(HBĐT) - Kịp thời thành lập các chốt đáp ứng yêu cầu kiểm soát dịch bệnh từ bên ngoài; quản lý chặt chẽ tình hình di, biến động về người, nhất là người lao động từ vùng dịch trở về... là những giải pháp được tỉnh siết chặt, góp phần tạo thế chủ động trong công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.



Chốt kiểm soát liên ngành số 5 tại xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) kiểm soát chặt người và phương tiện từ tỉnh Thanh Hóa di chuyển qua đường Hồ Chí Minh.

Khởi động các chốt kiểm soát phòng, chống dịch

Kể từ ngày 15/5, tỉnh đã thành lập 5 chốt kiểm soát liên ngành đặt tại các tuyến giao thông đường bộ, cửa ngõ, gồm: Chốt số 1 trên quốc lộ 6 thuộc thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) giáp ranh với huyện Chương Mỹ (Hà Nội); chốt số 2 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc địa phận xã Quang Tiến (TP Hòa Bình), giáp ranh với huyện Thạch Thất (Hà Nội); chốt số 3 trên quốc lộ 6 thuộc huyện Mai Châu, giáp ranh với huyện Vân Hồ (Sơn La); chốt số 4 trên đường Hồ Chí Minh, thuộc xã Liên Sơn (Lương Sơn), giáp ranh với huyện Chương Mỹ (Hà Nội); chốt số 5 trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa. Đây đồng thời là những chốt giữ vai trò trọng yếu, phòng ngừa dịch Covid-19.

Theo Thiếu tá Bùi Thanh Hoàn, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ số 1, Phòng CSGT (Công an tỉnh), lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt luôn xác định là một trong những "lá chắn" phòng dịch nên kiên quyết không bỏ sót các trường hợp ra, vào địa bàn mà không khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt. Kể cả đối với công dân có việc ra khỏi địa bàn tỉnh khi trở về sẽ được tính như người địa phương khác về tỉnh, cần tự nguyện khai báo, xuất trình giấy tờ tùy thân, tuân thủ sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Hiện nay, tại các chốt kiểm soát liên ngành đảm bảo đầy đủ về nhân lực ứng trực 24/24h, gồm: Y tế, cảnh sát giao thông, công an, thanh tra giao thông, quân đội... Những người đến từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn phải khai báo đầy đủ, xuất trình chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, giấy tờ tương đương kèm sổ hộ khẩu, hoặc sổ đăng ký tạm trú (phô tô). Bên cạnh việc yêu cầu người dân tuân thủ khai báo y tế bắt buộc đảm bảo trung thực, chính xác, các chốt cũng tăng cường khuyến cáo khai báo y tế điện tử đối với những người đến, đi qua chốt, yêu cầu cài đặt ứng dụng Bluezone.

Anh Vũ Đức Cảnh, chủ phương tiện xe con qua chốt kiểm soát liên ngành số 5 trên đường Hồ Chí Minh, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) chia sẻ: Tôi thấy việc thực hiện khai báo y tế ở đây thuận tiện, không mất nhiều thời gian. Mong rằng với sự tự giác và ý thức của mỗi người sẽ đảm bảo cho công tác chống dịch hiệu quả, người dân chúng tôi cũng yên tâm hơn. Là người dân từ tỉnh Thanh Hóa qua địa bàn, tôi cũng ý thức được phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCD của Chính phủ, của tỉnh.

Theo thống kê của Phòng CSGT (Công an tỉnh), bình quân mỗi ngày, các chốt kiểm soát từ 600 - 2.500 lượt phương tiện, tập trung kiểm soát chặt chiều từ các địa phương ngoài vào. Các lực lượng phối hợp đảm bảo ứng trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ, cập nhật danh sách người về từ vùng dịch. Nếu công dân đang ở các địa bàn có dịch sẽ không được vào. Những trường hợp khác phải khai báo y tế đầy đủ theo quy định. Trước nguy cơ lây nhiễm cao, lực lượng làm nhiệm vụ cũng đảm bảo biện pháp phòng dịch đầy đủ. Thông qua việc nghiêm túc khai báo của công dân giúp cơ quan chức năng thực hiện tốt truy vết nếu có ca nhiễm Covid-19, sàng lọc nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài.


Siết chặt quản lý lao động về từ vùng dịch và lao động người nước ngoài

Cho đến thời điểm này, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh vẫn là những điểm nóng dịch Covid-19. Theo thông báo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Giang, có 856 lao động của tỉnh ta đang làm việc tại tỉnh này. Trong đó, 814 lao động làm việc trong khu công nghiệp, 9 lao động làm việc ngoài khu công nghiệp, 33 lao động làm việc trong doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Tại tỉnh Bắc Ninh, số lao động đang làm việc cả ở trong và ngoài khu công nghiệp là 8.859 người. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh này tạm dừng hoạt động hoặc có thể thu hẹp sản xuất. Vì vậy, số lao động có thể không có việc làm và sẽ trở về địa phương.

Trước thực tế trên, Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố nắm bắt số lượng, quản lý và giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về PCD Covid-19 của các lao động về từ tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Đồng thời, có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH các tỉnh bạn phối hợp, chia sẻ thông tin, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người lao động tỉnh ở lại, không trở về nơi thường trú. Trường hợp đặc biệt, người lao động có nguyện vọng về địa phương thì ngành LĐ-TB&XH tỉnh bạn khớp nối với các doanh nghiệp nắm bắt số lượng lao động, thông báo cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh để phối hợp đưa người lao động về địa phương đảm bảo an toàn trong công tác PCD Covid-19.

3 lực lượng (Y tế, Công an, LĐ-TB&XH) có nhiệm vụ phối hợp rà soát trường hợp lao động từ vùng dịch tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trở về địa phương. Tất cả các trường hợp lao động trốn về hoặc bằng các thức khác đã được các lực lượng này theo dõi, quản lý chặt chẽ. Mọi số liệu về tên, tuổi, địa chỉ, nơi làm việc, số điện thoại, tên công ty... được cập nhật chính xác, giúp cơ quan chức năng và các địa phương quản lý, giám sát số lao động về địa phương. Các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền PCD, xác minh, phân loại những người có nguy cơ cao để có biện pháp xử lý phù hợp. Nhất là trường hợp đi về từ vùng dịch theo thông báo của Bộ Y tế trở về địa phương được quản lý, giám sát chặt chẽ, thực hiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tại cơ sở cách ly y tế tập trung.

Sở LĐ-TB&XH vừa ban hành Văn bản số 838/LĐTBXH-VLATLĐ về việc tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh. Theo đó, đề nghị Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố, cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai các nội dung. Cụ thể, Công an tỉnh chủ trì phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký vào làm việc tại các cơ sở doanh nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp thường xuyên kiểm tra công tác PCD Covid-19 tại các cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài trong khu công nghiệp, đảm bảo thực hiện nghiêm "5K" và các quy định khác của cơ quan y tế. Đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ, xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp không đảm bảo an toàn PCD theo quy định của pháp luật. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài, quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, đăng ký tạm trú. Xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm, không tuân thủ các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các quy định về PCD Covid-19.

Theo Ban chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh, nhằm tăng cường các biện pháp PCD Covid-19 trên địa bàn, tỉnh thực hiện rà soát các trường hợp là công nhân, người lao động trở về từ các khu công nghiệp Bắc Giang, Bắc Ninh và các vùng có dịch. (số liệu cập nhật, bổ sung sau) Tính đến ngày 3/6, đã rà soát, phân loại được .... trường hợp, tiến hành cách ly tập trung... trường hợp, cách ly tại nhà... trường hợp, ... trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-Cov-2. Ngành Y tế và các ngành liên quan tiếp tục khẩn trương rà soát, phân loại, áp dụng biện pháp cách ly và lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp đi về từ vùng dịch và các địa phương khác. Đồng thời, triển khai các hoạt động truy vết, điều tra, giám sát, quản lý các trường hợp. Căn cứ vào mức độ nguy cơ và diễn biến tình hình, một số huyện, thành phố như TP Hòa Bình, huyện Yên Thủy đã thành lập các chốt kiểm soát PCD Covid-19 của địa phương.



Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) công bố quyết định và giám sát việc thực hiện cách ly tại nhà của các trường hợp lao động về từ khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang.

Bùi Minh


Nhóm ý kiến 


Địa phương nào không kiểm soát được người về từ vùng dịch sẽ bị phê bình hoặc kỷ luật 

Bùi Quang Điệp
Chủ tịch UBND TP Hòa Bình


Thành phố Hòa Bình đang tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, không phát sinh thêm ca xác định, ca nghi ngờ và các trường hợp F1, F2. Bên cạnh thực hiện tốt việc cách ly tập trung tại 2 cơ sở, giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Hiện nay, trong nước tiếp tục xuất hiện những ổ dịch tại Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh. Để phòng, chống nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, tại thành phố duy trì hoạt động của 1 chốt kiểm soát của tỉnh và 2 chốt kiểm soát địa phương đặt tại xã Thịnh Minh và xã Yên Mông. Ban chỉ đạo PCD Covid-19 thành phố, các cấp chính quyền, phường, xã đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCD. Hướng dẫn, động viên các tổ Covid-19 cộng đồng tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi, về từ vùng dịch. Địa phương nào để xảy ra tình trạng tụ tập đông người, hoạt động thương mại dịch vụ không đảm bảo quy định, không kiểm soát được người về từ vùng dịch sẽ bị phê bình hoặc kỷ luật, tùy theo tính chất nghiêm trọng của vi phạm.



Quản lý chặt các đối tượng về từ vùng dịch

Bùi Văn Vanh
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn


Với lực lượng lao động đang làm việc từ các tỉnh ngoài khá đông, huyện Lạc Sơn tích cực thực hiện kiểm soát số người đi, về địa phương, nhất là từ các vùng tâm dịch Covid-19 Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội.

Trong thời gian này, chốt kiểm soát dịch của tỉnh trên đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Ân Nghĩa đã hỗ trợ huyện rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các nguy cơ dịch Covid-19. Trung tâm Y tế huyện và trạm y tế xã Ân Nghĩa cử cán bộ y tế luân phiên ứng trực cùng với lực lượng liên ngành làm nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn người đi, về từ các tỉnh khác khai báo y tế tại chốt.

Các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trong đó, quản lý chặt đối với trường hợp trở về từ khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương). Tiếp tục triển khai hoạt động truy vết, điều tra, hướng dẫn, giám sát những trường hợp thực hiện cách ly và lấy mẫu theo quy định.

 

Các chốt kiểm soát liên ngành phát huy vai trò kiểm soát dịch Covid-19

Nguyễn Thị Hảo
Thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn)


Những ngày qua, tỉnh đã có những giải pháp kịp thời để ứng phó với tình hình dịch Covid-19. Việc thành lập các chốt kiểm soát liên ngành cấp tỉnh trên các tuyến giao thông đường bộ là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Có vị trí là vùng cửa ngõ, tiếp giáp với địa bàn Xuân Mai, Chương Mỹ (Hà Nội), trên địa bàn huyện có 2 chốt kiểm soát liên ngành cấp tỉnh đang hoạt động 24/24h để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, giúp phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống dịch bệnh, mang lại sự yên tâm cho Nhân dân. Tin tưởng rằng, với vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chức năng sẽ góp phần đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 ở huyện Lương Sơn và trong tỉnh.    

Các tin khác


Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục