(HBĐT) - Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện cho một số bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, trong đó có bệnh tay - chân - miệng (TCM). Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc TCM, trong đó đã có các trường hợp tử vong. Số mắc TCM có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.
Cán bộ y tế Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tay - chân - miệng.
Chúng tôi đến Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khi có 1 bệnh nhân nhi 24 tháng tuổi ở tổ 8, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) đang điều trị bệnh TCM. Bà Nguyễn Thị Loan là bà của bệnh nhi chia sẻ: Khi thấy cháu có biểu hiện sốt nhẹ, ngủ có lúc hơi co giật nhẹ và ở quanh lòng bàn tay, bàn chân và bên trong miệng xuất hiện các nốt mẩn đỏ. Gia đình đã cho cháu đến phòng khám tư để thăm khám, uống thuốc nhưng không thấy đỡ nên đã đưa cháu đến bệnh viện và được bác sỹ chuẩn đoán mắc TCM. Sau thời gian điều trị, sức khỏe cháu đã ổn định và được ra viện.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 6, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 70 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó, cao nhất là TP Hòa Bình 24 trường hợp; huyện Mai Châu 20 trường hợp; huyện Kim Bôi 15 trường hợp... Đáng chú ý, nhiều ca bệnh người dân tự điều trị tại nhà. Số liệu trên là các ca bệnh được báo cáo theo hệ thống y tế cơ sở, trong đó đã có trường hợp biến chứng nặng phải chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư; đã xuất hiện rải rác các ổ dịch trên địa bàn, đặc biệt có ổ dịch trong cơ sở giáo dục.
TCM là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh TCM, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế ban hành Văn bản số 1602/SYT-NVY, ngày 9/6/2023 về việc tăng cường phòng, chống bệnh TCM. Theo đó, Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành chức năng chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh TCM, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch. Tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện 3 sạch "ăn sạch, uống sạch, ở sạch”. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống...
Để chủ động ngăn chặn, phòng tránh lây lan và giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của bệnh, ngành Y tế khuyến cáo: Người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ; sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp...
Hương Lan
(HBĐT) - Chiều 22/6, Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Dự hội nghị có lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh
(HBĐT) - Vào mùa nắng nóng, nhất là thời điểm nhiệt độ tăng cao trên 40 độ C thường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, nhất là người phải làm việc ngoài trời, người cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em… Vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cần nắm được các cách xử trí sớm ban đầu nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
(HBĐT) - Đoàn phúc tra kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 của Sở Y tế vừa tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng bệnh viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong những ngày thời tiết nắng nóng, những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao dễ bị sốc nhiệt, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được sơ cứu kịp thời.
(HBĐT) - Thời gian qua, ngành Y tế Hòa Bình có nhiều cố gắng trong việc hoàn thành sứ mệnh đặc biệt trong chăm lo sức khỏe Nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội và phát triển bền vững.
Việt Nam sắp được hỗ trợ khẩn cấp trên 200.000 liều vaccine 5 trong 1 để tiêm cho trẻ; sẽ ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa.