Tết Nguyên đán đang tới gần. Sau Tết là mùa lễ hội với nhiều du khách tham dự. Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025, tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác đảm bảo ATVSTP, đặt trọng tâm vào công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại Công ty CP quản lý khách sạn và dịch vụ Mandala chi nhánh Hoà Bình ở khu Mớ Đá, thị trấn Bo (Kim Bôi).
Đoàn kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP tỉnh đã kiểm tra công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025 tại BCĐ ATTP và một số đơn vị kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Kim Bôi. Tại Công ty CP quản lý khách sạn và dịch vụ Mandala chi nhánh Hoà Bình tại khu Mớ Đá, thị trấn Bo, đoàn ghi nhận công ty đã cơ bản thực hiện các quy định về ATTP. Chị Bùi Thị Kiều, cán bộ hành chính nhân sự công ty cho biết: Công ty hiện có 125 người, trong đó 20 người liên quan trực tiếp được tập huấn các kiến thức về ATTP. Các hồ sơ, thủ tục thực hiện theo hướng dẫn của ngành Y tế… Đoàn kiểm tra đề nghị BCĐ ATTP huyện và các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) thực phẩm trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt các quy định ATTP.
Theo Chi cục ATVSTP tỉnh, toàn tỉnh có 8.639 cơ sở SXKD thực phẩm. Trong đó, 1.438 cơ sở sản xuất thực phẩm, 4.107 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.204 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 890 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều cơ sở đã tăng SXKD, nhập khẩu thực phẩm. Trong khi đó, thời tiết khu vực miền Bắc thường ẩm ướt dễ ảnh hưởng đến chất lượng ATTP. Để đảm bảo ATTP phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời SXKD thực phẩm kém chất lượng; phòng, chống ngộ độc thực phẩm, BCĐ ATTP tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐATTP, ngày 8/1/2025 về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa lễ hội Xuân 2025.
Đồng chí Bùi Đinh Thị Dinh, Chi cục trưởng Chi cục ATTP tỉnh cho biết: Nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2025, BCĐ ATTP tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn; tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao. Huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Thời gian thực hiện từ ngày 8/1 - 25/3/2025 trên phạm vi toàn tỉnh.
Hiện nay, BCĐ ATTP tỉnh giao các sở, ngành chức năng thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 huyện, thành phố. Trong đó, đoàn số 1 do Sở Y tế làm trưởng đoàn kiểm tra tại TP Hòa Bình và các huyện Lạc Thủy, Mai Châu. Đoàn số 2 do Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn kiểm tra tại các huyện Cao Phong, Lạc Sơn, Tân Lạc. Đoàn số 3 do Sở Công Thương làm trưởng đoàn kiểm tra tại các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy, Đà Bắc. Công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng. Công tác kiểm tra được triển khai trước, trong, sau Tết và mùa lễ hội Xuân 2025, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của BCĐ ATTP tỉnh. BCĐ ATTP các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra liên ngành trên địa bàn.
Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, tuyên truyền về bảo đảm ATTP được các cơ quan báo chí - truyền thông của tỉnh và các địa phương quan tâm. Huy động các hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP; kêu gọi toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc SXKD thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP...
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATVSTP, ý thức của người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn cải thiện rõ rệt. Các cơ sở SXKD ngày càng chú trọng hơn đến đảm bảo vệ sinh, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan chức năng và người tiêu dùng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, kết hợp chặt chẽ với hoạt động kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng.
H.L
Theo các chuyên gia y tế, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013 thể hiện nhận thức đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tác hại của thuốc lá cũng như yêu cầu và tầm quan trọng của việc PCTHCTL trong cộng đồng. Để Luật PCTHCTL đi vào cuộc sống, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình chú trọng hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.
Hà Nội ghi nhận thêm 101 ca mắc sởi trong tuần qua, dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới.
Ngày 4/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận một trường hợp bé gái 4 tuổi tử vong do bệnh ho gà.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành Luật Bảo hiểm y tế, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023.
Sáng 2/1, Sở Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Thời gian qua, ngành Y tế tích cực triển khai cải cách hành chính, chuyển đổi số (CĐS), hướng tới sự hài lòng của người dân. Trong đó, nổi bật là việc tích hợp sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) trên VNeID giúp giảm thiểu giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế, giúp người dân theo dõi, tự quản lý thông tin sức khỏe của mình, từ đó chủ động trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân.