Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhi 20 tháng tuổi, trú tại Thanh Hóa bị hoại tử nặng vùng đùi, bụng và bộ phận sinh dục do gia đình tự đắp thuốc lá chữa bệnh.
Bệnh nhi đang được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh, trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhi mọc nhọt nhỏ ở dương vật kèm theo sưng đau bộ phận sinh dục. Gia đình không cho bệnh nhi đến bệnh viện để thăm khám mà nghe hàng xóm mách, tự đắp lá thuốc vào chỗ nhọt.
Vài giờ sau khi đắp lá, đầu dương vật, bìu và phần vùng hạ sườn phải (gần bẹn) của bệnh nhi sưng tím nhiều hơn. Bệnh nhi sốt cao liên tục và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để cấp cứu.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử Fournier (một loại nhiễm trùng có khả năng phá hủy mô tế bào tại bộ phận sinh dục và khu vực lân cận, có tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao).
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa hỗ trợ can thiệp đường thở, dùng các thuốc vận mạch và điều trị hồi sức nhiễm trùng. Lo ngại tình trạng hoại tử do vùng bìu bẹn bị tím đen, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật 2 lần để cắt lọc vùng hoại tử và đặt ống dẫn lưu bàng quang cho trẻ.
Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhi vẫn diễn biến nặng, sốc nhiễm khuẩn, vết loét hoại tử tiếp tục tiến triển. Ngày 15/10, sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, vùng bụng dọc theo vết mổ sưng nề, rỉ nước, đùi, sinh dục bị hoại tử, đen, chảy nhiều mủ, mùi hôi, tinh hoàn đã bị cắt, chỉ còn lại 1 phần nhỏ dương vật, niệu đạo bị ăn mòn.
Bệnh nhi được hồi sức tích cực, chống sốc nhiễm trùng, dùng kháng sinh liều cao, giảm đau và chăm sóc phần loét. Các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn với các chuyên khoa để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhi.
Ngày 21/10, bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật cắt lọc phần hoại tử và một phần vạt da (do vết loét quá rộng), chạy máy áp lực âm để hút dịch, máu, mủ khu vực nhiễm trùng, kích thích các tế bào ở vùng tổn thương phát triển.
Hiện tại, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhi đã cải thiện hơn, tuy nhiên tiên lượng vẫn rất nặng.
Thời gian qua, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây để xử lý vết thương, vết mụn nhọt, tuy nhiên vẫn có những gia đình do chủ quan, ngại đến cơ sở y tế nên tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Đáng nói, những loại lá cây được mọi người "mách" nhau nhưng không phải ai cũng biết rõ công dụng hay tác hại của nó mà chỉ nghe qua lời giới thiệu của bạn bè, người thân hoặc thậm chí là các thông tin không chính thống trên mạng xã hội.
Các bác sĩ cho biết, đắp lá cây vào vết thương là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ.
Có rất nhiều trường hợp bệnh nhi nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi bệnh mới khởi phát thì việc điều trị rất dễ dàng. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, bệnh đã diễn biến quá nặng nên để lại hậu quả đáng tiếc.
‘‘Hiện nay, việc tiếp cận các cơ sở y tế không còn khó. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý hoặc nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn, đắp các loại lá, loại thuốc không đúng lên vết thương, gây nhiễm trùng, khiến bệnh nặng, khó điều trị và tốn kém chi phí" - bác sĩ Dương khuyến cáo.
Theo VTV.vn
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 27/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 28 ca Coivid-19. Trong đó, 10 ca ngoài cộng đồng, 17 ca trong khu cách ly và 1 ca trong khu phong tỏa.
Phát hiện ca COVID-19 mới, các địa phương như Hà Giang, Nam Định, Đồng Nai, Phú Thọ cho học sinh một số huyện trên địa bàn tạm nghỉ để đảm bảo an toàn.
(HBĐT) - Ban chỉ đạo phòng chống dịch (BCĐ PCD) Covid-19 tỉnh vừa ban hành Quyết định số 211/QĐ-BCĐ, ngày 27/10/2021 về việc phân bổ vắc xin phòng Covid-19.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 27/10, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hiện có 3 trường hợp đang điều trị; 16 trường hợp đang cách ly y tế; 248 trường hợp đang cách ly tập trung và 429 trường hợp đang cách ly tại nhà.
Từ tháng 11/2021, Việt Nam tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trên toàn quốc. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.
(HBĐT) - Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh thiếu máu do tan máu, thuộc nhóm bệnh di truyền - bẩm sinh với 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Đây là một trong các bệnh di truyền lặn phổ biến nhất trên thế giới đến nay chưa có phương pháp điều trị triệt để. Người bệnh cả đời phải sống nhờ vào truyền máu và thải sắt. Bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, KT-XH và chất lượng dân số.