Cận thị là sự suy giảm khả năng nhìn xa, trong đó ảnh của sự vật không được hội tụ đúng vào điểm vàng trên võng mạc mà rơi ra phía trước võng mạc, vì vậy muốn nhìn rõ phải dùng một thấu kính phân kỳ để điều chỉnh hiện tượng này.
Phân loại cận thị
Có nhiều cách phân loại cận thị, thế nhưng cách phân loại phổ biến nhất là chia thành 2 nhóm: cận thị học đường và cận thị bệnh lý.
Cận thị học đường hay cận thị trên người trẻ (từ 8 - 22 tuổi) bắt đầu hình thành đầu cấp II, tăng độ cận dần theo năm tháng đi học, mỗi năm 0,5 - 1 độ, (đi-ốp - D) dừng lại khoảng 6D.
Cá biệt cũng có những trường hợp cận bệnh lý (cận thị thoái hóa): có yếu tố di truyền, số kính tiếp tục gia tăng sau tuổi trưởng thành, cận đến 10D hoặc hơn, không thể đeo đúng số, nhiều biến chứng, thị lực khó đạt mức tối đa mặc dù đã cố gắng chỉnh kính.
Một thực tế ở nước ta là nhiều người không hề cận thị khi còn đi học, là sinh viên nhưng khi đi ra trường, đi làm lại bị cận thị. Họ đều ở môi trường làm việc bằng mắt nhiều ở cự ly gần, với máy tính chẳng hạn. Mặc dù độ cận không cao nhưng cận thị sẽ theo đuổi những người này đến khi họ ở tuổi trung niên (tuổi phải đeo kính lão).
Dấu hiệu
Phát hiện cận thị thường là do cha mẹ hoặc cô giáo, những người gần gũi với trẻ nhất, bản thân trẻ thường không ý thức được việc chúng bị cận thị, chúng tưởng ai cũng chỉ nhìn được như vậy.
Đa phần cận thị sẽ bộc lộ khi trẻ bước vào cấp II, sau một số năm học hành, trừ những trẻ có yếu tố di truyền rõ. Trẻ bị cận thị có những biểu hiện chung mà bản chất của những biểu hiện này là nhằm để cải thiện thị lực nhìn xa. Hay gặp nhất là trẻ có biểu hiện nheo mắt, nghiêng đầu, có xu hướng thích tiến gần đến nguồn tài liệu. Do loay hoay với việc khắc phục thị lực nhìn xa nên học tập kém tập trung, kết quả giảm sút do chép bài không kịp, mỏi mắt, ngại học bài... Thời lượng học tập cũng không thể như trẻ bình thường, nhanh mỏi mắt, có thể dẫn tới đau nhức mắt và đau đầu.
Nhờ những khó chịu kể trên nên khi hỏi bệnh các bác sĩ đã có những định hướng quan trọng cho việc chẩn đoán. Bên cạnh đó cũng cần khám xét, đo lường bổ sung. Khẳng định cận thị không khó, trừ một số trường hợp giả cận thị hoặc cận thị gắn liền với các hội chứng bẩm sinh hoặc rối loạn chuyển hóa. Thông thường chỉ bằng việc thử thị lực, đo khúc xạ, thử kính thấy thị lực đạt tối đa là có thể kết luận trẻ có bị cận thị hay không. Các trường hợp khác cận thị kèm với loạn thị, cận thị giả, cận thị do một biểu hiện của bệnh nào đó... sẽ phức tạp hơn, cần có bác sĩ chuyên khoa khám xét cẩn thận.
Một số trường hợp có thể gây bối rối, phân vân cho bác sĩ khi khám và kê đơn kính. Đó là trẻ không tập trung, nói dối, không hợp tác. Thông tin bị nhiễu loạn có thể gây khó khăn cho việc thử thị lực, thử kính. Thế nhưng, với các bác sĩ hay chỉnh quang viên giàu kinh nghiệm, đầy đủ trang thiết bị thì những khó khăn trên không thành vấn đề gì. Người ta luôn có cách để cấp được kính chính xác cho trẻ.
