Thời gian qua, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng, chống dịch Covid - 19; thành lập các tiểu ban, đội phản ứng, đáp ứng nhanh với diễn biến tình hình dịch; chỉ đạo các cơ sở điều trị thành lập đơn nguyên chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu dung, tiếp nhận các trường hợp mắc, nghi mắc Covid-19...
Xã Quang Tiến (TP Hòa Bình) phun thuốc khử khuẩn phòng, chống dịch Covid-19 ở các trường học trên địa bàn.
Tỉnh đã cấp gần 30 tỷ đồng để mua sắm đảm bảo trang thiết bị, vật tư, chuẩn bị cơ sở vật chất cho các khu cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố chủ động cấp kinh phí thực hiện phòng, chống dịch tại các địa phương từ vài trăm triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng. Nhằm chủ động trong công tác phòng dịch, tỉnh đã đầu tư hệ thống thiết bị chuyên sàng lọc, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19, bao gồm 1 phòng áp lực âm trị giá khoảng 3,7 tỷ đồng. Từ ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chính thức tiếp nhận vận hành hệ thống thiết bị này để sàng lọc, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19. Ngày 7/4 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đưa vào hoạt động 1 phòng cách ly áp lực âm nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm chéo.
BCĐ tỉnh đã giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thành lập Bệnh viện dã chiến, có thể thu dung khoảng 150 bệnh nhân, tối đa 200 bệnh nhân mắc và nghi mắc Covid-19 tại cơ sở 3 của Trung tâm Y tế TP Hòa Bình (TTYT huyện Kỳ Sơn cũ). Kinh phí đề xuất để triển khai bệnh viện dã chiến trên 59,5 tỷ đồng. Hiện, Bệnh viện dã chiến đã sẵn sàng kích hoạt khi có yêu cầu. Thực hiện nhiệm vụ của BCĐ T.Ư giao, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức 2 đợt cách ly tập trung 186 trường hợp từ nước ngoài về, tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự tỉnh đảm bảo an toàn, hiệu quả. Hiện tại Trường Quân sự tỉnh tiếp tục thực hiện cách ly 84 công dân Việt Nam trở về từ Hàn Quốc.
Trong thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành: Y tế, Giao thông, Quân sự và các sở, ngành liên quan thành lập, triển khai 11 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở các địa bàn giáp ranh tỉnh bạn. Theo đó, các huyện, xã cũng thành lập các chốt kiểm dịch trên tuyến đường giáp ranh địa bàn, khu dân cư, để đảm bảo kiểm soát tốt việc thực hiện cách ly xã hội theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Đã triển khai thực hiện nghiêm túc hoạt động khai báo y tế toàn dân, xác minh các trường hợp khai báo trên ứng dụng NCOVI và hệ thống giám sát dịch Covid-19. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh, cách phòng, chống dịch bệnh được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Qua hơn 3 tháng triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, đại diện ngành Y tế, Công an, Quân sự tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố có chung kiến nghị: Thiếu trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là khẩu trang, quần áo bảo hộ, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, thuốc khử trùng; chưa có chế độ cho lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch bệnh; còn một số ít người dân chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch, biểu hiện rõ là không chấp hành nghiêm các quy định về giãn cách xã hội theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Giữ tinh thần "Chống dịch như chống giặc”, đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ phòng chống dịch Covid-19 tỉnh: Tỉnh ta có địa bàn giáp ranh với Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình… các vùng đang có dịch nên nguy cơ tiềm ẩn rất lớn. Vì vậy, các cấp, ngành cần tập trung cao độ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Lập thêm các tổ tuyên truyền, tổ tự quản ở các khu dân cư "đến từng nhà, rà từng ngõ” để kiểm soát dịch bệnh. Kêu gọi mọi người dân chủ động khai báo y tế, thực hiện nghiêm túc việc giãn cách xã hội. Các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố chú trọng thực hiện nhiệm vụ kép: vừa lo phòng, chống dịch vừa chỉ đạo, điều hành các hoạt động phát triển KT-XH, cố gắng không để bị ngưng trệ do dịch bệnh. Nỗ lực cao nhất để thực hiện các giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho SX-KD; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật TTATXH… nhằm đảm bảo "sức khỏe” để ứng phó, tiến tới đẩy lùi đại dịch Covid-19.