(HBĐT) - "Ngay khi có thông tin về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona (nCoV) gây ra, chúng tôi đã chủ động đẩy mạnh, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh và tổ chức điều tra dịch tễ trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, đã xây dựng kịch bản, các phương án thu dung, cách ly, điều trị khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn” - bác sỹ Trần Hồng Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đà Bắc cho biết.
Đà Bắc là một trong những địa phương có số người đi lao động, nhất là lao động không phép tại Trung Quốc nhiều nhất tỉnh đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, nhất là khi bùng phát dịch bệnh do vim rút Corona gây ra. Do vậy, ngay khi có thông tin về dịch bệnh viêm phổi cấp bùng phát mạnh tại Trung Quốc, song song với công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh và điều tra dịch tễ, huyện Đà Bắc đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch (PCD). Đồng thời, xây dựng phương án thu dung, cách ly, điều trị cho người bị nhiễm bệnh; chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men, nhân lực cho công tác PCD. Trong đó, ngoài việc thành lập 2 đội đáp ứng nhanh (cơ động) với 10 người mỗi đội, TTYT huyện đã thành lập, bố trí đội chuyên môn thu dung, phân luồng người có biểu hiện nhiễm bệnh tại Khoa Khám bệnh và hỗ trợ chuyên môn các trạm y tế xã khi có yêu cầu.
Theo thống kê, tính đến ngày 3/2, trên địa bàn huyện có tổng số 39 người từ Trung Quốc về được quản lý, theo dõi, giám sát dịch tễ. Trong đó, có 33 người địa phương sang Trung Quốc lao động, 6 người Trung Quốc (hiện 2 người đã về nước; 4 người còn lại gồm 2 người lớn, 2 trẻ em). Số người này chủ yếu ở xã Tú Lý. Bác sỹ Phạm Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tú Lý cho biết: Trên địa bàn xã có 22 người lao động từ Trung Quốc về, gồm 20 người ở xóm Mạ, 2 người ở xóm Mít; có 20 người mới về nước trong khoảng thời gian từ giữa tháng 1. Toàn bộ số người từ Trung Quốc trở về hiện được quản lý, theo dõi sức khỏe, kiểm tra dịch tễ. Hàng ngày, cán bộ của trạm y tế xã xuống kiểm tra, theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ và tuyên truyền các biện pháp cách ly, PCD 2 lần/ngày. "Dù đa số những người từ Trung Quốc trở về đã được theo dõi, kiểm tra sức khỏe qua hơn 15 ngày đều có sức khỏe tốt, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cử cán bộ xuống trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra dịch tễ nhằm tích cực phòng ngừa, kịp thời phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện bất thường nếu có để kịp thời xử lý. Quá trình theo dõi sức khỏe các đối tượng, cán bộ y tế kết hợp truyền thông công tác PCD giúp người dân nắm bắt các biện pháp, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh” - bác sỹ Phạm Anh Tuấn cho biết thêm.
Để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện, bác sỹ Trần Hồng Quân, Giám đốc TTYT huyện cho biết: Đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cho công tác PCD; xây dựng kịch bản cho từng tình huống cụ thể để thu dung, cách ly, điều trị cho người mắc bệnh. Theo kịch bản dự phòng, trường hợp xảy ra dịch bệnh lây lan trên địa bàn, huyện đã chuẩn bị sẵn sàng, đủ năng lực về phương tiện vật tư y tế, thuốc men và nhân lực để đáp ứng thu dung, điều trị, cách ly, điều trị cho khoảng 150 người với phương châm 4 tại chỗ (gồm: cách ly; vật tư, thuốc men; nhân lực; điều trị tại chỗ). Nếu vượt quá số người bệnh nói trên huyện có phương án báo cáo Sở Y tế để có thêm nguồn nhân lực, vật lực hỗ trợ.
"Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa có người mắc bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona gây ra. TTYT huyện tiếp tục chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Chuẩn bị các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Đồng thời, chỉ đạo các trạm y tế xã, đội ngũ y tế thôn bản duy trì công tác điều tra, rà soát đến từng hộ gia đình, nhất là những hộ có người trở về từ vùng có dịch để nắm bắt, kịp thời phát hiện những đối tượng có biểu hiện, dấu hiệu dịch tễ để thực hiện các biện pháp cách ly, quản lý, theo dõi sức khỏe theo quy định” - bác sỹ Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Mạnh Hùng