Đến nay, hầu hết cán bộ, công nhân, người lao động làm việc trong KCN Lương Sơn đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Ảnh: Công nhân Công ty TNHH Doosung Tech Việt Nam tại KCN Lương Sơn tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 2.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường, ông Võ Văn Trường, đại diện Ban Quản lý (BQL) khu công nghiệp (KCN) Lương Sơn lo lắng: KCN Lương Sơn hiện có 44 dự án đầu tư, nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút khoảng 17 nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Trong 17 nghìn lao động đang làm việc trong KCN có khoảng 4.000 - 5.000 lao động đến từ địa bàn Hà Nội.
Đồng chí Hà Thị Yến, cán bộ Văn phòng UBND huyện Lương Sơn cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên địa bàn, UBND huyện, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch (PCD) Covid-19 huyện đã tổ chức họp và bàn các giải pháp đánh giá, triển khai cụ thể các biện pháp nhằm kiểm soát, khống chế và dập dịch trên địa bàn huyện, trong đó, công tác PCD Covid-19 trên địa bàn nói chung và trong KCN nói riêng được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. UBND huyện đã có Công văn số 2386/UBND-VP chỉ đạo, triển khai các biện pháp PCD Covid-19 trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD), công ty, nhà máy, doanh nghiệp trong và ngoài KCN Lương Sơn. Tại công văn này, đồng chí Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu giám đốc các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, chủ cơ sở SXKD trong và ngoài KCN Lương Sơn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác PCD Covid-19 của cơ quan, đơn vị mình. Nếu để xảy ra bùng phát, lây lan dịch bệnh trong đơn vị do nguyên nhân chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong PCD Covid-19 phải chịu toàn bộ chi phí cho công tác chống dịch và dập dịch. Yêu cầu các cơ sở SXKD, công ty, nhà máy, doanh nghiệp rà soát lại phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó với mọi tình huống PCD trong tình hình mới, thích ứng với điều kiện mới. Tất cả các cơ sở SXKD, công ty, doanh nghiệp, nhà máy phải thành lập tổ y tế của đơn vị để sẵn sàng kích hoạt các phương án PCD khi có tình huống xảy ra. Riêng KCN Lương Sơn giao Trung tâm Y tế huyện nghiên cứu xem xét, hướng dẫn thành lập trạm y tế lưu động (nếu thấy cần thiết) để đảm nhiệm nhiệm vụ PCD cho KCN Lương Sơn; các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở SXKD phải có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện khoanh vùng, truy vết với phương châm "thần tốc, khoanh vùng hẹp, xét nghiệm rộng” để xác định, bóc tách F0, F1. Chấp hành lệnh phong tỏa tạm thời khi có chỉ đạo của chính quyền địa phương nếu có F0. Đồng thời, chịu trách nhiệm chi trả cho việc test nhanh kháng nguyên, khám sàng lọc cho công nhân, lao động trong đơn vị. Định kỳ các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất phải tổ chức đánh giá mức độ dịch để có biện pháp, phương án ứng phó kịp thời.
Ông Võ Văn Trường, đại diện BQL KCN Lương Sơn cho biết: Chấp hành sự chỉ đạo của BQL các KCN tỉnh và UBND huyện Lương Sơn, với tinh thần PCD Covid-19 trong KCN được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, đến nay, nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động, sản xuất tại KCN Lương Sơn đã chủ động áp dụng biện pháp PCD, nhất là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư trang thiết bị cho công tác phòng dịch; thực hiện khá tốt khuyến cáo "5K” của Bộ Y tế. Với trách nhiệm của mình, BQL KCN Lương Sơn đã yêu cầu tất cả các công ty, doanh nghiệp, nhà máy, chủ cơ sở sản xuất ký cam kết thực hiện các biện pháp PCD, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để dịch bệnh lây lan; yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng phương án ứng phó với dịch bệnh như luôn nâng cao ý thức thực hiện "5K”, chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, phân luồng xưởng để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, chống lây nhiễm nếu có ca bệnh trong nhà máy. Mục tiêu PCD ở mức cao nhất và không để đứt gãy chuỗi sản xuất.