(HBĐT) - Tôi đã lên thăm xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc) hai lần, lần đầu vào mùa đông năm 2020, lần này vào mùa xuân năm 2021. Từ TP Hòa Bình lên xóm Chiến khoảng hơn 50 cây số, con đường từ chợ Lồ lên xóm Chiến đã làm bằng bê tông, đủ cho ô tô cỡ nhỏ tránh nhau.



Một góc xóm Chiến, xã Vân Sơn (Tân Lạc).

Xã Vân Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Nam Sơn, Lũng Vân, Bắc Sơn. Nơi đây quanh năm sương mù, mây bay bao phủ. Du khách đến Vân Sơn sẽ có cảm giác như lạc vào xứ sở thần tiên bởi không khí mát lành, không có tác động ồn ào, ô nhiễm.

Xóm Chiến đẹp như cành hoa ban trắng nằm cao giữa xã Vân Sơn. Bên đường lên xóm, những ngôi nhà sàn lợp lá cọ, lá gianh, lá đác, làm tăng thêm vẻ đẹp thiên nhiên muôn màu sắc. Xóm có những bãi cỏ khá rộng, đủ để hoạt động vui chơi cắm trại, củi được đốt rực hồng cho vòng xòe ấm áp. Bãi cỏ còn là nơi đỗ xe, mọi người thoải mái hít thở không khí trong lành.

Từ nơi cao của xóm có thể nhìn thấy "núi cô tiên”, nhìn xa như thiếu nữ nằm nhìn trời. Bên xóm Chiến có đồi U Bò, chân đồi là bãi cỏ, quanh năm người dân xóm Chiến chăn thả trâu, bò… Đồi U Bò phủ xanh cây rừng nhóm gỗ quý. Ở xóm Chiến có 3 cây vải cổ thụ tuổi đời 300 năm, quả vải ngọt ít, chua nhiều, người dân lấy quả ngâm rượu, uống rượu vải có mùi thơm hương hoa núi. Về xóm Chiến đầu tháng Hai này đã là cuối mùa quýt cổ chín. Đầu mùa, tư thương từ khắp nơi đi ô tô tải lên thu mua, quýt là nguồn thu khá lớn người dân. Xóm có gần 20 ha quýt cổ, riêng nhà anh Hà Văn Bi có hơn 1.000 cây, mỗi năm thu 60 triệu đồng bán quýt cổ. Những cây quýt cổ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Quýt bón phân chuồng, phân xanh ủ cây lá rừng, bởi vậy, quýt xóm Chiến có mùi thơm là lạ. Nếu thăm xóm Chiến vào cuối năm sẽ thấy bên cửa sổ đung đưa những chùm quýt chín vàng, bên những chú chim rừng về tìm vẻ đẹp dịu dàng của xóm còn giữ nguyên nếp nhà sàn thơm mùi bương, gỗ.

Đầu năm 2019, xóm Chiến được Quỹ Australia vì nhân dân châu Á và Thái Bình Dương (ACP) hỗ trợ kinh phí triển khai dự án "Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng”. Xã Vân Sơn và Nhân dân xóm Chiến đã chọn 3 hộ có điều kiện nhà rộng, sân rộng để triển khai mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú. Nhận được nguồn vốn cho vay của dự án, 3 hộ đầu tư sửa sang nhà sàn giữ nguyên nét truyền thống của đồng bào Mường mà vẫn bày được bàn ghế, tủ lạnh, trang trí đèn điện đón khách trong nước và khách nước ngoài, mỗi ngôi nhà sàn có thể đón được 16 khách mỗi ngày. Học sinh nghỉ ghép có thể đón 30 em trong ngày mỗi nhà. Xóm có 75 hộ thì có tới 56 hộ tham gia dịch vụ đưa đón phục vụ khách du lịch, được chia thành các nhóm: Nhóm tiếp khách và hướng dẫn viên, nhóm cho thuê phương tiện xe đạp, xe máy… Đặc biệt, nhóm ẩm thực, nhóm văn nghệ để lại ấn tượng tốt đẹp cho khách du lịch. Đến xóm Chiến, khách lưu trú chỉ phải trả 1,2 triệu đồng cho một ngày một đêm.

Xóm Chiến bốn mùa không khí mát lành. Nước ăn của dân được lấy từ núi cao cách xóm 3 km, nước được chứa vào bể, vào téc ở mỗi gia đình. Xóm chỉ có người dân tộc Mường, bản chất sống thực thà, giữ nét truyền thống, mặc quần áo dân tộc Mường, còn có ít người chưa biết nói tiếng Kinh, khách đến xóm được quý như người nhà, sống tình người, không có gì ngăn cách giữa khách du lịch và người trong xóm. Mùa thu hoạch lúa xong, mỗi nhà đều lấy gạo mới cúng tổ tiên ăn trước, gia đình ăn sau. Ngày hội văn hóa, ngày Tết đón xuân mới, xóm tổ chức vui chơi, bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, bóng đá nam, bóng đá nữ…, trước khi vào thi đấu đều có văn nghệ múa hát chào mừng.

Chị Hà Thị Biêu, Chi hội trưởng phụ nữ xóm Chiến đưa tôi thăm suối Hóa Cạng, suối Hợp Cơn, thăm ruộng Nà Hợp, ruộng Nà Tốc…, xem khu chăn nuôi tập thể tạo cho xóm không còn mùi hôi. Xóm có 55 hộ nuôi cá trắm, cá rô, cá trê ăn cỏ. Chị Biêu kể: Khách đến thăm được ăn cá nướng, cá hấp măng, cá đồ củ sả, lá nồm… Nhà nào cũng nuôi lợn bản địa, lợn được nướng giòn, thịt ngon thơm tiếp khách, giống gà ri được nhiều gia đình nuôi theo thả ở bãi cỏ ven rừng. Nhà anh Hà Văn Thách nuôi chừng 300 con mỗi lứa, gà ri nuôi bằng ngô, sắn, thóc. Thịt gà được nấu với măng bương, măng giang đã ủ chua lẫn hạt dổi làm tăng vị thơm ngon. Giống vịt đen cổ ngắn thường nuôi hơn một năm mới thịt, vịt được xào với măng hay nướng, luộc, nếu du khách muốn ăn món ốc đá bắt ở núi đá, chủ nhà cũng có, ốc đá ăn ngầy ngậy hương rừng. Món xôi cũng muôn màu sắc, gạo nếp được đồ cùng nước lá thuốc trong vườn, những đĩa xôi màu tím, xanh, đỏ, trắng bày lên mâm tô thêm vẻ đẹp bữa cơm quê núi.

Tạm biệt xóm Chiến, văng vẳng bên tai mấy câu thơ của anh bạn đang là chủ một homestay tặng: Ai lên xóm Chiến quê tôi/ Thăm rừng, tắm suối nhìn trời mây bay/ Quýt thơm, lợn nướng, cá đầy/ Sáo khèn đêm múa yêu say rượu cần/ Vòng xòe lửa đỏ chiêng ngân/ Quê xa xa mấy cũng gần bên nhau.


Trần Quốc Dũng 
(Hội Nhà báo tỉnh)


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục