Bà Dương Thị Kim Hoa ở xóm 9, xã Sủ Ngòi (thành phố Hòa Bình) chia sẻ: Do tình hình thực phẩm bẩn ngày càng phức tạp, tinh vi, thực phẩm độc hại nhiều khi người tiêu dùng không nhìn thấy, phân biệt được nên vấn đề thực phẩm sạch, ATTP luôn là quan tâm hàng đầu của tôi. Nhất là đang thời điểm Tết Nguyên đán, những buổi tiệc tùng kéo dài sẽ khiến việc ăn uống trở nên mệt nhoài. Vậy nên, tôi rất cẩn thận trong tìm mua thực phẩm, vệ sinh chế biến và lưu trữ, bảo quản tốt để phòng ngộ độc thực phẩm gây nguy hiểm cho sức khỏe gia đình mình. Giải pháp trước tiên là tôi chọn mua thực phẩm tại các cửa hàng thực phẩm an toàn, các siêu thị có nơi kinh doanh, buôn bán rõ ràng, hàng hóa có nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng, nhãn mác đầy đủ, thời hạn sử dụng còn nhiều.
Những ngày tháng 1 - tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện các vụ việc liên quan đến hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm liên quan đến ATTP để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm. Trong số 204 vụ vi phạm, nổi cộm là vụ phát hiện, thu giữ 804 chai rượu nho, rượu vang nổ đang trên đường vận chuyển tiêu thụ trước Tết. Với hành vi vi phạm quy định về tem nhãn, đoàn kiểm tra đã ra quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa để xử lý theo quy định.
Tiêu hủy rượu không đảm bảo chất lượng do lực lượng chức năng bắt giữ ở cao điểm kiểm tra thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Bên cạnh nỗ lực đảm bảo ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm nhằm giúp người dân ăn Tết an toàn của lực lượng chức năng, trách nhiệm của người tiêu dùng, người sử dụng thực phẩm trong bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình mình cần phải được nâng cao và thực hiện chủ động. Trong tháng 1, trên địa bàn chưa ghi nhận ca mắc ngộ độc thực phẩm. Công tác tuyên truyền phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong Tết đối với chính quyền các các cấp, các nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm đang được đẩy mạnh. Đồng chí Bùi Quang Huấn, Chi cục Trưởng chi cục VSATTP lưu ý 5 giải pháp để có kỳ nghỉ Tết an toàn, người dân hãy chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm mà không được bao gói cẩn thận dẫn đến ôi thiu, ám mùi, vi khuẩn lây lan. Nên phân loại thực phẩm trước khi bảo quản tủ lạnh. Chỉ nên tích trữ vừa đủ 1 - 2 ngày bởi hàng hóa thực phẩm tươi hiện được nhiều chợ bán hàng xuyên Tết. Nên nhớ phải sơ chế, làm sạch thực phẩm trước khi lưu trữ. Nấu nướng vừa đủ tránh hâm đi, hâm lại.
Một khuyến cáo nữa trong dịp Tết, tình hình ngộ độc rượu có nguy cơ gia tăng ca mắc do nhu cầu sử dụng rượu tăng trong các buổi tiệc cưới hỏi, liên hoan, gặp mặt gia đình. Người sử dụng thực phẩm đặc biệt lưu ý không uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt, tử vong. Không lạm dụng rượu, bia trong ngày Tết, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia. Khai báo kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Đang là thời điểm mùa xuân, mùa cao điểm ngộ độc nấm. Vài năm trước đây tại tỉnh ta đã có những trường hợp tử vong do ăn phải nấm độc để lại hậu quả đau lòng như vụ việc xảy ra vào năm 2015, 5 người trong một gia đình ở xã Đồng Bảng (Mai Châu) bị ngộ độc nấm khiến 2 người chết, 3 người phải đi cấp cứu, điều trị. Để phòng ngừa ngộ độc nấm, người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại, kể cả nấm màu trắng. Không ăn thử nấm và dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ, không hái nấm non khi chưa xòe mũ vì chưa bộ lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc. Không ăn nấm đã bị dập nát, ôi thiu.