Giáo viên trường MN Thái Bình (TPHB) tận dụng diện tích sân vườn trồng rau sạch cung cấp cho bữa ăn của trẻ.

Giáo viên trường MN Thái Bình (TPHB) tận dụng diện tích sân vườn trồng rau sạch cung cấp cho bữa ăn của trẻ.

(HBĐT) - An toàn thực phẩm (ATTP) đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Thực phẩm có tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng và giống nòi. Vấn đề này càng đặc biệt quan trọng ở bậc học mầm non khi có xấp xỉ 97% trẻ đi học được ăn tập thể tại trường. Nếu xảy ra ngộ độc hay mất an toàn bữa ăn, mức độ ảnh hưởng, hậu quả gây ra với trẻ sẽ trầm trọng hơn người lớn.

 

Vụ việc 27 trẻ trường MN Hoa Hồng, thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) phải nhập viện với các biểu hiện đau bụng, đi ngoài, buồn nôn, sốt trong tháng 10 vừa qua dù chưa có kết luận chính thức nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc đảm bảo ATTP trong trường mầm non. Công bố mới đây của Chi cục Quản lý nông-lâm thủy sản tỉnh cho thấy, có cơ sở còn cho chất cấm vào giò, chả, vi phạm lỗi nghiêm trọng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, gây hại cho sức khỏe con người. Đây cũng là những món ăn nhiều trường mầm non hay lựa chọn trong thực đơn. Chạy theo lợi nhuận, thiếu đạo đức, coi thường sức khỏe người tiêu dùng là những vấn đề khiến lãnh đạo nhiều trường mầm non không khỏi lo lắng.

 

Cô Hà Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng trường MN Thái Bình (TPHB) cho biết: Trường có 202 trẻ, 100% các cháu ăn bán trú. Lo lắng về mối nguy thực phẩm không an toàn, nhà trường đã kêu gọi phụ huynh có nguồn thực phẩm sạch tham gia cung cấp cho trường. Ký hợp đồng trách nhiệm với các cơ sở cung cấp thực phẩm. Giao tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trồng rau xanh, nuôi lợn để cung cấp nguồn rau, thịt an toàn cho bữa ăn của trẻ. Trung bình, trường nuôi được gần 1 tấn lợn hơi/năm học. Rau tươi sạch 4 mùa tươi tốt, đảm bảo không phải mua rau ngoài chợ. Những năm qua, sức khỏe của trẻ được đảm bảo, không có vụ ngộ độc nào xảy ra.

 

Bà Trần Thị Bắc, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT) cho biết: Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 269 cơ sở giáo dục mầm non (3 trường tư thục) với 2.503 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Trẻ được ăn tại trường bằng mọi hình thức 57.859 trẻ, đạt 96,9%. Trong đó, trẻ được nấu ăn tại trường 54.365 trẻ, đạt 91,1%. Nhận thức được tầm quan trọng của thực phẩm an toàn với thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ, năm học này, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ. Phối hợp với Trung tâm YTDP tỉnh mở các lớp tập huấn về phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp với ngành y tế huyện mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức về ATTP, cấp giấy chứng nhận cho nhân viên nấu ăn; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận bếp ăn đảm bảo vệ sinh ATTP theo quy định. Thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ và phòng bệnh dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định, nhất là giai đoạn chuyển mùa. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục sử dụng các nguồn lực để xây dựng các công trình phụ trợ, mua sắm thêm dụng cụ nhà bếp. Bố trí thêm nhân viên nấu ăn, bồi dưỡng nghiệp vụ chế biến thực phẩm… nhằm đảm bảo đủ bếp ăn, dụng cụ ăn, người cấp dưỡng để tăng cường nuôi dưỡng tại trường. Hướng dẫn các trường xây dựng mô hình VAC, chú trọng phát triển vườn rau sạch, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho trẻ hàng ngày. Đồng thời, yêu cầu các trường phải ký hợp đồng cung cấp thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh ATTP. Qua kiểm tra sức khỏe có 1.219 trẻ tuổi nhà trẻ, chiếm 8,4% và 3.657 trẻ tuổi mẫu giáo, chiếm 8,1% bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân. Trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở lứa tuổi nhà trẻ 1.219 trẻ, chiếm 8,4%; tuổi mẫu giáo 3.637 trẻ, chiếm 8,1%.  

 

Những con số trên có giảm so với các năm học trước nhưng vấn đề đảm bảo ATTP trong trường mầm non còn gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số 509 bếp ăn tập thể tại trường mầm non mới có 219 bếp đạt yêu cầu, chỉ chiếm 43%. Số bếp còn lại là bếp tạm hoặc chưa đạt đủ các tiêu chí theo quy định. Không ít các chi lẻ chưa xây dựng được bếp ăn phải thuê phụ huynh hoặc những gia đình ở gần trường nấu hoặc nấu ở điểm chính rồi vận chuyển đến điểm lẻ. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho xây dựng bếp ăn đạt tiêu chuẩn ít. Nhân viên nấu bếp phải hợp đồng, chưa gắn trách nhiệm lâu dài với nhà trường. Có nơi, số nhân viên này hay thay đổi, trong khi đó theo quy định người nấu ăn phải được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn có chứng chỉ mới được nấu.

 

Khắc phục tạm thời những khó khăn đó, ngành GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị chưa có bếp đạt chuẩn trong khâu chế biến vẫn phải thực hiện theo nguyên tắc an toàn. Đặc biệt chú ý khâu hợp đồng trách nhiệm trong cung cấp  nguồn thực phẩm sạch. Về lâu dài, ngành cũng mong muốn đưa đội ngũ nhân viên cấp dưỡng vào cán bộ chính thức để gắn kết trách nhiệm hơn. Các cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở, trường hợp sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm quy định.

 

                                                                    

 

                                                                   Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục