Những ngày qua, tại khu vực phía Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, số bệnh nhân mắc sởi nhập viện đang gia tăng. Đặc biệt, bệnh sởi tấn công cả người lớn và trẻ nhỏ.


Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Quá tải vì sởi

Bác sỹ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết từ tháng 1-8/2018, các ca sởi chỉ ghi nhận ở mức độ rải rác, tuy nhiên, từ tháng 9/2018, số ca nhập viện do sởi có dấu hiệu tăng lên.

Đỉnh điểm, tháng 12/2018 có tới 266 trường hợp nhập viện do sởi. Từ đầu tháng 1/2019 đến nay, số ca nhập viện do sởi không những không "hạ nhiệt" mà còn có dấu hiệu tăng lên.

Đặc biệt, có trường hợp cả 2-3 người trong một gia đình mắc bệnh sởi. Đang chăm vợ và con cùng mắc sởi tại Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Hoàng Sơn, 36 tuổi, trú tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cách đây một tuần, vợ anh bị sốt, đau họng. Nghĩ vợ bị cảm cúm thông thường nên anh Sơn chỉ mua thuốc uống. Tuy nhiên, bốn ngày sau, trong khi bệnh tình của vợ không giảm bớt thì con trai 10 tuổi của anh cũng bắt đầu có triệu chứng tương tự. Anh đưa hai mẹ con đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các bác sỹ xác định cả hai mẹ con đều mắc sởi.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN trong sáng 14/1, Khoa Nội A đang điều trị cho 65 trường hợp mắc sởi, trong đó có 38 trẻ em và 27 người lớn.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ tháng 12/2018 đến nay, trung bình có từ 20-40 ca nhập viện do bệnh sởi mỗi ngày. Khoa Nhiễm-Thần kinh có 35 bệnh nhi đang điều trị do mắc sởi. Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đa số các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng khá nặng, có biến chứng. Trong đó, có bốn trường hợp phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và một trường hợp chỉ mới 25 ngày tuổi.

Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang tiếp nhận điều trị cho 61 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có năm trường hợp phải hỗ trợ thở máy. Bác sỹ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, đánh giá đáng lo ngại nhất là trường hợp trẻ em mắc sởi có các bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mãn tính... bởi sởi sẽ tiến triển nhanh dẫn đến bệnh nặng và kéo dài.

Bệnh sởi quay trở lại theo chu kỳ

Ngoài trẻ em, năm nay các bác sỹ cũng ghi nhận có đến 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, tính từ tháng 10/2018 đến nay, đã có bảy thai phụ mắc sởi, trong đó ba trường hợp phải chấm dứt thai kỳ. Không chích ngừa đầy đủ mũi tiêm sởi-rubella trước khi mang thai là nguyên nhân chính khiến thai phụ mắc sởi gia tăng.

Đang mang thai ở tuần thứ 12, một tuần trước, chị Võ Thị Thanh Thúy, 31 tuổi, ngụ tỉnh Long An bỗng dưng bị sốt và thấy đau nhức người. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh sởi chị Thúy được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Chị cho biết trước khi mang thai không hề chích ngừa bất cứ vắcxin nào, trong đó có bệnh sởi.


Lý giải nguyên nhân gia tăng bệnh nhân mắc sởi những ngày cuối năm 2018 đầu năm 2019, bác sỹ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sởi là bệnh truyền nhiễm thường lặp lại sau chu kỳ 4-5 năm.

Vì sao có chu kỳ này, theo bác sỹ Hoa, tính trung bình trong một năm có khoảng 20% trẻ chưa được chích ngừa hoặc chích ngừa nhưng không tạo miễn dịch (khả năng tạo miễn dịch của vắc xin sởi khoảng 85%), do đó, cứ khoảng 4-5 năm, số trẻ chưa có miễn dịch này cộng dồn lại sẽ tạo nên một đợt dịch lớn. Cụ thể, năm 2014, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ghi nhận có 2.596 ca sởi. Do đó, dự báo số ca mắc sởi sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Ngoài yếu tố chu kỳ, theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang có một lỗ hổng tiêm chủng trong cộng đồng khiến dịch sởi quay trở lại. Mỗi năm, khoảng 7-10 trẻ trong một địa phương không chích ngừa, năm năm sau sẽ có gần 50 trẻ không có miễn dịch. Lúc đó, chắc chắn những trẻ này sẽ mắc bệnh và lây lan cho người khác. "Khi tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng không đạt độ bao phủ để tạo miễn dịch thì chắc chắn dịch bệnh sẽ quay trở lại,” bác sỹ Khanh phân tích.

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, ở khu vực phía Nam, bệnh sởi thường rải rác quanh năm, các tháng mưa lạnh có thể tăng cao hơn. Bệnh do siêu vi trùng trong đường hô hấp gây ra nên thường có các triệu chứng ban đầu là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng. Khoảng 3-4 ngày sẽ xuất hiện những nốt ban đỏ đặc trưng của sởi ở mặt, sau đó lan xuống tai, ngực, bụng rồi đến tay, chân.

Trước tình hình bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, các bác sỹ khuyến cáo, trẻ em và người lớn cần chích ngừa vắc xin sởi đầy đủ để tránh mắc bệnh cũng như lây bệnh trong cộng đồng. Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể điều trị cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sỹ.

Khi mắc bệnh sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc với những người chưa mắc bệnh. Thời điểm dễ lây bệnh nhất là hai ngày trước khi phát ban và bốn hoặc năm ngày sau khi phát ban.

Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc trẻ em có biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi khi bị nghi mắc sởi thì cần được đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm về sau./.

 

             TheoVietnamplus

Các tin khác


Việt Nam phấn đấu loại trừ viêm gan B từ mẹ sang con

Việt Nam là một trong các nước thuộc khu vực có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới, từ 10 - 20%. Tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao từ 9,5 - 13%.

TP.HCM: 15 học sinh tiểu học phải nhập viện sau khi uống trà sữa

Tối 8/1, bác sỹ Phan Hồng Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong chiều và tối 8/1, bệnh viện đã tiếp nhận 15 học sinh Trường Tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình) nhập viện sau khi uống trà sữa.

Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 8,45 bác sỹ

(HBĐT) -Những năm qua, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh được phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô; y tế dự phòng được tăng cường, góp phần kiểm soát và phòng, chống tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Hàng tỉ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể vì... ít rửa tay

Tay của nhân viên y tế chứa nhiều vi khuẩn làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác.

Thấy gì qua việc Bảo hiểm xã hội tỉnh chuyển hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài sang cơ quan Cảnh sát điều tra

(HBĐT) - Trước tình trạng Chi nhánh I - Công ty cổ phần cơ khí lắp máy Sông Đà, địa chỉ tại phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) nợ đọng bảo hiểm (BH) kéo dài. Vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh để điều tra về các hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động (NLĐ).

Phòng khám Đa khoa khu vực đường 21 vẫn duy trì khám, chữa bệnh cho nhân dân

(HBĐT) - Vừa qua, cử tri huyện Lương Sơn đề nghị: Cấp có thẩm quyền chỉ đạo Phòng khám Đa khoa khu vực đường 21 (địa điểm khu Chợ Bến, xã Cao Thắng - Lương Sơn) tiếp tục hoạt động để phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục