Theo Trung tâm Y tế (TTYT) TP Hòa Bình, tính đến ngày 9/7/2024, đơn vị đã "hết sạch sành sanh” vật tư, hóa chất (VTHC) phục vụ chạy thận nhân tạo (CTNT) cho bệnh nhân. Không có VTHC để CTNT, TTYT thành phố buộc phải chuyển tuyến toàn bộ bệnh nhân đang điều trị lên tuyến trên...


Người bệnh lo lắng trước việc phải điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh ngoài tỉnh trong khi chờ Trung tâm Y tế thành phố Hòa Bình mua vật tư, hóa chất phục vụ chạy thận nhân tạo.

Bệnh viện hết thuốc, người bệnh nháo nhào tìm kiếm sự giúp đỡ

Trước thông tin TTYT thành phố hết VTHC để phục vụ CTNT buộc phải chuyển tuyến toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại đây, những ngày qua, nhiều bệnh nhân tỏ rõ sự lo lắng. Ông Vũ Đức Khoa ở tổ 15, phường Tân Thịnh là người bệnh đã gắn bó với Khoa Thận nhân tạo của TTYT thành phố 9 năm lo lắng: Chúng tôi đã nắm được thông tin về việc TTYT thành phố hết VTHC phục vụ bệnh nhân CTNT. Trung tâm sẽ tạo điều kiện và chuyển tuyến cho các bệnh nhân đang điều trị thường quy ở đây. Thú thực là chúng tôi cũng chưa biết đi đâu về đâu, bởi qua tìm hiểu được biết ở đâu cũng trong tình trạng quá tải bệnh nhân.

Anh Nguyễn Văn Nghiệp ở tổ 1, phường Thái Bình có "thâm niên” 15 năm chạy thận buồn bã: Chúng tôi là người mắc bệnh nặng, mỗi tuần phải chạy thận 3 lần để duy trì cuộc sống. Sức khỏe yếu không biết làm gì. May mắn khi chúng tôi được nhận điều trị thường quy tại TTYT thành phố vì giúp giảm bớt rất nhiều chi phí đi lại, sinh hoạt. Giờ chuyển chúng tôi lên tuyến trên thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng không đủ khả năng tiếp nhận và điều trị cho gần trăm người bệnh. Còn về Hà Nội hay các tỉnh lân cận thì ở đâu cũng gặp tình trạng quá tải. Hơn nữa chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt là một gánh nặng với những người đã mất sức lao động như chúng tôi.

Không chỉ ông Khoa, anh Nghiệp mà cả 88 người đang điều trị CTNT tại TTYT thành phố Hòa Bình cũng chung tâm trạng lo lắng. Nhiều người đã rơi nước mắt khi không biết sẽ đi về đâu để tiếp tục được điều trị, khi nào TTYT thành phố có VTHC để nối lại hoạt động CTNT?

Tìm hiểu được biết, TTYT thành phố hiện có 15 máy CTNT, thực hiện điều trị thường quy cho 88 người bệnh, trong đó 28 người thường trú tại TP Hòa Bình, còn lại đến từ các địa phương trong tỉnh. Bác sỹ Trần Thị Tâm, Phó Giám đốc TTYT TP Hòa Bình cho biết: Do hết VTHC nên toàn bộ máy CTNT của đơn vị sẽ dừng hoạt động đến khi tìm kiếm được nguồn cung cấp VTHC mới. Việc này đơn vị đang nỗ lực, cố gắng hết sức...

"Thối” thầu, không tìm được nguồn cung ứng vật tư 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo bác sỹ Trần Thị Tâm là do đơn vị gặp một số khó khăn trong công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp VTHC. Mặc dù đơn vị đã cố gắng, nỗ lực để thực hiện công tác đấu thầu, nhưng khi thực hiện thì lại bị "thối” thầu vì không có nhà thầu nào tham gia.

Theo đó, để đảm bảo VTHC cho hoạt động CTNT tại đơn vị, từ năm 2023, căn cứ Công văn số 244/SYT-NVD, ngày 8/2/2023 của Sở Y tế về việc mua sắm hóa chất, vật tư y tế ngoài danh mục đấu thầu tập trung, TTYT thành phố đã thống nhất chọn phương án mua sắm thuốc, vật tư y tế theo khối lượng cho một thời kỳ (12 tháng). Trung tâm đã có Công văn số 159/TTr-TTYT, ngày 30/5/2023 về việc đề nghị phê duyệt chủ trương mua sắm tài sản công "Mua vật tư, sinh phẩm, hóa chất năm 2023”, trong đó có 5 loại VTHC phục vụ công tác CTNT, gồm: acid citric; muối viên NACL 99% min; dung dịch làm sạch và khử trùng mức độ cao màng lọc thận nhân tạo; dung dịch thẩm phân máu đậm đặc (sử dụng tương thích với dịch Bicarbonat) và dung dịch thẩm phân máu đậm đặc (sử dụng tương thích với dịch Acid).

Sau khi gửi công văn đến Sở Y tế, ngày 16/6/2023, Sở Y tế có Văn bản số 126/TTr-SYT gửi UBND tỉnh. Ngày 20/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1319/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục mua sắm vật tư, sinh phẩm, hóa chất năm 2023 tại TTYT TP Hòa Bình (ngoài danh mục đấu thầu tập trung). Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, ngày 14/7/2023, TTYT thành phố có Tờ trình số 199/TTr-TTYT gửi Sở Y tế về việc đề nghị phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong quá trình thực hiện các thủ tục gói thầu mua sắm vật tư nói trên thì VTHC để sử dụng cho bệnh nhân CTNT của TTYT thành phố không còn nhiều. Trong tình huống không được thanh toán VTHC vay của các cơ sở y tế khác, không thể chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, TTYT thành phố đã thống nhất áp dụng mua sắm VTHC với gói thầu trong tình huống cấp bách. Việc mua sắm trên đã được TTYT thành phố thực hiện theo đúng quy trình,  từ việc xây dựng giá gói thầu, xây dựng, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mời thương thảo hợp đồng, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo hình thức   chỉ định thầu rút gọn..., được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1810/QĐ-UBND, ngày 9/8/2023 và Quyết định số 1988/QĐ-UBND.

Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh, TTYT thành phố đã tiến hành các thủ tục để lựa chọn nhà thầu, gói thầu mua sắm VTHC rộng rãi trong nước trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn, một túi hồ sơ. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu này đã "thối” thầu với lý do: "tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu”. Từ kết quả trên, TTYT thành phố đã quyết định "hủy thầu” theo quy định  tại khoản 1, Điều 17, Luật Đấu thầu năm 2013.

"Vướng” luật mới, chậm tiến độ mở lại thầu

Sau khi hủy thầu, ngày 15/11/ 2023, TTYT thành phố Hoà Bình có công văn gửi Sở Y tế báo cáo tình hình và xin phép tổ chức đấu thầu lại. Sau khi Sở Y tế có văn bản và được UBND tỉnh đồng ý cho phép tổ chức đấu thầu lại, ngày 29/12/2023, TTYT thành phố có công văn về việc thực hiện lựa chọn nhà thầu, gói thầu mua sắm VTHC y tế năm 2023.

Tuy nhiên, đây lại là thời điểm chuyển tiếp giữa Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Do vậy, TTYT thành phố lại phải thay đổi hồ sơ đấu thầu theo Luật Đấu thầu mới. Trong điều kiện đó, "chúng tôi rất nỗ lực nhưng vì là văn bản mới, tất cả mọi thứ đều mới, Luật Đấu thầu mới, nghị định hướng dẫn mới, do vậy gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai. Vì vậy đến nay, các thủ tục về tổ chức đấu thầu lại để mua sắm VTHC phục vụ bệnh nhân CTNT vẫn chưa thực hiện được. Trong điều kiện không thể thanh toán dịch vụ kỹ thuật, sử dụng vật tư y tế vay mượn từ cơ sở khám, chữa bệnh khác, không có nguồn cung buộc TTYT thành phố phải chuyển bệnh nhân CTNT lên tuyến trên”, bác sỹ Trần Thị Tâm cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngay khi nắm được thông tin, tình hình sự việc, Sở Y tế đã có cuộc họp khẩn với ban lãnh đạo TTYT thành phố để chỉ đạo giải quyết vụ việc. Tại cuộc họp, Sở Y tế yêu cầu TTYT thành phố phải khẩn trương tìm nguồn cung ứng VTHC để đưa bộ phận thận nhân tạo hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian tìm nguồn cung ứng VTHC phải phối hợp các đơn vị chức năng hỗ trợ, hoàn thiện thủ tục chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế có khả năng, đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân...

Theo thông tin nắm được, đến chiều 9/7/2024, các bệnh nhân đã được hỗ trợ thủ tục để chuyển đến Bệnh viện Nam Thăng Long (Hà Nội) để CTNT trong khi chờ TTYT thành phố thực hiện mua sắm VTHC trong tình huống cấp bách.


Vũ Phong

Các tin khác


"Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững"

Năm 2024, kỷ niệm ngày Dân số Thế giới 11/7 - sự kiện 30 năm thực hiện Chương trình hành động về dân số và phát triển (DS&PT), Việt Nam lựa chọn chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững”. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã áp dụng những cách tiếp cận sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về phát triển KT-XH giữa các vùng và các nhóm dân cư. Việt Nam vừa vượt mốc 100 triệu dân. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

HDBank triển khai miễn phí Kiosk y tế thông minh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh 

Chiều 10/7, tại TP Hòa Bình, Ngân hàng thương mại cổ phẩn Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Hòa Bình phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức lễ ký kết hợp tác thỏa thuận triển khai miễn phí Kiosk y tế thông minh đăng ký khám bệnh. Đây là nội dung quan trọng nằm trong chiến lược HDBank triển khai giải pháp Kiosk y tế thông minh đối với các cơ sở y tế trên toàn quốc theo Đề án 06/CP của Chính phủ.

Không để dịch bệnh lây lan trong cao điểm mùa hè

Trên phạm vi cả nước hiện đang trong giai đoạn mùa hè nắng nóng, mưa nhiều, đồng thời là cao điểm du lịch hè với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm rất lớn, nhất là bệnh sởi và một số bệnh dự phòng.

Khắc phục những bất cập trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thời gian qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát ở một số địa phương trong tỉnh. Mặc dù các cấp, các ngành đã vào cuộc quyết liệt nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Khám bệnh, tặng quà, phát thuốc miễn phí cho người nghèo xã Độc Lập

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hoà Bình và Trung tâm Y tế thành phố cùng Nha khoa quốc tế Sky, Nha khoa Việt Anh (Hà Nội) vừa tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn xã Độc Lập.

6 tháng có tới 100 ca ngộ độc cấp do thuốc lá điện tử

Tình trạng nhập viện do sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử gia tăng gần đây. Đa số là bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục