Các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra các chỉ số của bệnh nhân Bùi Văn H.
Bệnh nhân nhập khoa ngày 7/6 khi đã ở giai đoạn nặng với tình trạng suy đa phủ tạng, viêm phổi, tràn dịch màng phổi 2 bên gây suy hô hấp phải hỗ trợ bằng thở máy. Bệnh nhân còn có tình trạng tụt huyết áp, suy chức năng gan, sốt cao liên tục, rét run, đau đầu, buồn nôn.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, H. là người khỏe mạnh, vẫn đi làm bình thường. Trước khi vào viện 1 tuần, H. xuất hiện sốt cao liên tục, rét run, đau đầu, đau mỏi khắp người và đã được điều trị bằng kháng sinh, hạ sốt nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.
Trong quá trình thăm khám, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có 1 vết thương nghi do mò đốt ở vùng mông bên phải. Vết thương không gây đau, bệnh nhân cũng không rõ xuất hiện ở thời điểm nào. Dựa trên dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, đặc điểm của vết thương, bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị sốt mò và điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng sốt của bệnh nhân đã được kiểm soát, các tạng suy có dấu hiệu hồi phục và hiện đang tiếp tục tiến triển.
Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis (Orientia tsutsugamushi) gây nên, tỷlệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đặc hiệu. Bệnh có biểu hiện đa dạng, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán. Bệnh có thể gặp rải rác trong năm nhưng hay gặp chủ yếu vào mùa mưa, nắng nóng.
Mầm bệnh Rickettsia orientalis có ở trên ấu trùng mò và một số loài gặm nhấm, được truyền sang người qua vết đốt của ấu trùng mò. Bệnh không lây từ người sang người. Ấu trùng mò thường sống ở bụi cây, cỏ ẩm ướt, các hang đá, gốc cây nơi có các loài gặm nhấm sinh sống.
C.L