Dự phòng và điều trị bệnh cận thị
Nhiều người cho rằng, khi mới phát hiện trẻ bị cận không nên cho đeo kính vì như vậy độ cận của trẻ sẽ bị tăng nhanh. Để trả lời câu hỏi trên, người ta đã làm nghiên cứu hai nhóm đối chứng, nhóm có đeo và không đeo. Hằng năm có đánh giá lại tình trạng khúc xạ thì thấy đeo hay không đeo không ảnh hưởng đến độ gia tăng cận thị. Có một điều chắc chắn là: không đeo nhất định sẽ gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt, nhìn gần cường độ cao trong thời gian dài sẽ làm gia tăng số cận.
Tùy độ cận, độ thỏa mãn khi dùng kính, tình trạng bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ đặt lịch khám lại cho trẻ. Cận thị nhỏ hơn 6D khoảng 1 năm khám 1 lần. Trên 6D khoảng 6 tháng khám mắt 1 lần.
Cho trẻ học tập điều độ, kết hợp với vui chơi, hoạt động thể lực tích cực sẽ làm hạn chế gia tăng cận thị. Tuy nhiên dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng, dùng đủ vitamin A, C, E kèm theo các khoáng chất kẽm, selen, đồng được cho là hạn chế tăng số cận cùng với những thoái hóa do cận thị. Các yếu tố dinh dưỡng trên có nhiều trong rau xanh đậm, hoa quả màu đỏ, cá biển và một số loài nhuyễn thể.
Cận thị là một vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng. Hiểu biết về cơ chế bệnh còn hạn hẹp, các phương pháp điều trị căn nguyên vẫn chưa được xác lập. Giới chuyên môn chưa thể có những khuyến cáo mạnh mẽ và chính xác với công chúng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, tất cả đều thống nhất rằng các biện pháp sau đây sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ cận thị, giảm nhẹ biến chứng và tốc độ gia tăng số kính:
- Đảm bảo cho trẻ vệ sinh mắt tốt: chiếu sáng, cự ly, khoảng cách học tập, học kết hợp với vui chơi và hoạt động ngoại khóa...
- Cung cấp dinh dưỡng đúng và đủ: vitamin A, C, E, khoáng chất.
- Chăm sóc đặc biệt cho trẻ cận thị số cao: tránh chấn thương, khám mắt đều đặn, phát hiện và điều trị sớm biến chứng.
Theo Báo SKĐS
Phì đại lành tính tuyến tiền liệt (being prostatic hyperplasia – BPH) trước đây thường gọi là u xơ tuyến tiền liệt. Ở các nước phương Tây, có khoảng 80% nam giới trên 50 tuổi mắc BPH, còn ở nước ta khoảng 60% (theo nghiên cứu của Viện Lão khoa).
Nếu muốn bé yêu có được chế độ dinh dưỡng tốt nhất ngay từ khi chào đời, bạn hãy tuân thủ những hướng dẫn dưới đây:
Trên thực tế lâm sàng, để tránh chẩn đoán nhầm lẫn, cần phân biệt sốt rét tái phát với một số bệnh nhiễm khuẩn khác thường gặp vì các bệnh này cũng có các triệu chứng sốt thành cơn hằng ngày, thậm chí có thể có triệu chứng rét run, vã mồ hôi.
(HBĐT) - Ngày 18/10, Hội LHPN tỉnh tổ chức tổng kết cuộc thi tìm hiểu kiến thức “Nuôi con sạch, khỏe” năm 2011.
(HBĐT) - Ngày 19/10, Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Lương Sơn đã tổ chức hội nghị triển khai giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Quảng cáo sai sự thật, không kê đơn bằng ngôn ngữ tiếng Việt, không có sổ theo dõi bệnh, “chặt chém” vô tội vạ… Chỉ với 10 y bác sĩ đăng ký hành nghề y học cổ truyền tại TPHCM nhưng 7 phòng khám có yếu tố Trung Quốc đã khiến dư luận điên đảo.