Bệnh nhân là bé H.K.N (18 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) được
đưa vào Khoa nhi - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mất nước nặng, môi
khô, mắt trũng, khóc không nước mắt.
Trước đó, cháu N. lên cơn co giật nặng, mắt trợn ngược, toàn thân
tím tái và gần như mất ý thức. Các bác sĩ đã thăm khám và chẩn đoán bệnh nhi N.
bị nhiễm khuẩn tiêu hoá dẫn đến mất nước cấp, rối loạn điện giải gây co giật.
Ngay sau đó, cháu N. đã được xử lý truyền dịch, làm các xét nghiệm cơ bản, siêu
âm tim, chụp sọ não, chọc dịch não tủy. Từ lúc nhập viện cháu bé đã có thêm 4 lần
co giật khoảng 30 giây - 1phút/ lần và các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc để cắt
cơn giật. Sau 4 ngày theo dõi và điều trị đúng phác đồ, tình trạng của cháu dần
ổn định và đã được xuất viện vào ngày 28-3.
Theo bố bé N. cho biết, trước khi vào viện 3 ngày, cháu bị
tiêu chảy, ăn uống kém và mệt nhiều, gia đình đưa cháu đến khám tại Khoa nhi, Bệnh
viện Bạch Mai và được bác sĩ kê đơn, trong đó có thuốc Oresol. Tuy nhiên khi ra
hiệu thuốc mua, người bán hàng nói đã hết thuốc Oresol và đưa thực phẩm chức
năng (TPCN) dạng Oresol đã pha sẵn.
"Mình thắc mắc tại sao lại mất nước khi Oresol vẫn uống được,
dù là ít?! Lúc này mấu chốt của vấn đề mới được làm sáng tỏ, loại Oresol mình
mua ở hiệu thuốc thực tế là thực phẩm bổ sung với thành phần và hàm lượng không
đủ so với loại Oresol được kê trong đơn thuốc. Loại mình mua là một chai pha sẵn
250ml, bán đầy trên Lazada và các chợ online, các mẹ hay mua đồ online chỉ cần
search cái là thấy. Đây là bài học mình muốn chia sẻ để cả nhà cùng thêm chút ý
thức và hiểu biết khi mua thuốc cho con cũng như chăm sóc gia đình...”- bố bé
N. chia sẻ thêm trên trang cá nhân.
Sản phẩm thực phẩm chức năng khiến cháu bé suýt mất mạng. Ảnh gia
đình bệnh nhân cung cấp
Trước ca bệnh của cháu N. do dùng Oresol sai cách, bác sĩ Đỗ Tuấn
Anh, Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Oresol là một loại thuốc để điều
trị cho trẻ em mắc tiêu chảy mất nước. Với thành phần là Na, K,Cl... khi
Oresol được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước và điện giải đã mất,
giúp trẻ phục hồi sức khỏe.
Ví dụ 1 gói pha với một lít nước hoặc 1 gói pha với 200ml nước
theo qui định của nhà sản xuất. Nếu pha quá loãng hoặc quá đặc sẽ làm thay đổi
áp lực thẩm thấu của Oresol khiến ruột không thể hấp thu được, không những
không có tác dụng bù mất nước mà còn khiến trẻ đi ngoài nhiều hơn và dẫn đến
các bệnh nguy hiểm khác. Hơn nữa, việc sử dụng TPCN thay thế Oresol cũng rất
nguy hiểm vì nó tác động ngay tới sức khỏe của trẻ do không được bù đủ nước
và điện giải.
|
Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh cũng khuyến cáo, khi pha Oresol phụ huynh phải
đọc kỹ hướng dẫn cách pha, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định (pha
chính xác lượng nước, không ước lượng, áng chừng). Khi pha dung dịch với nước
phải uống hết trong vòng 24h, sau 24h nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không
bảo quản trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần, không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng.
Không đun sôi dung dịch đã pha, tuyệt đối không cho thêm đường, không pha với sữa,
nước trái cây, nước ngọt. Phụ huynh tuyệt đối không dùng TPCN dạng Oresol để
thay thế cho thuốc Oresol.
Theo SGGP