(HBĐT) - "Ai rồi cũng phải vào lan thôi!” - một trong những câu nói thịnh hành (trending) của người chơi hoa lan phi điệp đột biến (lan var) trong thời gian gần đây. Từ nhà hàng, quán cafe đến các trang mạng xã hội đều rôm rả câu chuyện giá cả, mua vào, bán ra lan var. Dày đặc các status chủ vườn giao dịch với hình ảnh chậu lan tiền tỷ to bằng… cọng rau muống, với hàng trăm lời bình luận chúc tụng, tung hô nhau như: "tiền nhiều thế này để đâu cho hết”, "đại gia lan Hòa Bình đây rồi”, "x10 hay x15 rồi”, "mua nhà, mua xe mới thôi”... Người ngoài cuộc thì chỉ có một câu hỏi chung: Bao giờ lan "vỡ”?



Lan đột biến cấy mô được cho là được sản xuất số lượng lớn theo quy mô công nghiệp tại Trung Quốc, đóng thành từng thùng xuất sang thị trường Việt Nam.

"Ma trận” lan đột biến

"Người chơi lan thì quý lan như vàng, còn không biết chơi thì không khác gì cọng rau muống”, tuy nhiên, giá những "cọng rau muống" ấy khiến nhiều người biết đến lan var từ lâu cũng không khỏi giật mình. Danh sách những loài hoa đắt nhất thế giới được các tổ chức, diễn đàn, trang báo nước ngoài bầu chọn, điểm tên hoa lan Gold of Kinabalu Orchid rực rỡ sắc màu, chỉ xuất hiện trong một khu vườn tại Malaysia, hoa 15 năm mới nở 1 lần, giá mỗi cây gần 140 triệu đồng. Tuy nhiên, có lẽ họ phải cập nhật lại số liệu bởi khoản tiền đó hiện giờ may ra mua được 1 chậu lan var hàng bình dân HO (Hiển Oanh) dài không đến 1 gang tay. Hay những bông hoa lan hồ điệp Nongke Thâm Quyến đắt đỏ được chăm sóc kỹ lưỡng, tạo ra trong phòng thí nghiệm bởi công sức các nhà khoa học hàng đầu, mất 8 năm mới nở hoa thì cũng chẳng thấm tháp vào đâu với cây lan Bảo Duy dài bằng vài đốt ngón tay. Được biết, trên thị trường lan var hiện có trên 80 loại, từ loại vài triệu đến hàng tỷ đồng một "lúa non”.

"Vua chơi lan, quan chơi trà”, nếu trước kia, hoa lan được coi là thú chơi tao nhã, cao quý của những người thật sự đam mê vẻ đẹp của lan thì hiện giờ, từ bà bán cá, anh bán rau cũng có giò lan var treo ở nhà. Nhiều cụ già ở nông thôn, vùng quê nghèo cũng bán lợn, gom góp số tiền dành dụm được rủ nhau mua lan, mặc cho sự ngăn cản của người thân. Anh trồng rau ven bờ sông cũng không còn ra họp chợ, bán hết nhà cửa, ruộng vườn để mua lan về chăm sóc với mộng ước đổi đời, có nhà lầu, xe hơi.

Nhà vườn D.T tại TP Hòa Bình được cho là sở hữu trên 4.000 chậu HO và hàng trăm chậu lan var đắt tiền mà ít ai được nhìn thấy mặt hoa như: Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước, Bướm Đại Ngàn…, với tổng giá trị tính trên chậu lan lên tới gần 2.000 tỷ đồng, một con số khiến ngay cả những người chơi lan lâu năm cũng rùng mình. Một so sánh vui của cư dân mạng: Tổng giá trị vốn hóa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của 1 tập đoàn ngày 15/3/2021 có giá trị 4.859 tỷ đồng, với giá thị trường hiện tại của giới chơi lan khoảng trên 1 tỷ đồng/1cm Bảo Duy, thì cơ nghiệp hàng chục năm gây dựng, gian nan, vất vả của tập đoàn đầu chỉ bằng người ta trồng chơi gần 50 m lan.

Lan đột biến có thực sự quý hiếm ?

Lan var được cho là nở rộ tại Hòa Bình từ vụ chuyển nhượng giò lan Bảo Duy 2,7 tỷ đồng tại Bình Dương của một đại gia trong tỉnh, từ đó nhiều giao dịch liên tiếp phá kỷ lục được diễn ra, được livestream trên mạng xã hội và thực sự sốt lên giai đoạn cuối năm 2020 cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, trên thế giới, giống lan này được trồng từ rất lâu với hàng trăm, hàng nghìn loại đột biến khác nhau. Thậm chí tại Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, lan được nhân giống công nghiệp với đặc tính y hệt mặt hoa mẹ, giá thành vô cùng rẻ, thậm chí chỉ vài trăm nghìn đồng là có thể sở hữu chậu hoa với hàng chục bông nở rộ. Dòng lan được thế giới ưa chuộng hơn là lan hồ điệp bởi sắc màu rực rỡ, sức sống khỏe và lâu tàn.

Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết: "Bằng phương pháp nuôi cấy mô invitro, từ một cây mẹ có thể cho ra cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ, do đó, lan var có thể hoàn toàn sản xuất hàng vạn cây một lúc theo quy mô công nghiệp”. Thực tế, từ nhiều năm trước, lan var cấy mô được nhập về từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc với giá vài trăm nghìn đồng để đáp ứng nhu cầu người chơi lan.

Vậy giá trị của lan var nằm ở đâu? Một sự thật oái oăm là nhiều người chơi lan chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy mặt hoa và cũng không muốn cho nở, những hình ảnh hoa lan chia sẻ trong các cuộc giao dịch được cho là sao chép lẫn nhau. "Bởi nếu hoa nở thì nhánh đó vô giá trị, thậm chí cho nhiều người không thèm lấy vì không còn khả năng tạo kie dù có mọc dài đến đâu, hoa lan chỉ có giá trị khi chưa nở” - anh T., chủ vườn lan tại TP Hòa Bình chia sẻ.

Bài học từ "bong bóng” hoa tulip Hà Lan

Có thể khẳng định, lan var không thể xuất khẩu sang nước ngoài với mức giá như vậy, do đó, dòng tiền chỉ chạy từ túi người mua sau vào người mua trước. Nghiêm trọng hơn, không như những hàng hóa mua bán thông thường, tốc độ đẻ nhánh, phát triển chóng mặt 1 cm trong vòng 2-3 ngày của lan bằng nhiều loại thuốc kích thích dẫn đến cung vượt quá cầu, nguy cơ lan vỡ trận ngày càng tới gần. Sự phát triển ồ ạt đến mức vô lý cùng sự thổi phồng, ca ngợi quá đáng của giới chơi lan khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện hoa tulip tại nước Hà Lan, khi mà 1 củ hoa có giá lên đến 100.000 USD, khi vỡ "bong bóng” chỉ còn đổi được 1 củ hành tây. Bài học nóng hổi từ chơi cây sanh, lộc vừng hoặc chính dòng lan 5 cánh trắng Phú Thọ ở nhiều địa phương vẫn còn đó.

Những câu chuyện như "vừa mang cây ra khỏi vườn đã có người gọi hỏi mua lại với giá cao hơn cả trăm triệu đồng” được truyền tai nhau hàng ngày. Ngồi quán nước "tán dóc” với anh T., chủ vườn lan tại TP Hòa Bình, anh hồ hởi chào mời: "Anh đang có chậu HO triển vọng lắm, 2 mầm gốc, 6 chồi, mua đi kiểu gì cũng lãi, chơi lan là lãi ít nhất gấp 3 rồi”. 

Chung nhau tiền mua kie Bạch Tuyết, Á Hậu, sau đó như ngồi trên đống lửa khi mà tiền của tích cóp, làm lụng vất vả nhiều năm đổi lấy cây lan bé bằng cọng rau muống mà vẫn chưa biết bán cho ai. Những giao dịch ảo, đánh bóng tên tuổi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, cuộc sống xa hoa của giới chơi lan là những câu chuyện diễn ra hàng ngày, khiến kích thích lòng tham của nhiều người, sẵn sàng bỏ hết việc làm ăn kinh doanh, bán nhà, bán đất để đầu tư lan, tiềm ẩn nhiều hệ lụy như rửa tiền, lừa đảo mặt hoa, lừa bán cho họ hàng, người thân, mất an ninh trật tự xã hội. Người bán đất chơi lan, người bán lan "tháo chạy” mua đất, gần đây còn xuất hiện tình trạng nhiều chủ vườn lan ồ ạt gom đất, nhất là tại các vị trí giao thông quan trọng, gây tình trạng sốt đất ảo, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, bất lợi đối với các nhà đầu tư.

Các ngân hàng tại Hòa Bình đều hạn chế những khoản vay tín dụng để đầu tư lan bởi khả năng rủi ro cao, cá biệt, nhiều người đầu tư cũng bán hết tài sản, cầm cố khắp nơi, bỏ công việc nên không còn khả năng thanh khoản. Gọi điện thoại hỏi bạn bè đang làm việc, kinh doanh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đều "lắc đầu” với cây lan, cho rằng chỉ là chiêu trò thổi phồng giá trị. "Đầu tư vào lan var giống như một canh bạc, có người thắng đậm và chắc chắn sẽ có người trắng tay. Với đà phát triển ồ ạt như bây giờ, chỉ cuối năm nay hoặc đầu năm tới là lan sẽ vỡ thôi” - anh H., chủ vườn lan var tại huyện Đà Bắc dự đoán.


P.V

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục