(HBĐT) - Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chăm lo sức khỏe cho học sinh bán trú là phần quan trọng của nhiệm vụ nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và giáo dục. Vì vậy, công tác này đã, đang được ngành GD&ĐT huyện Kim Bôi đặc biệt quan tâm.
Đầu tháng 11, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã kiểm tra việc sử dụng thực phẩm, nông sản tại bếp ăn của điểm trường A, trường mầm non Đú Sáng, xã Đú Sáng. Tất cả các khâu từ: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm đều được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện lưu mẫu thức ăn trong 24 giờ theo quy định. Cô giáo Bùi Thị Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 3 điểm, 100% cháu ăn bán trú nên việc đảm bảo VSATTP là trách nhiệm và lương tâm đối với con trẻ. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, song nhà trường đã cố gắng đầu tư tủ nấu cơm bằng ga, tủ lưu mẫu thức ăn, mua đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác VSATTP để chế biến cho bữa ăn của từng lứa tuổi. Các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa... được trường ký hợp đồng tiêu thụ với các nhà cung cấp trên địa bàn huyện có chứng nhận, kiểm định VSATTP. Mỗi tuần, trường tổ chức phiên chợ quê, tại đây phụ huynh học sinh các lớp có thể tham gia luân phiên trưng bày nông sản, rau, củ, quả của gia đình tự sản xuất. Sản phẩm sau khi trưng bày được sử dụng nấu ăn cho học sinh. Trường thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày, đến nay chưa xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Năm học 2022 - 2023, huyện Kim Bôi có 28 trường mầm non tổ chức ăn bán trú. Để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và an toàn cho bữa ăn của học sinh, các nhà trường chủ động lựa chọn cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm. Hàng ngày, khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ trong sự giám sát chặt chẽ của Ban giám hiệu nhà trường. Đội ngũ nhân viên nhà bếp thường xuyên được tập huấn kiến thức về VSATTP, khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng, VSATTP tới phụ huynh thông qua các buổi họp, tranh ảnh, góc tuyên truyền của nhà trường để cha mẹ các em hiểu, có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe của con em mình.
Đồng chí Lê Thị Hồng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi cho biết: Từ đầu năm học, ngành Y tế tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về VSATTP trong các trường học. Vì vậy, các trường học bán trú trên địa bàn huyện cơ bản thực hiện đầy đủ. Công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo VSATTP tại các bếp ăn bán trú được thực hiện thường xuyên; quan tâm tập huấn kiến thức VSATTP và khám sức khoẻ định kỳ cho đội ngũ cô nuôi. Nhờ vậy, đến nay, 100% bếp ăn của các trường học được cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Tới đây, ngành GD&ĐT, ngành Y tế và ngành Nông nghiệp huyện sẽ ký kết quy chế phối hợp để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo VSATTP cho bữa ăn của học sinh thông qua các hoạt động như: Tăng cường lấy mẫu kiểm định chất lượng thực phẩm; truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm, hướng dẫn các nhà bếp sử dụng, tiêu thụ thực phẩm, nông sản an toàn...
Mặc dù thời gian qua trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, thực tế tại một số trường mầm non, các loại rau, củ, quả sử dụng trong bữa ăn dù được phụ huynh học sinh tự sản xuất và cung cấp, nhưng cũng chỉ được chứng nhận bằng "mắt thấy, tai nghe”, chưa có giấy tờ kiểm định về chất lượng. Do đó, không thể hoàn toàn khẳng định là không có nguy cơ mất VSATTP. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, vẫn cần chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào các loại thực phẩm, nước uống, đảm bảo các thực phẩm đưa vào nhà trường đều rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng và an toàn với học sinh.
Thu Hằng