Trước thông tin cúm H1N1 đã bị thổi phồng thành đại dịch và việc tiêm văcxin là không cần thiết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chiều nay cho biết: "Việt Nam sẽ tiếp tục nhận văcxin viện trợ từ WHO nhưng sẽ kiểm nghiệm chặt chẽ".

Theo dự kiến, Việt Nam sẽ được WHO viện trợ khoảng 1,2 triệu liều (đợt đầu). Đối tượng được ưu tiên sử dụng là các thai phụ trên 3 tháng ở 63 tỉnh, thành. Ngoài ra, Việt Nam cũng dự định mua thêm khoảng 500.000 liều nữa.

Tuy nhiên, trước thông tin trái chiều về tính chất của dịch cúm này, ông Huấn cho rằng, việc tiêm phòng cúm vẫn là cần thiết bởi bản chất tiêm là để bảo vệ. "Trong trường hợp không thành dịch lớn nữa, việc sử dụng văcxin sẽ như văcxin cúm mùa thông thường", thứ trưởng Huấn nói.

Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế sẽ kiểm nghiệm số văcxin nói trên một cách nghiêm ngặt, tuân thủ các quy trình cần thiết giống như với một văcxin mới (mà không "đi tắt" như đề xuất trước kia). Việc kiểm nghiệm này nhằm kiểm tra khả năng đáp ứng miễn dịch của người Việt Nam và những phản ứng phụ, xem văcxin có đủ để phòng cúm H1N1 không.

Về thông tin Chủ tịch Ủy ban y tế Hội đồng châu Âu nhận định có sự vận động của các công ty dược lớn khiến WHO đưa ra khuyến cáo về một đại dịch giả, thứ trưởng Huấn cho biết, Bộ Y tế sẽ có thư gửi Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đề nghị xác nhận lại thông tin này và sớm đưa ra khuyến cáo để Việt Nam tiếp tục các hoạt động phòng chống dịch cúm H1N1.

Trong lúc này, chính các chuyên gia y tế Việt Nam cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc liệu WHO có thổi phồng quá mức về dịch cúm H1N1 hay không.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho rằng, để kết luận "có thổi phồng" hay không, cần phải có đầy đủ luận chứng cụ thể. "Tại một số quốc gia có tỷ lệ tử vong vì cúm A/H1N1 cao như Mỹ, thì việc cảnh báo đại dịch là hợp lý. Còn tình hình ở Việt Nam thì độ lây lan dịch nhìn chung được kiểm soát ổn định hơn", vị bác sĩ này nhận xét.

Song ông cũng nhìn nhận, chỉ trong thời gian ngắn mà bệnh này lây lan nhanh trên toàn cầu thì không thể không quan ngại.

Năm ngoái vào thời điểm dịch bùng phát, trong nhiều buổi hội thảo về tình hình cúm A/H1N1 tại TP HCM, các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm từng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Một số ít cho rằng: “Liệu H1N1 có đang bị làm lớn chuyện hơn sự thật hay không, khi mà tỷ lệ tử vong vẫn không cao…”; hoặc "việc cảnh báo dịch lan rộng và công tác phòng chống đã gây tổn thất lớn về kinh phí trong việc điều trị, chăm sóc người bệnh".

Tuy nhiên, căn cứ vào hiện tượng lây lan quá nhanh của H1N1 trên toàn cầu, nhiều chuyên gia lại đồng tình với mức cảnh báo đại dịch của WHO.

Theo ông Nguyễn Hồng Hà, Phó giám đốc Bệnh viện truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, việc phải huy động cả sức lực và ngân sách cho việc phòng và chữa cho các bệnh nhân H1N1 như vậy là thỏa đáng.

"H1N1 là một loại virus mới, người dân chưa có miễn dịch với nó nên khả năng nhiễm bệnh rất lớn. Nếu chúng ta không dồn sức để phòng và điều trị bệnh thì sẽ có thêm bao nhiêu người mắc bệnh, và trong số đó, không ít người sẽ biến chứng nặng, tử vong", ông Hà nói.

Tuy nhiên, ông cũng như nhiều chuyên gia khác cho rằng phí tổn dùng cho việc phòng, chống H1N1 là không nhỏ. "Cụ thể, với các ca nhẹ, việc điều trị rất đơn giản, thường chỉ một tuần, cũng tốn kém khoảng 5 triệu đồng cho các chi phí như mua tamiflu, thuốc bổ, phục vụ ăn uống và ít nhất 2 lần xét nghiệm. Với các bệnh nhân đã bị biến chứng nặng như viêm phổi... thì việc chữa trị phức tạp hơn nhiều, chi phí đội lên tới hằng trăm triệu đồng", ông cho biết

Đại diện một bệnh viện tại TP HCM được phân công là một trong những điểm tiếp nhận bệnh nhân H1N1 khi tình hình dịch "nóng" nhất, khẳng định đơn vị này đã phải chi một số tiền rất lớn để nuôi, cách ly và chăm sóc bệnh nhân cúm. Sở Y tế TP HCM mặc dù không công bố kinh phí cụ thể nhưng cũng thừa nhận phải chi ngân sách lớn cho công tác phòng chống dịch H1N1.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 10/2009, Bộ này đã hỗ trợ trên 790 tỷ đồng cho 52 tỉnh, thành phố và 8 bộ ngành để phòng chống dịch H1N1.

Hiện tại, theo Bộ Y tế, dịch cúm tại Việt Nam đang giảm cả về số ca mắc và tử vong, không rầm rộ như tháng 7 và 8. "Tại 15 điểm giám sát cúm trọng điểm trên cả nước hầu hết đều ghi nhận xu hướng giảm cả về số ca dương tính với cúm H1N1 lẫn cúm thường", thứ trưởng Huấn cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho hay, hơn một tuần nay không có trường hợp nào nhập viện. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng không có bé nào nằm viện do nhiễm H1N1.

Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa, những lo ngại cúm H1N1 bùng phát vào mùa lạnh đã không xảy ra. "Với tình hình hiện nay, H1N1 được xem như một loại cúm thông thường, giống các bệnh cúm khác", một bác sĩ chuyên khoa nhi nhận xét.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia, thì đánh giá mức độ nguy hiểm của cúm H1N1 "chỉ như cúm thường, tuy vẫn có các ca tử vong".

 

                                                                Theo VnExpress

Các tin khác


Ngăn chặn dịch sởi lây lan vì đã có 42 ca mắc và nghi mắc

Cả nước đã ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố.

Triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm 

Sáng 18/3, Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm (BKLN) năm 2024. Tham dự hội nghị có đại diện các sở, ngành; lãnh đạo UBND, cán bộ phụ trách công tác y tế các huyện, thành phố.

Ra quân vận động người dân tham gia bảo hiển xã hội, bảo hiểm y tế

Ngày 16/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2024, Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức lễ phát động ra quân chương trình "Tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” (BHXH, BHYT). Chương trình được kết nối trực tuyến đến điểm cầu tất cả các bưu điện tỉnh, thành phố, trung tâm toàn mạng lưới Bưu điện Việt Nam.

Huyện Tân Lạc quan tâm thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em

Những năm qua, công tác tiêm chủng mở rộng ở huyện Tân Lạc đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai và thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng đã góp phần thanh toán bệnh bại liệt; loại trừ được uốn ván sơ sinh; giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà; giảm tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi, khống chế và tiến tới loại trừ bệnh sởi; mở rộng diện bao phủ các vắc xin viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn ở địa phương.

Cách phân biệt trẻ ho gà với ho thông thường

Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện nhiều trẻ bị ho gà, có trẻ mắc bệnh khi mới 5 tuần tuổi. Trẻ ho gà có biểu hiện như thế nào? Cách phát hiện sớm ho gà, phân biệt ho gà và ho thông thường ra sao?

Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục