Cán bộ y tế các bệnh viện tham quan Kiosk đăng ký khám bệnh sử dụng căn cước công dân gắn chip và nhận diện khuôn mặt trong chương trình thăm, trao đổi kinh nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đúng ngày đơn vị đón 120 đại biểu đến từ hơn 100 bệnh viện trong cả nước thăm và trao đổi kinh nghiệm về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (HSBAĐT). BVĐK tỉnh là đơn vị tiên phong của ngành Y tế tỉnh Hoà Bình trong triển khai CĐS, là đơn vị thứ 38/1.300 cơ sở KCB trên toàn quốc và là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế tỉnh được thẩm định HSBAĐT, chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2023. Cùng với đó, bệnh viện đẩy mạnh triển khai HSBAĐT, hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử, KCB từ xa và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong KCB. Tháng 5/2024, bệnh viện bắt đầu triển khai đăng ký khám bệnhonline trên app mobile và qua tổng đài hotline miễn phí. Đa số người bệnh đều hài lòng về dịch vụ này. Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) cũng là một trong những ứng dụng thông minh bệnh viện triển khai, cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, bác sỹ, người bệnh có thể xem trực tiếp ở bất cứ đâu…
Ghi nhận kết quả đạt được, tháng 10/2024, BVĐK tỉnh là 1 trong 45 tổ chức, giải pháp CĐS xuất sắc trong toàn quốc được Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes trao giải thưởng CĐS Việt Nam năm 2024 với giải pháp "Bệnh án điện tử thay thế hồ sơ bệnh án giấy" tại hạng mục "Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp CĐS xuất sắc". Bác sỹ CKI Chu Thị Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết: Hiện nay, cùng với các khoa, phòng của bệnh viện, khoa Khám bệnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hướng dẫn người dân cài đặt áp đăng ký KCB qua mạng, tuyên truyền về đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2, tiến tới triển khai tích hợp SSKĐT trên ứng dụng VNeID, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến KCB tại BVĐK tỉnh.
Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc triển khai tích hợp SSKĐT nhằm tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ sở y tế, bao gồm cả cơ sở y tế nhà nước và tư nhân. Điều này giúp các cơ sở dễ dàng chia sẻ dữ liệu sức khỏe của bệnh nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, tiết kiệm và tránh lãng phí do trùng lặp công việc ở nhiều nơi. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, giúp việc theo dõi, phân tích xu hướng sức khỏe cộng đồng dễ dàng hơn, từ đó có thể kịp thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa và can thiệp y tế hiệu quả.
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND, ngày 25/11/2024 về triển khai thí điểm thực hiện SSKĐT phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 11/2024, tích hợp SSKĐT trên ứng dụng VNeID đạt 103.382 lượt người; ứng dụng VNeID tích hợp bảo hiểm y tế đạt 106.258 lượt; giấy chuyển tuyến gửi lên VNeID 4.615 lượt; giấy hẹn khám lại gửi lên VNeID 2.312 lượt…
Hiện ngành Y tế tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến năm 2025, 100% cơ sở y tế được cấp mã liên thông và 95% người dân sử dụng SSKĐT. Sau năm 2025, mỗi người dân trên địa bàn tỉnh, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một SSKĐT trên ứng dụng VNeID và người dân khi đi KCB có bệnh án điện tử. Theo đồng chí Giám đốc Sở Y tế, để SSKĐT đạt được hiệu quả sử dụng cao trong cộng đồng, việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của SSKĐT rất quan trọng, kết hợp với sự tham gia tích cực từ các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thúc đẩy việc triển khai thành công. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa để nâng cao hiệu quả CĐS toàn diện.
Hương Lan