Cả nước hiện có 17 phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTÐ) thuộc các lĩnh vực khác nhau, được xây dựng với nguồn vốn đầu tư hơn 1.125 tỷ đồng. Hoạt động của các phòng thí nghiệm này đã góp phần đáng kể vào công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của các viện nghiên cứu và trường đại học. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần tháo gỡ, giải quyết để việc khai thác các PTNTÐ có hiệu quả thật sự.

 

Kết quả bước đầu

PGS, TS Nông Văn Hải, Phó Viện trưởng Công nghệ sinh học kiêm Giám đốc PTNTÐ Công nghệ gien (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa dẫn chúng tôi ghé thăm mấy phòng đặt thiết bị phục vụ nghiên cứu, vừa trao đổi ý kiến: Năm 2001, Viện Công nghệ sinh học là một trong những đơn vị đầu tiên có quyết định của Nhà nước triển khai xây dựng PTNTÐ công nghệ gien. Bên cạnh việc đầu tư mua sắm các chủng loại máy móc, trang thiết bị, Viện còn xây dựng các định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ cho PTNTÐ. Ðó là tiến hành các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng hệ gien học (Genomics), hệ Prô-tê-in học (Proteinics), đồng thời, tiếp cận việc lập ngân hàng gien, bản đồ gien người Việt Nam; Nghiên cứu ở mức độ phân tử về bệnh di truyền, ung thư, truyền nhiễm... Mặt khác đào tạo nguồn nhân lực, chủ yếu trình độ sau đại học có năng lực nghiên cứu và chuyên sâu về công nghệ gien và các lĩnh vực có liên quan; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về công nghệ gien. Sau khoảng sáu năm đi vào hoạt động, các nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học đã được giao trực tiếp nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, cấp bách, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Chẳng hạn như: Ðề tài độc lập cấp nhà nước "Xây dựng kỹ thuật phát hiện và quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin phòng, chống vi-rút cúm A.H5N1 cho gia cầm và ở người"; các đề tài, dự án thuộc chương trình 33 và một số đề tài cấp nhà nước liên quan đến nhiệm vụ "Khắc phục hậu quả của chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam", ứng dụng ADN trong giám định hài cốt liệt sĩ... Cũng theo PGS Nông Văn Hải, nhờ có các thiết bị tiên tiến, đắt tiền như máy khối phổ, máy giải trình tự gien và các thiết bị chuyên dụng khác đã giúp các cán bộ khoa học của Viện triển khai nghiên cứu giải mã gien toàn bộ hệ gien ty thể và các gien khác của người Việt Nam. Trên cơ sở đó phát triển các phương pháp chẩn đoán phân tử và dược phẩm tái bổ hợp; nghiên cứu giải mã gien các vật nuôi, cây trồng đặc hữu có giá trị kinh tế cao, gien của các tác nhân vi khuẩn, vi-rút gây bệnh ở người, vật nuôi và cây trồng. Ðồng thời, theo hướng nghiên cứu ứng dụng, Viện Công nghệ sinh học đã tiến hành thực hiện các đề tài, dự án phục vụ các ngành y dược, công nghiệp, nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng bộ sinh phẩm (KIT) để phát hiện các bệnh sốt xuất huyết, sốt Dengue; nghiên cứu ứng dụng sản xuất vắc-xin tái tổ hợp, quy trình sản xuất vắc-xin cúm A.H5N1 dùng cho gia cầm... Không kể góp phần đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ cho một bộ phận cán bộ thuộc các trường đại học, bệnh viện lớn trong cả nước, hằng năm, Viện Công nghệ sinh học còn tiếp nhận bảy đến 10 nghiên cứu sinh, 10-15 học viên cao học và 30-50 sinh viên từ các nơi đến học tập, nghiên cứu tại PTNTÐ của Viện.

Ở Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công thương), theo TS Hoàng Văn Châu, Giám đốc PTNTÐ công nghệ hàn và xử lý bề mặt cho biết: Hơn bốn năm hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuy công suất khai thác chưa cao (đạt khoảng 55%), nhưng PTNTÐ của Viện đã triển khai hàng chục đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành dầu khí, giao thông, xi-măng, xây dựng... Có thể kể một số đề tài tiêu biểu như "Nghiên cứu công nghệ hàn tự động trong không gian nhiều chiều có điều khiển theo chương trình số phục vụ hàn vỏ tàu và thiết bị hóa dầu", "Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị hàn tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay", "Thiết kế và chế tạo rô-bốt hàn tự hành phục vụ ngành đóng tàu ở Việt Nam". Có PTNTÐ, thời gian qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã thực hiện chuyển giao công nghệ đến không ít địa chỉ và đạt trình độ tương đương các nước trên thế giới. Chẳng hạn: Công nghệ và thiết bị toàn bộ hàn đắp tự động hồ quang dưới lớp trợ dung cho phục hồi vành băng đa, đầu máy, toa xe (ngành đường sắt), đạt mức tương đương dây chuyền của Nga. Công nghệ phun phủ hồ quang bảo vệ chống ăn mòn cho kết cấu kim loại trong môi trường biển ở Liên doanh dầu khí Việt - Xô, chất lượng tương đương tiêu chuẩn Hiệp hội Hàn Mỹ; công nghệ hàn và cắt tự động tiên tiến chế tạo ụ tàu 10 vạn tấn và chế tạo vỏ tàu nhôm cao tốc cho hải quân ở Nhà máy Ðóng tàu Sông Cấm (đạt tiêu chuẩn Hàn Quốc); Công nghệ cán - lốc- hàn trong chế tạo và phục hồi bánh răng cỡ lớn cho máy nghiền than, hộp giảm tốc dây chuyền xi-măng... Nhờ có PTNTÐ, mà mấy năm gần đây, như năm 2010, Viện đã ký kết được khá nhiều hợp đồng kinh tế với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong nước và liên doanh với nước ngoài (tổng trị giá 650 tỷ đồng). Phần lớn các hợp đồng này đều là kết quả của những đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tế đời sống. Ðó là việc chuyển giao công nghệ phun phủ kẽm chống ăn mòn ống gang cầu cho Công ty Cơ khí Mai Ðộng; duy tu, bảo dưỡng giàn khai thác Ðại Hùng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) bằng công nghệ xử lý bề mặt tiên tiến và hàn tự động trong điều kiện không dừng khai thác dầu tại mỏ...

