(HBĐT) - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt huyện Lạc Thủy đã những thay đổi lớn, đánh dấu bước chuyển mình rõ rệt. Hành trình với nhiều gian nan, khó khăn, thử thách đã có kết quả xứng đáng với công sức cấp ủy, chính quyền và Nhân dân toàn huyện tạo nên. Cùng tìm hiểu về hành trình đó, chúng tôi được nghe, được thấy những câu chuyện hết sức giản dị, đời thường nhưng lại mang ý nghĩa, tầm vóc lớn đem lại thành công cho huyện Lạc Thủy hôm nay.

Bài 1: "Gõ cửa từng nhà” cho đến khi… về đích





Nhà văn hóa thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đạt chuẩn nông thôn mới, được xây dựng với sự đóng góp tích cực của Nhân dân.


Tiếng loa truyền thanh của thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm hối thúc bà con tập trung về nhà văn hóa thôn để nghe tuyên truyền, phổ biến về chủ trương mới vang lên thật quen thuộc. Xã Đồng Tâm là xã đầu tiên của huyện về đích NTM, cho đến những xã cuối cùng về đích như Hưng Thi, Thống Nhất đã đánh dấu bước ngoặt lớn cho Lạc Thủy.

Từ năm 2011 đến nay, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu được giá trị của việc xây dựng NTM luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương ưu tiên hàng đầu. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Trịnh Xuân Nghị chia sẻ: "Việc vận động, nâng cao ý thức người dân để họ tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM là điều khó nhất. Tuy nhiên, với những cách làm sáng tạo, chúng tôi đã tạo được sự đoàn kết, đồng lòng trong Nhân dân để cán đích năm 2015”.

Thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm là thôn được sáp nhập từ 2 thôn Tam Hòa và Tân Tiến (cũ), trước khi xây dựng NTM năm 2011, hai thôn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất như đường giao thông nhỏ hẹp, chưa được bê tông hóa; nhà văn hóa xuống cấp, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân chưa cao. Hiện nay, thôn có 136 hộ với hơn 500 nhân khẩu. Sau nhiều năm xây dựng NTM, thôn đã có nhiều khởi sắc với tỷ lệ bê tông hóa giao thông đạt 100%, đường rộng 7 m đủ cho hai làn xe ô tô đi lại; nhà văn hóa mới khang trang với cơ sở vật chất đầy đủ, khuôn viên rộng rãi; quang cảnh thôn xanh - sạch - đẹp. Cách làm để đạt được hiệu quả đó được ông Phạm Xuân Hải, Trưởng thôn Tân Tiến chia sẻ: "Đối với các công trình xây dựng cơ bản, ban chi ủy tổ chức họp bàn, thành lập ban xây dựng của thôn và triển khai chủ trương thực hiện đến các đoàn thể. Tiếp đó, lấy ý kiến người dân về chủ trương thực hiện công trình và kế hoạch thực hiện. Sau mỗi cuộc họp dân tại nhà văn hóa thôn, người dân được thoải mái bày tỏ ý kiến, thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng và đều được cấp ủy, chính quyền giải thích "đến nơi đến chốn”. Từ đó, ở thôn Tân Tiến gần như làm gì cũng thuận sau khi đã làm tốt việc công khai, minh bạch”. Điển hình như việc người dân hiến 3.000 m2 đất xây dựng đường giao thông; huy động xã hội hóa được 450 triệu đồng từ người dân và những người con xa quê để xây dựng nhà văn hóa; 17 ghế đá được các cá nhân, tập thể quyên tặng, ủng hộ; đóng góp hơn 54 triệu đồng xây dựng công trình đường điện thắp sáng toàn thôn và đường hoa dài khoảng 5.400 m… Trong đó, có nhiều đảng viên tiêu biểu đóng góp tích cực như: Đinh Quang Vân, Nguyễn Huy Cảnh, Vũ Thị Thanh. Đó là minh chứng rõ nét nhất cho sự đồng hành của Nhân dân thôn Tân Tiến góp phần giúp xã Đồng Tâm hoàn thành xây dựng NTM đúng kế hoạch vào năm 2015.

Từ đó đến nay, Nhân dân toàn huyện như một "làn sóng” tích cực tham gia vào việc xây dựng NTM ở địa phương. "Tuy khó nhưng dù phải "gõ cửa từng nhà” cho đến khi về đích cũng quyết tâm làm bằng xong” - đó là câu khẳng định chắc chắn từ đồng chí Bùi Thị Liên, Bí thư Chi bộ thôn Niếng, xã Hưng Thi, một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Xã Hưng Thi là xã về đích cuối cùng của huyện Lạc Thủy, trong đó, thôn Niếng mặc dù là khó khăn nhất nhưng lại có đóng góp nhiều nhất. "Trước đây, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, bà con chưa nhận thức cao về giá trị của chương trình đối với đời sống của chính mình. Do đó, việc vận động gặp nhiều khó khăn vì ít người tự nguyện hiến đất sản xuất, đất thổ cư để cải tạo hạ tầng cơ sở. Chúng tôi gồm ban phát triển thôn, ban công tác mặt trận, tổ dân vận cơ sở đã phải đến từng nhà để giải thích, vận động, mang theo những tờ cam kết đóng góp xây dựng NTM để những nhà nào vận động thành công ký vào đó. Đó là những ngày tháng vất vả nhất, nhưng đổi lại được thành quả đáng kể như hôm nay cho người dân thụ hưởng” - đồng chí Bùi Thị Liên tâm sự.

Thôn Niếng hiện đã cứng hóa đường giao thông trên 95% với số đất hiến hơn 5.000 m2; nhà văn hóa và sân chơi đáp ứng yêu cầu sử dụng của người dân; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 30%, nay giảm còn 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38,2 triệu đồng/năm nhờ phát triển lợi thế về kinh tế rừng. Đặc biệt, thôn có 15 đoạn suối đi qua thường bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ nay đã có 12 ngầm, cầu hoàn thành và đang được xây dựng. Cùng đồng chí Bí thư chi bộ, chúng tôi tìm gặp và lắng nghe chia sẻ của ông Quách Văn In, một trong những hộ nghèo của thôn nhưng lại có đóng góp nhiều nhất trong xây dựng NTM, được Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy tặng giấy khen năm 2020 về thành tích tham gia hiến đất. Sau khi được vận động, ông In đã không ngần ngại hiến hơn 1.000 m2 đất để thôn mở rộng và bê tông hóa đường giao thông. Nhưng câu nói khiến chúng tôi xúc động nhất khi trao đổi với ông In là: "Khi đó, nghe được chủ trương về làm đường, tôi mừng lắm, vì đời tôi đã 30 năm sống ở đây chưa có con đường tử tế mà đi. Nay, Nhà nước vận động hiến đất làm đường, tôi đồng ý ngay và bảo các cô, các chú cứ thấy đất nhà tôi ở đâu có thể lấy để làm đường cho dân đi được thì cứ làm, không cần đắn đo”. Nhờ đó, thôn Niếng đã khác, góp phần giúp xã Hưng Thi hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM vào cuối năm 2020. Đồng thời, cũng là động lực lớn để những người làm công tác tuyên truyền, vận động, tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện xây dựng NTM như Bí thư chi bộ thôn Niếng Bùi Thị Liên, hay ông Phạm Xuân Hải, Trưởng thôn Tân Tiến cùng những cán bộ, đảng viên khác có thêm động lực trên con đường đưa địa phương đi lên giàu đẹp, hưng thịnh hơn.

Thanh Sơn

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục