(HBĐT) - Dự án sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ, trẻ em do tổ chức Jica (Nhật Bản) tài trợ được triển khai thí điểm từ năm 2010 tại 4 tỉnh: Hòa Bình, Điện Biên, Thanh Hóa, An Giang.
Tại tỉnh ta, dự án được triển khai thí điểm đầu tiên tại 3 huyện: Cao Phong, Lương Sơn, Tân Lạc. Năm 2012, triển khai tại các huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn, Kỳ Sơn và TPHB. Năm 2013 tiếp tục triển khai tại 4 huyện còn lại. Tại Nhật Bản, cuốn sổ này đã được triển khai thực hiện từ năm 1942 và duy trì đến nay. Cuốn sổ được đánh giá là hữu ích và thay lời yêu thương đối với trẻ.
Đồng chí Trần Thị Ấn, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết: Cuốn sổ giúp cho các bà mẹ mang thai và gia đình biết cách theo dõi, chăm sóc sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ mang thai, khi sinh đẻ. Theo dõi sự phát triển và chăm sóc sức khỏe của trẻ từ khi sinh ra đến lúc 6 tuổi. Cuốn sổ gồm 4 phần chính: thông tin cơ bản; chăm sóc thai nghén; chăm sóc trong đẻ, sau đẻ, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe trẻ em. Trong cuốn sổ có các phần dành cho gia đình tự ghi và cán bộ y tế ghi. Khi thông tin ghi vào ô màu trắng là sức khỏe của bà mẹ hoặc của trẻ bình thường. Ghi vào ô màu vàng là bà mẹ hoặc trẻ có vấn đề về sức khỏe. Trong trường hợp này cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám trong thời gian sớm nhất. Cán bộ y tế sẽ tham khảo kết quả khám, điều trị lần trước khi cung cấp dịch vụ. Nhìn vào cuốn sổ, cán bộ y tế và bà mẹ biết tình trạng sức khỏe của trẻ để điều chỉnh sao cho tốt nhất. Đây thực sự là món quà ý nghĩa của cha mẹ trao cho con.
Chị Nguyễn Thị Huyền có thai 5 tháng ở phường Đồng Tiến (TPHB) cho biết: Có thai lần đầu, ít kinh nghiệm nên cuốn sổ đã giúp ích nhiều cho chị. Trong sổ có những thông tin cần thiết cho chị và con sau khi sinh đến 6 tuổi. Cuốn sổ sẽ như một cuốn nhật ký đầu đời cho con.
Hiện nay, vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm. Trong 6 tháng phụ nữ được khám thai đủ 3 lần, đúng lịch đạt 84,2%; tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,8%; bà mẹ được thăm khám tại nhà tuần đầu sau đẻ đạt 99,8%. Tuy nhiên, tỷ suất tử vong mẹ còn cao 41,6/100.000 trẻ đẻ sống. Tỷ suất chết sơ sinh 5,8/1.000 trẻ sơ sinh sống; tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi 13,4/1.000 trẻ sơ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em ở mức thấp so với toàn quốc nhưng không bền vững. Thực hiện hiệu quả việc sử dụng sổ sẽ góp phần chăm sóc bà mẹ, trẻ em tốt hơn. Với mục đích đó, Sở Y tế đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao tỷ lệ và hiệu quả sử dụng sổ. Trong 6 tháng đã tổ chức 5 cuộc hội thảo tại tỉnh và 4 huyện, 2 lớp tập huấn theo dõi, giám sát, đánh giá, sử dụng sổ và đào tạo giảng viên tuyến tỉnh; 42 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng sổ tại 4 huyện mới triển khai. Tiếp tục cấp phát sổ cho phụ nữ có thai mới và cấp 7.483 sổ cho trẻ em dưới 1 tuổi. Treo băng rôn tại các tuyến đường chính vận động sử dụng sổ. Đồng thời, tổ chức giám sát đánh giá cuối kỳ và giám sát triển khai tại trạm y tế xã, 7 huyện triển khai từ năm 2011-2012; giao ban đối thoại sau giám sát.
Song qua giám sát cho thấy, việc ghi chép vào sổ còn chưa đầy đủ. Công tác tư vấn, ghi chép hướng dẫn sử dụng sổ chưa chi tiết. Chưa có hệ thống theo dõi, quản lý đối tượng đến khám tại bệnh viện có sổ. Trình độ dân trí không đồng đều, nhiều bà mẹ không biết chữ nên không biết tự ghi chép. Ngoài ra còn những khó khăn như: bà mẹ quên mang sổ đi khám; khi mang sổ đến bệnh viện khám chưa được ghi chép, theo dõi; thiếu phương tiện truyền thông; một số y tế thôn, bản chưa nhiệt tình hướng dẫn sử dụng sổ; chưa theo dõi thường xuyên người tái khám, tái khám không mang sổ. Trước những khó khăn đó, trong những tháng cuối năm, dự án tập trung tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, giám sát, giao ban đối thoại sau giám sát.
C.L
(HBĐT) - Nhằm tạo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, kéo giá thuốc về với giá trị thật, tỉnh ta vừa thực hiện việc đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế. Bên cạnh những kết quả tích cực đã thấy rõ vẫn còn nhiều ý kiến về những tồn tại xung quanh hoạt động này.
(HBĐT) - Trong 2 ngày (17 – 18/9), đoàn thanh, kiểm tra liên ngành VSATTP số 2 của tỉnh đã làm việc với BCĐ liên ngành VSATTP 2 huyện Tân Lạc, Mai Châu và phối hợp kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đồ uống.
(HBĐT) - Theo thống kê của Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Cao Phong, năm 2012, toàn huyện có đến 64 cặp tảo hôn, 12/13 xã, thị trấn có hiện tượng tảo hôn. Từ các xã, thị trấn gần khu vực trung tâm như thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, Bắc Phong… đến các xã vùng sâu, vùng cao như Yên Thượng, Thung Nai…, tình trạng tảo hôn cũng diễn ra khá phổ biến. Một điểm chung giữa các cặp tảo hôn này là tuổi đời còn rất trẻ, trình độ học vấn khá thấp.
(HBĐT) - Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn đợt I năm 2013, huyện Cao Phong triển khai tại 3 xã Yên Lập, Xuân Phong và Thung Nai.
(HBĐT) - Ngày 16/9, Liên đoàn Lao động huyện Lạc Sơn phối hợp với Hội CCB huyện tiến hành khởi công và bàn giao tiền hỗ trợ đợt 1 xây dựng Nhà Mái ấm Công đoàn cho gia đình bà Quách Thị Xiền - Hội viên Hội CCB xã Quý Hòa.
(HBĐT) - Theo thống kê, những bệnh nhân phong đầu tiên ở Hoà Bình, được phát hiện vào năm 1980. Bệnh nhân phong được phát hiện rải rác ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng nhiều nhất là 2 huyện Lạc Sơn và Yên Thủy. Đến năm 1995 tất cả bệnh nhân phong ở Hoà Bình được đưa vào chương trình phong quốc gia. Tỉnh đã phấn đấu và đạt được mục tiêu là năm 2000 tỉ lệ lưu hành bệnh nhân phong chỉ còn 1/10.000 dân; đến năm 2005 loại trừ bệnh phong ở địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh đã khám sàng lọc, phát hiện và điều trị khỏi cho hơn 40 bệnh nhân phong. Hiện nay chỉ còn phải quản lý 20 bệnh nhân bị di chứng nặng, còn hơn 20 bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn và không có di chứng.