Mó Vắt, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu – Nơi bắt đầu những tin đồn thất thiệt về “bệnh lạ”.
(HBĐT) - Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều luồng thông tin về “bệnh lạ” ở bản Vắt, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu. Nhiều lời đồn đại xung quanh về mó nước (mạch nước) hại người với những căn bệnh quái ác như câm điếc, thần kinh, đần độn và dị tật... Người ta cho rằng: Những căn bệnh này đều do nguồn nước tại mó Vắt gây ra.
Để làm rõ nhưững thông tin này, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tiến hành khảo sát tình hình bệnh tật, mối liên quan giữa nguồn nước và bệnh tật ở bản Vắt và làm rõ các thông tin mà báo chí đã đưa tin..
Hiện nay, bản Vắt có 58 hộ dân với 239 nhân khẩu. Đa phần làm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Nguồn nước được sử dụng chính là nước giếng khoan và 30% số hộ gia đình của bản hiện đang sử dụng nguồn nước tại mó Vắt. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm nước tại mó Vắt. Kết quả cho thấy, 17 chỉ số hóa lý và vi sinh hoàn toàn nằm trong giới hạn cho phép. Đồng thời khi được hỏi, những người dân nơi đây đều rất tự hào về mó nước của bản mình. Ông Lò Văn Xuân, Trưởng xóm Vắt, xã Đồng Bảng cho biết: Chính ông và gia đình cũng đang sử dụng nguồn nước tại mó Vắt và người dân tại bản hoàn toàn yên tâm khi sử dụng nước tại đây.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh Lò Văn Niên – người sống ngay cạnh mó Vắt về tình hình sử dụng nước của gia đình, anh cho biết: “Nhà tôi 5 đời rồi đều dùng nước tại mó, ai cũng khỏe mạnh, chẳng mấy khi ốm đau. Nước ở mó Vắt mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, lại ngọt nữa. Nhiều nhà trên tiểu khu còn mang máy bơm xuống lấy nước về dùng!”
Về tình hình bệnh mãn tính và dị tật bẩm sinh, qua kết quả điều tra đánh giá của đoàn công tác, bản Vắt có 16 người mắc bệnh, tỷ lệ chiếm 6,69%. Trong đó 7/16 trường hợp có yếu tố gia đình, đó là câm điếc bẩm sinh, dị tật bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ. Có 10 trường hợp phát bệnh trước khi đến sống tại xóm, ngoài ra có thêm 2 trường hợp mù lòa do tuổi già nâng trường hợp có bệnh không liên quan đến môi trường sống tại bản lên 75%. Đồng thời, chỉ có 2 trường hợp mắc bệnh có sử dụng nước tại mó Vắt. Như vậy không có cơ sở cho rằng việc mắc bệnh là do ảnh hưởng của môi trường hay nguồn nước tại xóm.
Cơ cấu bệnh mãn tính và dị tật bệnh tại xóm Vắt không có sự khác biệt so với các địa phương khác trong toàn quốc. Tỷ lệ tâm thần là 0,84% thấp hơn so với tỷ lệ tâm thần theo nghiên cứu của Viện Sức khỏe Trung ương là 1%. Tỷ lệ động kinh 0,84% tương đương với tỷ lệ được công bố năm 2007 của Sanofi Aventis nghiên cứu tại 108 quốc gia là 0,89%. Tỷ lệ thiểu năng trí tuệ là 1,7%, tỷ lệ dị tật bẩm sinh và câm điếc bẩm sinh là 2,51 % cũng tương đương với các chỉ số đã được các nhà khoa học nghiên cứu và công bố. Như vậy, tại xóm không có tình trạng các bệnh gia tăng đột biến về số lượng so với các địa phương khác.
Căn cứ những kết quả nghiên cứu, sự thật về “bệnh lạ” ở bản Vắt đã được làm sáng tỏ. Thời gian tới, Trung tâm Y tế dự phòng huyện, Phòng Y tế huyện Mai Châu sẽ tiến hành phối hợp với xã tổ chức họp dân và phổ biến kết quả điều tra tình hình bệnh tật tới nhân dân xóm Vắt để người dân yên tâm sinh sống trên địa bàn./.
Thu Hương
(HBĐT) - Năm 1977, từ một Trạm chống bướu cổ chỉ với 15 cán bộ, trong đó có 1 bác sĩ, Bệnh viện Nội tiết tỉnh Hoà Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thành công lớn nhất lớn nhất của giai đoạn đầu ghi nhận dấu ấn trong sự nghiệp phát triển của Bệnh viện là hoàn thành tổng điều tra và vẽ được bản đồ dịch tễ học bướu cổ tỉnh Hoà Bình.
(HBĐT) - Ngày 22/10, Hội CTĐ Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Hội CTĐ tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho 55 học viên là cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, huyện và các tuyên truyền viên về BHXHTN, BHYT và công tác xây dựng quỹ nhân đạo
Sự ô nhiễm xảy ra khắp mọi nơi và ngay khi cả bản thân bị ngộ độc kim loại bạn cũng không rõ. Rất có thể những thói quen ăn uống không tốt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc này.
Ngày 21-10, Hội đồng Khoa học Sở Y tế TPHCM đã có kết luận về việc cắt nhầm buồng trứng của bệnh nhân Phạm Thị Xuân (ngụ quận 12 - TPHCM) tại BV Đa khoa tư nhân Phú Thọ TPHCM. Hội đồng khoa học kết luận, các bác sĩ của BV Đa khoa tư nhân Phú Thọ đã quyết định mổ cắt toàn bộ buồng trứng trái nhưng không hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa phụ sản.
Thấy trẻ bị đái dầm khi vào đầu năm học, phụ huynh nên dặn cô giáo giải thích và nhắc nhở trẻ đi vệ sinh mỗi lần cách nhau khoảng 2 giờ
Theo kết quả nghiên cứu đầu tiên về sức khỏe trẻ em liên quan tới thức ăn của người cha, những người đàn ông ăn thức ăn chứa hàm lượng mỡ cao có nhiều nguy cơ sinh con bị tiểu đường.