Chiều 29/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, riêng ngày hôm nay (29/1) đã ghi nhận tăng 53 trường hợp tại 4 tỉnh thành phố gồm Hải Dương (47 ca), Quảng Ninh (3 ca), Hà Nội (2 ca) và Bắc Ninh (1 ca).

Cụ thể, đến 12 giờ ngày 29/1, Hải Dương đã có 130 trường hợp mắc, trong đó có 126 trường hợp liên quan tới Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam và 4 trường hợp tại Trung tâm y tế Chí Linh.

Tại Quảng Ninh, đến sáng 29/1, đã ghi nhận tổng số 15 trường hợp mắc, tất cả đều có liên quan đến bệnh nhân 1553; chưa ghi nhận trường hợp mắc có liên quan đến 8 trường hợp cư trú tại Đông Triều làm việc tại Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam có kết quả dương tính. Đến nay, 149 trường hợp tiếp xúc gần đều có kết quả âm tính.

Bộ Y tế tiếp tục cử chuyên gia từ Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị liên quan trực tiếp xuống Hải Dương, Quảng Ninh chỉ đạo, thực hiện công tác phòng chống dịch. Lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục xuống thực địa để chỉ đạo. Thực hiện truy vết thần tốc để xác định nhanh các trường hợp có liên quan, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời. Bộ Y tế tiếp tục điều động các chuyên gia xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y tế Công cộng và Trường Đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm, điều trị diện rộng tại tỉnh Hải Dương.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Tinh thần là tiếp tục tranh thủ từng giờ, từng phút, thần tốc. Quyết tâm dập dịch trong 10 ngày, tính đến hôm nay là 2 ngày, như vậy còn 8 ngày phía trước. Toàn bộ lực lượng phải phấn đấu giữ lời hứa này.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, tỉnh Hải Dương và đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lấy mẫu, với sự hỗ trợ của tổ thông tin truy vết nhanh. Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã lấy hết mẫu F3, một số nơi lấy đến F4. Với sự điều phối, giúp đỡ của Bộ Y tế, thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) đã lấy được cơ bản nhóm đối tượng có rủi ro cao.

Ban Chỉ đạo đánh giá, đến giờ phút này, cơ bản tình huống đúng như dự đoán ban đầu, có những quyết định chuẩn xác, kịp thời, nhờ vậy, kịch bản diễn ra theo hướng tích cực nhất. Điểm đáng mừng là chúng ta xác định đúng điểm huyệt. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ, không được chủ quan, tiếp tục truy vết, đặc biệt ở khu vực Chí Linh.

Theo Phó Thủ tướng, đối với thành phố Chí Linh, điều cần tập trung nhất là tổ chức cách ly. Bởi những đối tượng lấy mẫu xét nghiệm, ban đầu cho kết quả âm tính nhưng không có nghĩa đã an toàn. Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng Quân đội chỉ đạo Quân khu 3 tận dụng tối đa các cơ sở, doanh trại… trên địa bàn thành phố Chí Linh và lân cận để cách ly. Ngoài ra, một loạt các trường học, ký túc xá có thể sử dụng làm khu cách ly nhưng yêu cầu Quân đội chi viện lực lượng vì trong các trung tâm cách ly tập trung dưới sự điều hành của Quân đội có kinh nghiệm tốt. Ngành Y tế xem xét nếu cần chi viện thêm.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế tích cực, nỗ lực xây dựng các bệnh viện bổ sung (bệnh viện dã chiến). Phó Thủ tướng lưu ý, các bệnh viện này phải lên phương án sử dụng ngay để làm khu cách ly tập trung. Bởi thực tiễn chống dịch cho thấy, ca nào có biểu hiện biến chứng nặng thì chuyển đến địa điểm đủ năng lực cứu chữa, còn cơ bản các bệnh nhân dù dương tính nhưng nhiều người không có triệu chứng.

Bên cạnh đó, Chí Linh có các đường giao lộ rất quan trọng về giao thương. "Tinh thần là phong tỏa để chống dịch nhưng không ngăn sông cấm chợ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, địa bàn thành phố Chí Linh rất rộng, vì thế cần xác định khu vực nhỏ hơn, tập trung lực lượng để làm chặt hơn. Tổ công tác của Bộ Y tế chỉ đạo quyết định những địa điểm cần tập trung cao độ, dứt khoát không để dịch lây lan.

Đối với tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

Cả nước đã kích hoạt truy vết, ở đâu có người nào có liên hệ với vùng có dịch phải thông báo sớm nhất có thể. Bộ Y tế lập danh sách những địa bàn nào coi như vùng dịch, đưa lên trang thông tin chính thức của Bộ để truyền thông, tránh tình trạng phóng đại không cần thiết. "Toàn thể lực lượng không được chủ quan, phấn đấu tối đa 8 ngày dập gọn ổ dịch này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục