Mất an toàn thực phẩm rình rập từ cổng trường
Sau sự việc xảy ra, chúng tôi đã khảo sát tại một số cổng trường học cho thấy, hầu hết cổng trường đều có các quán bán thức ăn. Có điểm bán chỉ là chiếc bàn di động kê bếp rán xúc xích, khay nướng thịt hoặc một vài dụng cụ đựng đồ ăn. Những gói bim bim, khoai tây, đậu phộng… có nguồn gốc xuất xứ nhưng nhiều sản phẩm không có nguồn gốc như xúc xích rán, thịt nướng, xoài dầm… được chế biến ngay tại chỗ. Đối tượng mua hàng là học sinh, phụ huynh mua cho con trước giờ vào lớp. Vào buổi chiều hoặc giữa giờ, các cháu mua đồ ăn ngay tại cổng trường từ kem bông, nước uống, bánh rán…
Qua quan sát, hầu hết thức ăn không được che đậy, nơi tập trung đông người từ khói bụi xe máy, đến dụng cụ bị nhiễm khuẩn rất dễ gây mất ATVSTP. Trong các loại thức ăn đường phố ngoài cổng trường thì xúc xích và thịt nướng được các cháu ưa thích vì có mùi thơm, béo ngậy rất dễ ăn. Có những người đựng đồ ăn trong những thùng nhựa, có khi dùng thùng sơn để đựng đồ ăn.
Một số điểm bán hàng ăn ngoài cổng trường, chế biến tại chỗ, không che đậy gây mất vệ sinh ATTP. ảnh chụp tại cổng trường tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình). Ảnh: P.V
Bác sĩ Tô Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hòa Bình cho biết: Nhận được thông tin 21 học sinh bị ngộ độc nghi ngờ do thức ăn đường phố, chúng tôi đã đến kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm. Hàng bán là của một tư nhân bán lưu động, chủ yếu là cơm rang, xôi chiên, xúc xích, bò khô, nem chua… Giá bán những thực phẩm này khá rẻ như một xuất cơm rang có cả xúc xích và một số gia vị khác chỉ 6.000 đồng. Với xôi chiên cũng thế. Mỗi cháu được cha mẹ cho 10.000 đồng gồm một suất ăn và chai nước là đủ bữa sáng. Sự tiện lợi là một trong những yếu tố được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình ăn thức ăn đường phố.
Ông Trần Đức Long, Chủ tịch UBND phường Hữu Nghị cho biết: Để đảm bảo VSATTP, chúng tôi thường xuyên thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ bằng cảm quan như nhận biết về nhãn mác, hạn sử dụng, giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, chứng nhận sức khỏe người chế biến… Còn việc kiểm tra thực phẩm chế biến có an toàn hay không thì phải dụng cụ chuyên ngành mới kết luận được. Như hộ kinh doanh làm nghi ngộ độc vừa qua đều có giấy chứng nhận ATVSTP, giấy khám sức khỏe đủ điều kiện hành nghề. Ngày 20/4, sau 4 ngày xảy ra ngộ độc thực phẩm ở trường THCS Hữu Nghị, chúng tôi phát hiện 2 người kinh doanh tại trường tiểu học Hữu Nghị bán hàng lưu động là bánh kẹo, bánh mì ruốc, mực khô, nước uống, đồ ăn vặt… một số hàng không rõ nguồn gốc và hết hạn sử dụng.
Tăng cường công tác quản lý
Ông Bùi Quang Huấn, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP cho biết: Hàng năm, ngoài những vụ ngộ độc được phát hiện thì có nhiều vụ việc nhỏ lẻ một người hoặc một vài người sử dụng thực phẩm không an toàn bị ngộ độc có những triệu chứng nôn, buồn nôn…. Những sự việc như vậy không được báo cơ quan chức năng. Hầu hết, những vụ ngộ độc xuất phát từ thức ăn đường phố. Qua vụ việc vừa qua cho thấy, việc quản ý ATTP thức ăn đường phố còn nhiều bất cập.
Cũng theo bác sỹ Tô Thanh Phương: Sau vụ ngộ độc nghi do thức ăn đường phố, Trung tâm Y tế thành phố Hòa Bình đã gửi công văn đề nghị UBND phường Hữu Nghị, trường THCS Hữu Nghị và UBND các xã, phường, trường học tích cực tuyên truyền về các nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn không an toàn. Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, đặc biệt với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh trước cổng các trường học. Trạm y tế các xã, phường cần làm tốt công tác báo cáo khẩn cấp các ca, vụ ngộ độc theo quy định. Phối hợp với Ban chỉ đạo liên ngành ATTP xã, phường tuyên truyền trên loa phát thanh của phường, xã, tổ dân phố để người dân biết về các mối nguy cơ ngộ độc đối với các loại thực phẩm không an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Cũng theo ông Trần Đức Long, Chủ tịch UBND phường Hữu Nghị: Để đảm bảo vệ sinh ATTP, nhất là ở các trường học, trong thời gian tới, chúng tôi tiến hành kiểm tra trực tiếp tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm việc chấp hành các quy định của Luật ATTP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Nếu phát hiện vi phạm áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP, tịch thu tang vật, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.
Việt Lâm