(HBĐT) - B.K.N, sinh năm 2017, điều trị từ tháng 6/2020 đến nay do có biểu hiện chậm nói, ít chơi với các bạn cùng tuổi, biểu cảm hạn chế, không biết thể hiện tình cảm với người khác. Các bác sỹ chẩn đoán, bé mắc hội chứng tự kỷ.


Việc điều trị và can thiệp trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện được bảo hiểm y tế thanh toán một phần.

Khám sàng lọc ban đầu cho thấy, trẻ có đáp ứng với các âm thanh khác nhưng không đáp ứng khi gọi hỏi, giảm giao tiếp bằng mắt cả về tần số và thời gian. Trẻ thờ ơ, ít biểu cảm, không để ý tới thái độ của người khác. Mặc dù thời điểm vào viện, trẻ hơn 3 tuổi nhưng chỉ nói được một vài từ đơn giản, chủ yếu nói âm vô nghĩa, nhại lời, diễn đạt kém.

Theo bác sỹ Đặng Vũ Minh Huyền, đơn vị Tự kỷ, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), những biểu hiện của B.K.N là những dấu hiệu rất rõ và đặc trưng ở trẻ tự kỷ, thiếu hụt những kỹ năng tương tác xã hội. Trẻ luôn có một thế giới riêng và sống trong thế giới riêng đó, ít hoặc không muốn giao tiếp, tiếp xúc với người xung quanh.

Ngoài ra, ở trẻ tự kỷ còn có những dấu hiệu đặc trưng khác về giảm tương tác xã hội, suy giảm chất lượng giao tiếp và có hành vi, thói quen, sở thích bất thường mang tính rập khuôn, lặp đi lặp lại. Cụ thể như: Trẻ có cách chơi đồ chơi không phù hợp, không kết nối được với bạn bè, cười, khóc không hợp hoàn cảnh, hiếu động hoặc bị động thái quá, quá nhạy cảm với âm thanh, có hành động lạ với đồ vật, kiệm lời hoặc khó diễn đạt, khó thích nghi những thay đổi khác với thường ngày, thiếu nhận thức với sự nguy hiểm.

Bác sỹ Huyền cho biết, số lượng trẻ tự kỷ đến khám tại đơn vị năm 2020 khá nhiều, độ tuổi trung bình từ 18 - 36 tháng. Nhưng số trẻ nhập viện điều trị còn rất hạn chế, chỉ khoảng trên dưới 10 trẻ. Trẻ mắc bệnh tự kỷ nếu không được phát hiện sớm, hoặc nếu gia đình chủ quan, thờ ơ, không tích cực có thể dẫn tới tương lai tàn tật ở trẻ. Ở mức độ nặng, người tự kỷ sẽ không có khả năng hoà nhập với xã hội, không tự nuôi sống được bản thân khi lớn lên và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Những dấu hiệu sớm báo động trẻ tự kỷ trước 24 tháng tuổi bố mẹ có thể quan sát như: Không bập bẹ nói khi 12 tháng tuổi; không có cử chỉ biểu lộ sự quan tâm xung quanh khi 12 tháng tuổi như chỉ ngón tay, vẫy tay mừng khi gặp người thân, bắt tay, tiếp xúc mắt, cười đáp người quen; không nói được dù chỉ 1 từ đơn khi 16 tháng tuổi; không tự nói câu 2 từ khi 24 tháng và mất kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp ở bất kể lứa tuổi nào.

Để chẩn đoán, can thiệp cho trẻ mắc bệnh tự kỷ, các nhà chuyên môn cần thực hiện đánh giá trước can thiệp, gồm phỏng vấn gia đình và quan sát trẻ trực tiếp ở môi trường tự nhiên trong một thời gian nhất định. Qua đó, lập chương trình và áp dụng các phương pháp can thiệp thích hợp nhất với trẻ. Thời gian can thiệp tuỳ từng trường hợp cụ thể cũng như việc kết hợp can thiệp từ phía gia đình và xã hội. Tốt nhất là giai đoạn sớm trước 24 tháng tuổi.

Không có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn tự kỷ. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, can thiệp sớm bằng các biện pháp tâm lý, giáo dục đã mang lại những tiến bộ rõ rệt, làm tăng khả năng giao tiếp, nhận thức và hòa nhập xã hội ở trẻ. Gia đình có vai trò vô cùng quan trọng trong các chiến lược can thiệp tự kỷ. Hiện, việc điều trị, can thiệp trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được BHYT thanh toán một phần. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc điều trị cho trẻ tự kỷ, do quá trình điều trị rất lâu dài, không có giới hạn về thời gian cụ thể. Vì vậy, cha mẹ cần kiên trì, tin tưởng và luôn đồng hành cùng con.

Nguyễn Tuyết 
(Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục