Cùng cán bộ trạm y tế phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) chúng tôi đến tổ 8 - nơi vừa khởi phát ổ dịch SXH. Chị Nguyễn Thị Vân, chuyên trách chương trình phòng, chống dịch bệnh SXH trạm y tế phường Hữu Nghị cho biết: Ngày 22/3, ca bệnh SXH trên địa bàn tổ 8 khởi phát. Ngày 23/3, anh Cù Xuân H., sinh năm 1977 thấy cơ thể mệt mỏi, người nổi ban đã đến khám tại Trung tâm Y tế (TTYT) TP Hòa Bình. Tại đây anh được chẩn đoán bị SXH, được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Ngay sau khi được thông báo trên địa bàn có ca bệnh SXH, cán bộ trạm y tế tiến hành lập phiếu điều tra; đến nhà người bệnh và người dân xung quanh để tư vấn, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Cảnh báo người dân khi có dấu hiệu của bệnh gọi điện đến trạm y tế để được hỗ trợ hoặc đến khám, điều trị tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, trạm phối hợp TTYT thành phố phun khử khuẩn toàn bộ nhà người bệnh và các hộ xung quanh.
Theo chị Vân, trong năm 2022, trên địa bàn phường có 5 ca bệnh SXH ngoại sinh từ nơi khác về địa bàn. Từ đầu năm đến nay có 2 ca bệnh SXH, trong đó, 1 ca bệnh ngoại sinh đi từ nơi khác về địa bàn tổ 5 đã được trạm triển khai các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời. Đồng thời thực hiện tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh SXH trên loa phát thanh đến 17/17 khu dân cư trên toàn phường.
Tỉnh ta có tỷ lệ người bệnh SXH thấp, chưa để dịch bệnh xảy ra trên diện rộng trong những năm gần đây. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 27/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 ca bệnh SXH tại phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) và xã Thanh Hối (Tân Lạc). Tuy nhiên, tình hình SXH trong cả nước đang diễn biến phức tạp. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận khoảng 13.000 ca mắc SXH, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trước tình hình đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe T.Ư, ngành Y tế tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường truyền thông phòng, chống SXH trong giai đoạn giao mùa xuân - hè, cũng như chủ động ngăn ngừa diễn biến phức tạp của bệnh dịch khi mùa hè đến với các nội dung: Tập trung phòng bệnh và phát hiện sớm, khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, không tự ý mua thuốc điều trị bệnh tại nhà; ưu tiên tập trung tuyên truyền đến người dân sống ở địa bàn đang có các ca bệnh SXH, địa bàn có nguy cơ cao như khu vực tập trung đông dân cư, gồm khu trọ của công nhân, ký túc xá các trường học... Đẩy mạnh tuyên truyền qua loa truyền thanh khu phố, xã, phường, thôn, bản ở khu vực đang có ca bệnh và khu vực có nguy cơ cao xảy ra bệnh dịch; tăng cường, đa dạng hoá hình thức truyền thông trực tiếp, cụ thể như thăm hộ gia đình, lồng ghép nói chuyện sức khoẻ...
Ngành Y tế khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh SXH hiệu quả nhất cần thực hiện các biện pháp như: Vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng nơi ở, môi trường sống, sinh hoạt. Thu gom, tiêu hủy những vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà. Không tích trữ nước trong nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Phát quang bụi rậm quanh nhà, ngoài vườn. Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà. Ngủ màn để tránh bị muỗi đốt. Đốt hương muỗi, dùng vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi để tiêu diệt muỗi vằn. Sử dụng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi ở vị trí các ô thoáng, cửa sổ, cửa ra vào. Sử dụng thuốc bôi ngoài da, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt. Người mắc bệnh SXH cần được điều trị kịp thời, nằm ngủ trong màn, tránh muỗi đốt lây bệnh sang người khác...
Hương Lan