Cán bộ Trạm y tế thị trấn Cao Phong (Cao Phong) tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng đủ điều kiện tiêm.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đợt dịch Covid-19 thứ 4 với biến thể Delta siêu lây nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Điều này càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của chiến lược tiêm phòng vắc xin. Cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định "5K" thì vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất, tạo miễn dịch cộng đồng để phòng, chống đại dịch Covid-19. Theo các quyết định phân bổ của Bộ Y tế, tỉnh được phân bổ hơn 86 nghìn liều vắc xin, gồm vắc xin AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Tính đến ngày 10/8/2021 đã hoàn thành kế hoạch tiêm đợt 1, 2, 3 và đang thực hiện kế hoạch tiêm đợt 4, 5.
Bác sỹ Trần Thị Ái Hương, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết: Ngay khi triển khai kế hoạch đợt tiêm chủng này, Sở Y tế đã lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện, kể cả Nhà nước và tư nhân để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt được tiến độ, đồng thời đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch (PCD). Trong đó, đã tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động linh hoạt tại các nhà máy, khu công nghiệp, cơ quan, công ty để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm.
Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng, trước khi tổ chức các đợt tiêm, ngành y tế đã tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ làm công tác tiêm vắc xin. Đặc biệt là công tác hướng dẫn các bước khám sàng lọc, xử lý các phản ứng khi tiêm. Trong quá trình triển khai thực hiện phân loại đối tượng tiêm, với những đối tượng có nguy cơ phản ứng chỉ định tiêm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại các cơ sở y tế yêu cầu có phòng cấp cứu sẵn sàng ứng phó trong các trường hợp phản ứng. "Chúng tôi đã chỉ rõ các triệu chứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Covid-19 để người tiêm tự theo dõi, đồng thời cung cấp số máy đường dây nóng của cán bộ y tế trực cấp cứu để người tiêm biết, khi về nhà theo dõi sức khỏe nếu có bất cứ triệu trứng nào có thể gọi trực tiếp cho số máy đường dây nóng của cán bộ y tế" - bác sỹ Trần Thị Ái Hương cho biết thêm. Chính nhờ thực hiện việc khám sàng lọc kỹ để phân loại đối tượng không đủ điều kiện tiêm phòng, nên đến thời điểm này, công tác tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn.
Có mặt tại điểm tiêm Trạm y tế thị trấn Cao Phong (Cao Phong) ngày 12/8 triển khai tiêm vắc xin đợt 5. Trạm sử dụng thêm hội trường của UBND thị trấn Cao Phong để phân luồng thành 2 điểm tiêm. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế huyện Cao Phong, các điểm tiêm tuân thủ quy trình tiêm của Bộ Y tế, có bàn khám sàng lọc với 2 cán bộ trực tiếp khám, đầy đủ trang thiết bị phục vụ tiêm, phương tiện cấp cứu, nhân lực xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm. Bác sỹ Đinh Thị Mịn, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Cao Phong cho biết: Đợt tiêm này, trạm y tế thị trấn tiêm cho 240 người. Trước khi tiêm, chúng tôi khám sàng lọc và cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêm, tư vấn y tế để người tiêm hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin cũng như những triệu chứng có thể gặp phải để không hoang mang, xử trí kịp thời khi có biến chứng sau tiêm.
Theo kế hoạch của CDC tỉnh, đối tượng phân bổ vắc xin lần này tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như lực lượng công nhân; nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, lái xe, công nhân ngành điện nước, người làm công việc tiếp xúc với nhiều người... Là công nhân trong khu công nghiệp Lương Sơn, được tiêm vắc xin lần này, anh Nguyễn Tiến Linh, bảo vệ Công ty An Thịnh chia sẻ: Công việc hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người ra vào khu công nghiệp, khi dịch Covid-19 xảy ra tôi rất lo lắng. Được tiêm vắc xin phòng Covid-19 tôi thấy rất vui và yên tâm công tác.
Được biết, huyện Lương Sơn đã phân bổ và tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 1.400 công nhân làm việc tại khu công nghiệp Lương Sơn. TP Hòa Bình đã tiêm 1.008 mũi cho công nhân KCN bờ trái Sông Đà. Đây là hoạt động cần thiết nhằm đảm bảo duy trì chuỗi sản xuất, vừa thực hiện PCD, thực hiện mục tiêu kép của Thủ tướng Chính phủ, tạo sự yên tâm cho người lao động. Theo báo cáo của ngành Y tế, tổng đối tượng đã được tiêm đến ngày 10/8 là 42.538 người, trong đó, số người đã tiêm đủ 2 mũi 6.559 người, số người tiêm mũi 1 là 35.979 người, tổng số 49.085 liều vắc xin đã sử dụng.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khó lường, chỉ có phương pháp tiêm vắc xin mới có thể chủ động trong PCD. Từ thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt để đảm bảo tiến độ chiến dịch. Đảm bảo nhân lực, huy động lực lượng, đội ngũ y, bác sỹ, tổ chức hướng dẫn, tập huấn để phục vụ cho chiến dịch. Theo kế hoạch, đến cuối năm, tỉnh nỗ lực đạt được 50% đối tượng được tiêm chủng, năm 2022 đạt được khoảng 70% dân số được tiêm chủng. Để đảm bảo công tác phòng dịch, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin vẫn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, quan trọng nhất là thực hiện thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
Việc cách ly tại nhà cho các F1, F0 không có triệu chứng đã góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện tại TP.HCM song vẫn có trường hợp chưa kịp thời tiếp nhận, điều trị các ca F0 diễn tiến nặng.