Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị
Bệnh dại lưu hành trên địa bàn tỉnh nhiều năm nay, hàng năm vẫn xuất hiện các trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ năm 2013-2017, ghi nhận trên 10 nghìn trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại và 16 ca tử vong do bệnh dại. Các ca tử vong đều do bị chó cắn và không được điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Riêng trong năm 2017, không ghi nhận ca tử vong nào do dại. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh, có 4 trường hợp tử vong do dại ở Kỳ Sơn, Lương Sơn, Cao Phong và Đà Bắc. Số lượng người điều trị dự phòng bệnh dại ghi nhận 948 trường hợp tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Năm 2017, đạt tỷ lệ 78,2%, 5 tháng đầu năm đạt 66,9%. Nhiều địa phương năm 2017 đạt tỷ lệ tiêm thấp như Mai Châu 24,3%, Đà Bắc 32,8%, Lương Sơn 54,8%, Yên Thủy 72%... Phát biểu tại hội nghị, các y kiến của các cấp ngành địa phương phân tích: Nguyên nhân chính là do công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương trong tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc thống kê, lập sổ quản lý đàn chó nuôi, xích nhốt, cho nên hiện tượng chó thả rông cắn người còn phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác tiêm phòng phần lớn không dựa trên tổng đàn chó nuôi thực tế mà chỉ dựa vào chỉ tiêu kế hoạch tiêm phòng; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống bệnh dại và xử ly các vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo thực hiện chưa kiên quyết…
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh thông qua dự thảo kế hoạch phòng chống bệnh dại trên người trong tỉnh. Theo đó, đề ra các chỉ tiêu: 100% cấp ủy, chính quyền địa phương được tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm về phòng chống bệnh dại. 100% cán bộ làm công tác phòng chống dịch được trang bị kiến thức về giám sát và phòng chống bệnh dại. 100% ca bệnh, ổ dịch bệnh dại được phát hiện kịp thời và được xử ly đúng quy định. Trên 90% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được truyền thông hiểu biết về phòng chống bệnh dại. Trên 90% số người bị chó mèo cắn được xử lý ban đầu vết thương đúng cách….
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian qua, dịch dại diễn biến phức tạp. Sau khi có người bệnh bị tử vong, đã có địa phương xử ly ổ dịch tốt. Tuy nhiên, vẫn có địa phương còn lơ là, chưa xử ly dứt điểm tiềm ẩn, nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Do vậy, các ngành cần tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Chỉ thị tới các địa phương, cấp bách công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế tham mưu kiện toàn lại Ban chỉ đạo, rà soát quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ từng thành viên. Tuyên truyền, vận động các cấp, ngành và nhân dân thực hiện biện pháp phòng dại, đưa các tổ chức Đảng, tổ, xóm dân phố vào cuộc. Đồng thời gắn chế tài xử ly, xây dựng quỹ dự phòng Vắc xin dại. Đưa vào hương ước xóm, thôn bản trong công tác phòng bệnh và xử ly các hộ gia đình không tiêm dại cho đàn chó, mèo.
Việt Lâm