Phì đại lành tính tuyến tiền liệt (being prostatic hyperplasia – BPH) trước đây thường gọi là u xơ tuyến tiền liệt. Ở các nước phương Tây, có khoảng 80% nam giới trên 50 tuổi mắc BPH, còn ở nước ta khoảng 60% (theo nghiên cứu của Viện Lão khoa).

Tuyến tiền liệt (TTL) thuộc cơ quan sinh dục nam là khối hình nón nặng khoảng 20g gồm các cơ trơn, mô đàn hồi cùng các ống dẫn và tuyến li ti, bao quanh cổ bàng quang. TTL là nơi sản xuất tinh dịch, dự trữ dịch này và bài xuất vào niệu đạo khi phóng tinh. Khi bị BPH, TTL sẽ tăng sản đưa đến tăng khối lượng (có thể tăng đến 100g), nhưng lành tính (khác với ung thư TTL là có sự phát triển tế bào ác tính). TTL phì đại sẽ dẫn đến làm tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ niệu đạo dẫn nước tiểu từ bàng quang xuống, đưa đến các triệu chứng của BPH là: tiểu lắt nhắt (tiểu nhiều lần, mỗi lần một ít), tiểu đêm, tiểu són (tiểu không kiểm soát được), tiểu khó (khó khăn khi bắt đầu tiểu, phải rặn và có cảm giác đau khi tiểu).

Dùng thuốc điều trị

BPH có thể bị mắc từ nhẹ đến nặng, nếu nặng (thể hiện tiểu đêm quá nhiều lần, bí tiểu) biện pháp triệt để là phẫu thuật. Trong trường hợp nhẹ có thể dùng thuốc để giúp bớt sự tăng sản của TTL, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh (giúp tiểu tiện tốt hơn). Có thể chia thuốc trị BPH ra 2 loại:

Thuốc trị BPH từ dược thảo:

Hiện nay có các thuốc được dùng như sau:

- Permixon: cao chiết từ cây Serenoa repens. Thử trên súc vật thí nghiệm, Permixon có tác dụng ức chế sự hình thành chất sinh học liên quan đến hormon sinh dục nam gây tăng sinh TTL và kìm hãm sự tăng sinh của các tế bào tuyến này. Tác dụng phụ: buồn nôn, đau bụng, đặc biệt trong ít trường hợp có trường hợp gây chứng vú to ở nam giới nhưng sẽ hết khi ngưng thuốc.

- Tadenan: cao chiết từ cây Pygeum africanum. Thử trên súc vật thí nghiệm, Tadenan kìm hãm sự tăng sinh của các tế bào TTL nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của hormon sinh dục nam. Tác dụng phụ: nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón.

- Trinh nữ hoàng cung: dược thảo đang được dùng ở nước ta, bước đầu cho thấy có cải thiện rối loạn tiểu tiện do BPH.

Thuốc trị BPH từ hóa dược:

Ta cần biết, sự tăng sinh lành tính TTL cũng như sự xuất hiện và mức độ trầm trọng của rối loạn tiểu tiện không chỉ liên quan đến thể tích của TTL mà còn liên quan đến sự kích thích thần kinh giao cảm gây tăng trương lực cơ trơn của đường niệu. Sự kích thích thần kinh giao cảm tùy thuộc vào sự kích thích các thụ thể có tên thụ thể 1-adrenergic, vì thế người ta dùng các thuốc gọi là thuốc đối kháng chọn lọc thụ thể 1-adrenergic để trị BPH. Thuốc đối kháng thụ thể 1-adrenergic làm dãn cơ trơn bàng quang, dãn cơ trơn niệu đạo bị thắt lại bởi sự tăng sinh TTL, do đó cải thiện rối loạn tiểu tiện. Thuốc loại này cũng làm giảm bớt sự tăng sản lành tính của TTL.

Có một số thuốc khác trị BPH theo cơ chế ức chế một enzym có tên 5-reductase và enzym này có nhiệm vụ chuyển hóa testosteron (hormon sinh dục nam) thành dihydrotestosteron. Chính dihydrotestosteron tăng cao làm tăng sinh lành tính TTL và thuốc ức chế 5-reductase vì thế được dùng trị BPH.

Các thuốc đang dùng trị BPH hiện nay:

- Finasterid (Propecia), Dutasterid (Avodart): đây là 2 thuốc trị BPH theo cơ chế ức chế 5-reductase, riêng finasterid còn được dùng trị bệnh rụng tóc gây hói đầu ở nam giới (androgenenic alopecia). Tác dụng phụ: vú to ở nam giới, đặc biệt có thể gây bất lực, giảm ham muốn tình dục.

- Alfuzosin (Xatral), Tamsulosin (Flonax), Doxazosin (Cardura), Terazosin (Hytrin): các thuốc này trị BPH theo cơ chế đối kháng thụ thể 1-adrenergic, đặc biệt một số thuốc trong nhóm này còn dùng trị bệnh tăng huyết áp. TDP: hạ huyết áp tư thế đứng, chóng mặt, buồn ngủ.

Những lưu ý

- Người nghi ngờ bị BPH nên đi khám ở một cơ sở y tế. Bác sĩ khám xác định bệnh (bằng cách thăm khám trực tràng bằng ngón tay, siêu âm TTL qua trực tràng, nếu cần sẽ làm sinh thiết tức lấy một mẫu rất nhỏ TTL để xem dưới kính hiển vi). Có thể định lượng PSA trong máu (PSA cao có thể là chỉ điểm của ung thư TTL), đo lưu lượng dòng nước tiểu, thể tích nước tiểu tồn lưu…

- Ngoài BPH, TTL to ra có thể do TTL bị viêm (do vi khuẩn hoặc không) hoặc ung thư TTL. Vì vậy, rất cần khám để xác định BPH là bệnh lành tính, nếu là ác tính thì hoàn toàn không được dùng thuốc trị BPH mà phải được chữa trị theo bệnh ung thư. Nếu xác định đúng là BPH, bác sĩ sẽ cho hướng điều trị đúng đắn, nếu cần dùng thuốc sẽ chọn thuốc thích hợp hoặc có thể phải dùng đến phẫu thuật.

- Đối với thuốc ức chế 5-reductase (finasterid, dutasterid) có liên quan đến chuyển hóa hormon sinh dục nam phải rất cẩn thận trong bảo quản, tồn trữ, không để cho phụ nữ có thai tiếp xúc với loại này, thậm chí bột của thuốc viên nén nếu vô tình phụ nữ có thai nuốt phải sẽ ảnh hưởng đến thai. Thậm chí, người chồng đang dùng thuốc ức chế 5-reductase có lời khuyên không quan hệ tình dục với vợ có khả năng thụ thai (nếu muốn thụ thai bắt buộc phải ngưng dùng thuốc).

 

                                                                         Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục