định đặc thù như bổ sung bệnh lý ngưng thở khi ngủ vì đây là bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành tàu của người lái tàu.
Ông Quang cho hay, riêng quy định về vòng ngực sẽ được bỏ khỏi dự thảo Thông tư bởi hiện nay, các chuyên gia y tế đánh giá bằng dung tích thở sống chứ không đo bằng vòng ngực.
Về vấn đề tiết niệu gồm cả bộ phận sinh dục, theo ông Quang, quy định không kiểm tra bộ phận sinh dục mà kiểm tra tiết niệu. Các chuyên gia sẽ có cân nhắc theo đề xuất của ngành Đường sắt, vì đặc thù nghề nghiệp người lái tàu không được mắc bệnh tiết niệu sẽ ảnh hưởng quá trình lái tàu (thí dụ liên tục đi tiểu sẽ ảnh hưởng trực tiếp quá trình chạy tàu).
Về bệnh lý răng hàm mặt, từ năm 2001 đã có quy định nếu nhân viên gác ghi (có nhiệm vụ thổi còi) nếu vẩu quá sẽ không thổi được còi.
Dự thảo Thông tư hiện đang được dư luận rất quan tâm. Về vấn đề này, ông Quang khẳng định, dự thảo là của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) soạn thảo, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, sau đó, Vụ Pháp chế với tư cách là Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định lại. Đây là chuỗi trong quy trình làm luật, trước khi trình lên Bộ trưởng Y tế.
Hội đồng thẩm định gồm đại diện ngành y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Quản lý khám chữa bệnh, đại diện các bệnh viện chuyên khoa như mắt, sản phụ khoa, cơ xương khớp, tai mũi họng, hô hấp… Hội đồng thẩm định căn cứ trên cơ sở pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp tính thống nhất đồng bộ, tính khả thi đã phản biện mang tính chất độc lập với cơ quan chủ trì soạn thảo.