(HBĐT) - Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các trường có học sinh bán trú trên địa bàn huyện Tân Lạc luôn được quan tâm. Nhờ đó, học sinh có những bữa ăn đảm bảo an toàn, đủ dinh dưỡng, tạo điều kiện cho các em được học tập và chăm sóc tốt nhất.


Bếp ăn của trường mầm non Mường Khến, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) có khu vực phân loại, sơ chế, chế biến thực phẩm riêng biệt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Mới đây, sự việc hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, trong đó có 1 học sinh tử vong đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội. Trước sự việc này, các nhà trường, những người làm công tác quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện Tân Lạc không khỏi trăn trở. Ngành GD&ĐT huyện đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị, ngành liên quan tiến hành giám sát, kiểm tra tình hình sử dụng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại các bếp ăn bán trú trên địa bàn.

Tại bếp ăn của trường mầm non Mường Khến, thị trấn Mãn Đức  (Tân Lạc), các cô nuôi tất bật chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm nấu bữa trưa cho học sinh. Thăm quan khu bếp có thể thấy, khu vực này được phân thành khu chế biến thực phẩm sống, khu nấu chín thức ăn; các dụng cụ nấu ăn riêng biệt, sạch sẽ. Quá trình làm việc, tất cả nhân viên bếp ăn thực hiện đầy đủ các quy định VSATTP. Đồng chí Đào Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường mầm non Mường Khến cho biết: Xác định việc đảm bảo VSATTP có ý nghĩa quan trọng, nhà trường đã chọn, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm có uy tín, địa chỉ tin cậy; thực phẩm cung cấp cho bếp ăn bảo đảm rõ nguồn gốc; thực hiện tốt quy trình bếp ăn một chiều, giám sát chặt chẽ công tác VSATTP bữa ăn; thức ăn được nhà trường lưu mẫu 24 giờ theo đúng quy định, có sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ. Nhân viên nấu ăn được tham gia tập huấn, có kinh nghiệm lâu năm trong phục vụ bếp ăn bán trú, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng thay đổi thực đơn trong bữa ăn hàng ngày và chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn của học sinh.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc, toàn huyện có 26 trường học tổ chức ăn bán trú (1 trường TH&THCS, 25 trường mầm non). Mỗi năm học, ngành Giáo dục và ngành Y tế phối hợp tổ chức kiểm tra công tác tổ chức bếp ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các trường thực hiện đúng quy định pháp luật về đảm bảo VSATTP. Yêu cầu các trường, đặc biệt là các trường có tổ chức bán trú không được chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn và yêu cầu về VSATTP. Trong đó, lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu tiếp nhận thực phẩm, chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đun sôi. Đặc biệt, lưu ý nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ quy định về VSATTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Các trường chủ động đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng, VSATTP tới phụ huynh thông qua các buổi họp, tranh ảnh để cha mẹ các em có trách nhiệm quan tâm hơn đến sức khỏe con em mình. 

Đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên viên phụ trách chuyên môn mầm non, Phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc cho biết: Trước sự việc tại trường Ischool Nha Trang, huyện đã chỉ đạo siết chặt các giải pháp VSATTP tại bếp ăn bán trú trong các trường học trên địa bàn. Qua công tác kiểm tra cho thấy, các trường học chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ thực phẩm với đơn vị cung cấp có đủ điều kiện về VSATTP, hiệu trưởng các nhà trường là người chịu trách nhiệm. Hiện, 100% bếp ăn của các trường học được cấp chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị, ngành chuyên môn của tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nông sản được sử dụng tại các bếp ăn bán trú; tăng cường lấy mẫu kiểm định chất lượng thực phẩm để đảm bảo an toàn cho các bữa ăn bán trú của học sinh trong toàn huyện.

 Thu Hằng

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục