Ngày An toàn người bệnh thế giới (17/9) năm 2023 được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra chủ đề là "Người bệnh tham gia để bảo đảm khám, chữa bệnh an toàn” nhằm nhấn mạnh vai trò trung tâm của người bệnh, người nhà người bệnh và những người chăm sóc người bệnh trong việc bảo đảm an toàn khám, chữa bệnh. Khi người bệnh được tham gia, hiểu biết về quá trình sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh, người bệnh sẽ cảm thấy an tâm và hoạt động khám, chữa bệnh cũng vì thế được an toàn hơn.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai chăm sóc, điều trị cho các cháu bé là nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Nhân dịp này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia thành viên "xây dựng các hệ thống để hỗ trợ việc tham gia tích cực và trao quyền cho người bệnh, gia đình người bệnh và cộng đồng trong việc cung cấp dịch vụ y tế an toàn hơn”. Sự tham gia của người bệnh và gia đình họ được đưa vào làm một trong bảy mục tiêu của Kế hoạch hành động toàn cầu về an toàn người bệnh giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu của Ngày An toàn người bệnh thế giới 2023 là: Nâng cao nhận thức toàn cầu về việc lắng nghe người bệnh, người nhà chia sẻ trải nghiệm và tâm tư của mình để bảo đảm dịch vụ khám, chữa bệnh an toàn hơn; thu hút sự quan tâm, lắng nghe của lãnh đạo các cấp, các nhân viên y tế, các đối tác y tế với hoạt động an toàn người bệnh; bảo đảm quyền của người bệnh là được tham gia vào việc chăm sóc sức khỏe, quá trình khám, chữa bệnh của chính mình; vận động thể chế hóa Kế hoạch hành động toàn cầu về an toàn người bệnh giai đoạn 2021-2030.
Đáng chú ý, thông qua thông điệp "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh!”, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi tất cả các quốc gia cho phép người bệnh và người nhà người bệnh góp ý và chia sẻ các trải nghiệm về dịch vụ khám, chữa bệnh, cả dịch vụ an toàn và chưa an toàn; cung cấp cơ sở để cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: An toàn người bệnh là phòng ngừa tổn hại cho người bệnh, hạn chế các nguy cơ sự cố y khoa. Do vậy, an toàn người bệnh được ngành y tế và người dân quan tâm hàng đầu. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã chủ động lắng nghe, tiếp thu tiếng nói, tâm tư của người bệnh theo đúng định hướng của Tổ chức Y tế thế giới. Từ năm 1997, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế bệnh viện, trong đó đã xây dựng các kênh thu thập ý kiến người bệnh như đường dây nóng bệnh viện, hộp thư góp ý, hội đồng người bệnh...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, Bộ Y tế đã thể chế hóa, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn và quy định các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (Điều 9: Quyền được khám bệnh, chữa bệnh; Điều 71: Phòng ngừa sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh); Thông tư số 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Quyết định số 6858/QĐ-BYT ban hành Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện; Quyết định số 3869/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 28/8/2019 ban hành mẫu phiếu khảo sát, hướng dẫn phương pháp và phần mềm khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế…
Bên cạnh đó, các kênh "Lắng nghe tiếng nói, tâm tư của người bệnh” khác cũng đã được triển khai: Đường dây nóng số 1900 9095; thực hiện khảo sát sự hài lòng của người bệnh, tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí, truyền thông...
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, sự cố y khoa do chăm sóc không an toàn là một trong mười nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Ít nhất có 5 người bệnh chết mỗi phút do chăm sóc y tế không an toàn, trong đó có 50% là phòng tránh được. Có tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra... Tại Việt Nam, từ năm 2019 đến tháng 8/2022 có 35% số bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa, trong đó, một phần ba số lượng sự cố được báo cáo là có thể ngăn chặn được, chưa xảy ra. Sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều (chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương và 18,5% sự cố về thuốc tại bệnh viện tỉnh, thành phố).
Kết quả lắng nghe ý kiến trực tiếp và phỏng vấn sâu người bệnh, người nhà người bệnh của hệ thống khảo sát hài lòng cho thấy, các điểm tốt là: Vào khoa có xe đưa đón; nhân viên nhiệt tình, bác sĩ thân thiện; luôn động viên và khám, chữa bệnh cho người bệnh tốt; khoa, phòng sạch sẽ, điều dưỡng nhẹ nhàng; bác sĩ, điều dưỡng nhỏ nhẹ nhiệt tình... Bên cạnh đó cũng có những mặt chưa tốt như: Nhiều nơi còn thiếu nước uống; bác sĩ ít giải thích; ít thấy bác sĩ, điều dưỡng thăm bệnh; có nơi chưa bảo đảm điện cho thiết bị làm mát trong những ngày nắng nóng…
Hưởng ứng Ngày An toàn người bệnh thế giới, các bệnh viện cần coi an toàn người bệnh là nhiệm vụ hàng đầu trong quản lý chất lượng bệnh viện. Trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện là lắng nghe tiếng nói của người bệnh, tập trung các nguồn lực để quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các bệnh viện xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng an toàn cho người bệnh, đẩy mạnh công tác tập huấn hướng dẫn và tư vấn giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nghiên cứu khoa học, học tập kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hơn nữa an toàn cho người bệnh.
Định hướng trong thời gian tới, ngành y tế sẽ xây dựng "bông hoa chất lượng” khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản, chỉ đạo về công tác khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách và hướng dẫn có liên quan; nâng cao năng lực động viên thi đua khen thưởng; xây dựng cẩm nang, tài liệu hướng dẫn liên quan công tác bảo đảm an toàn cho người bệnh…