Đại diện Dự án MOMENTUM tại Việt Nam ký kết bàn giao gói cho sản phẩm dự án cho tỉnh Hoà Bình và Quảng Nam.
Dự án Hỗ trợ kỹ thuật tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi kết hợp với tiêm chủng thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (Dự án MOMENTUM) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ được triển khai thực hiện tại 2 tỉnh Quảng Nam và Hòa Bình. Thời gian thực hiện từ ngày 1/1 - 30/9/2023. Tính đến ngày 15/9đã có 3.172 cán bộ trong và ngoài ngành Ytế được dự án hỗ trợ tập huấn về tiêm chủng Covid-19 lồng ghép với tiêm chủng thường xuyên và truyền thông trực tiếp; trên 29 nghìn trẻ em được dự án hỗ trợ rà soát là đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 trong độ tuổi 5 - 11 và tiêm vét cho tiêm chủng thường xuyên; 12.691 trẻ được tiêm vắc xin Covid-19 trong độ tuổi 5 - 11 và tiêm vét tiêm chủng thường xuyên được dự án hỗ trợ tổ chức tại các điểm tiêm lưu động kết hợp với truyền thông trực tiếp; 95 cơ sở được dự án hỗ trợ giám sát; 66 cuộc họp giao ban tuyến tỉnh và huyện được dự án hỗ trợ tổ chức…
Tại tỉnh Hòa Bình, dự án triển khai tại các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lạc Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy, Cao Phong và TP Hòa Bình, tập trung tại 59 xã đặc biệt khó khăn. Dự án giúp nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và ngoài y tế,đảm bảo an toàn tiêm chủng, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Tính đến tháng 6/2023, dự án đã hỗ trợ được 164 điểm tiêm lưu động tại 59 xã đặc biệt khó khăn, trong đó kết quả tiêm lưu động vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi đạt được 230 mũi 1 và 262 mũi 2.Số trẻ được tiêm vắc xin IPV mũi 1 là 413, mũi 2 là 1.817.Số trẻ được tiêm viêm não Nhật Bản mũi 1, 2, 3 lần lượt là 318, 318, 419.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến kế hoạch duy trì tính bền vững của dự án tại 2 tỉnh; cách thức, các hỗ trợ cần thiết để nhân rộng mô hình dự án tại các tỉnh khác; khó khăn, thách thức và giải pháp, đặc biệt là tình trạng do dự tiêm vắc xin, khi triển khai các hoạt động dự án đối với cán bộ y tế và ngoài y tế. Chia sẻ các bài học kinh nghiệm khi triển khai hoạt động dự án hỗ trợ kỹ thuật tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi kết hợp với tiêm chủng thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam. Đồng thời đề xuất giải pháp nhằm duy trì hoạt động của dự án và hoạt động hợp tác trong tương lai.
Đỗ Hà