(HBĐT) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến gần, thị trường thực phẩm, hàng tiêu dùng bắt đầu sôi động. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm kém chất lượng xâm nhập thị trường nếu không được quản lý. Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2022, Ban chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh đã xây dựng, triển khai quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh đồ thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên
ngành về an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn
thành phố Hòa Bình.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 2
vụ ngộ độc thực phẩm làm 15 người mắc, tỷ lệ mắc là 1,76 người/100 nghìn dân,
thấp hơn mức chỉ tiêu cho phép. Trong đó, 1 vụ 6 người mắc nghi ngờ do uống
rượu ngâm rễ cây rừng, 1 vụ 9 người mắc nghi ngờ do ăn bọ xít măng. Số ngộ độc
thực phẩm đơn lẻ là 62 người. Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP
trong tình hình mới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã phối hợp
giám sát đảm bảo ATTP cho 1.584 bữa ăn đông người; tổ chức nhiều cuộc kiểm tra,
thanh tra, hậu kiểm tra liên ngành về ATTP.
Xác định dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2022 là thời điểm nhu cầu thực phẩm
của người dân tăng cao, tuy nhiên, đây cũng là dịp các mặt hàng thực phẩm kém
chất lượng, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường. Vì vậy, để đảm bảo ATTP,
hạn chế tối đa các vụ ngộ độc, đảm bảo sức khỏe cho người dân, đồng thời góp
phần phát triển, cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến thực
phẩm, kiểm soát, xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực
phẩm kém chất lượng. BCĐ ATTP tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 24/KH-BCĐATTP nhằm
đảm bảo công tác vệ sinh ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2022.
Theo đồng chí Bùi Đinh Thị Dinh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh: BCĐ sẽ
thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại tất cả các huyện, thành
phố. Trong đó, đặc biệt kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm sử dụng nhiều
trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu,
đồ uống, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau củ quả, phụ gia thực phẩm... và
các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý vi
phạm về ATTP, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập
thể, ngộ độc rượu. Đồng thời, chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập
khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết
mổ, vận chuyển thực phẩm. Song song với đó là công tác phối hợp với các ngành
hữu quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả,
hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm, BCĐ ATTP
tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan hữu quan, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng tỉnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về ATVSTP cho các chủ
cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; phối hợp các cơ quan truyền
thông tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, sản phẩm, chuỗi
thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương. Qua đó, quảng bá,
khích lệ các cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn. BCĐ cũng xác định lấy
người tiêu dùng làm đối tượng tuyên truyền chính để người dân không chỉ biết
cách chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, mà còn là một người tiêu dùng thông
thái, có kiến thức, hiểu biết để tuyên chiến với thực phẩm bẩn, thực phẩm không
rõ nguồn gốc. Hiện nay, trên trang thông tin điện tử Chi cục ATVSTP tỉnh đã
công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính
về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực
phẩm trái pháp luật, đây cũng là một cách để công khai thông tin đến người tiêu
dùng.
Theo chỉ đạo của BCĐ ATTP tỉnh, trong đợt kiểm tra trước, trong, sau Tết Nguyên
đán và lễ hội xuân 2022, các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý
nghiêm theo quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo ATTP, hàng
giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi
phạm khác về ATTP lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, xử lý
nghiêm hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm; không để các dịch vụ ăn uống,
nhất là thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa khắc
phục đảm bảo yêu cầu.
Đinh Hoà