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Thực hiện Quyết định số 850/2000/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Ðề án xây dựng các PTNTÐ, từ năm 2001, các bộ, ngành đã căn cứ vào tính chất, nhu cầu của từng lĩnh vực để đề xuất xây dựng PTNTÐ. Ðến nay, cả nước đã có 17 PTNTÐ được đầu tư xây dựng (nơi ít thì hơn 45 tỷ đồng, nơi nhiều 180 tỷ đồng) và đi vào hoạt động. Phần lớn các cơ quan, đơn vị chủ quản đều có những đánh giá tích cực về tác dụng của PTNTÐ trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào thực tế cuộc sống... Tuy nhiên, quá trình vận hành, khai thác bước đầu đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được giải quyết. Trước hết, là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các PTNTÐ còn chậm và thiếu cụ thể cho nên không ít đơn vị chủ quản lúng túng trong việc bố trí nhân lực cho bộ máy cũng như đề ra quy chế làm việc của PTNTÐ; dẫn đến có nơi gặp khó khăn khi xin giấy phép hoạt động khoa học. Trang thiết bị trong các PTNTÐ là các máy móc hiện đại, đắt tiền, qua một thời gian khai thác, sử dụng (nhất là ở một số ít PTNTÐ đạt công suất khai thác khá cao) cần được duy tu, bảo dưỡng; một số chủng loại điều khiển vi điện tử trở nên lạc hậu. Nguồn kinh phí dành cho bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế hằng năm còn ở mức thấp cho nên Nhà nước và ngành chủ quản cần có cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên thông qua các đề tài, dự án lớn hoặc biện pháp nào đó nhằm duy trì và khai thác có hiệu quả trang thiết bị trong các PTNTÐ. Thực tế xây dựng PTNTÐ thời gian qua cho thấy, bên cạnh một số nơi triển khai, thực hiện thuận lợi (trong khoảng năm, sáu năm) thì cũng có đơn vị đến nay chưa hoàn thành do vướng mắc ở khâu giải ngân hoặc đầu tư thiếu đồng bộ. Ðiều này cần được tháo gỡ, rút kinh nghiệm của cả cơ quan cấp kinh phí và nơi được đầu tư xây dựng PTNTÐ, nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ. Máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo trong các PTNTÐ mang tính đặc thù chuyên ngành và không ít chủng loại đắt tiền. Bởi vậy, người đứng đầu PTNTÐ phải là nhà khoa học có trình độ, uy tín, có khả năng định hướng đề tài và xây dựng được các nhóm nghiên cứu. Tránh tình trạng có nơi bổ nhiệm không đúng người, đúng việc, dẫn đến hiện tượng tần suất khai thác PTNTÐ thấp, kém hiệu quả, thậm chí chỉ loanh quanh phục vụ một số thí nghiệm cho học viên cao học và sinh viên năm cuối làm đồ án tốt nghiệp. Việc thành lập Hội đồng chuyên ngành PTNTÐ là cần thiết, nhưng cần có tiêu chí phù hợp và có nội dung hoạt động thực chất để xây dựng được các đề tài, dự án chiến lược mũi nhọn, chứ không nên hình thức và mang tính hành chính như lâu nay ở một số PTNTÐ trong nước.

Có PTNTÐ công nghệ gien, chất lượng nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học đã được nâng lên đáng kể. Thống kê sơ bộ, thời gian qua, các nhóm nghiên cứu của viện đã có hơn 50 công trình được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế, 13 sáng chế và giải pháp hữu ích. Ðồng thời, có hơn 760 trình tự gien được đăng ký trên ngân hàng dữ liệu gien quốc tế (trong đó có chín trình tự hoàn chỉnh của bộ gien ty thể người Việt Nam).

 

                                                                                 Theo Báo Nhandan

 

Các tin khác


Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống bệnh dại

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh dại tại 30 tỉnh, thành phố; 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi).

Quyết liệt triển khai tiêm vắc xin phòng dại

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang quyết liệt triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Đây là giải pháp quan trọng để phòng, chống bệnh dại khi bước vào mùa hè, tránh những cái chết thương tâm do bệnh dại gây ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục