Con đường Trường Sơn, đường HCM huyền thoại thời kỳ CNH đã góp phần thúc đẩy phát triển KTXH triền Tây đất nước.

Con đường Trường Sơn, đường HCM huyền thoại thời kỳ CNH đã góp phần thúc đẩy phát triển KTXH triền Tây đất nước.

(HBĐT) - Trải suốt chiều dài của lịch sử 4 nghìn năm dựng và giữ nước, dãy Trường Sơn hùng vĩ là thế tựa muôn đời của dân tộc Việt Nam. Thế kỷ XX, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước suốt 20 năm trời, Trường Sơn lại tiếp tục viết nên một thiên anh hùng ca. Để cho đến bây giờ và mãi về sau, chúng ta vẫn luôn tự hào về một Trường Sơn huyền thoại, về những người con bất tử đã hi sinh cho đất nước được độc lập tự do...

 

Bài I: Trường Sơn - huyền thoại một con đường

 

Trong cuốn sách “Huyền thoại Trường Sơn” do Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn biên soạn và phát hành, Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị trung ương Đảng, Phó Bí thư Quân ủy trung ương, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, người ra mặt trận trên suốt con đường Trường Sơn cho đến ngày đại thắng 30/4/1975 đã viết: “…Đường Trường Sơn đã tạo điều kiện cho thắng lợi trong chiến tranh giải phóng hoàn toàn đất nước. Nó cũng tạo điều kiện tốt cho sự nghiệp phát triển xây dựng kinh tế, xây dựng CNXH  trên cả nước và đảm bảo cho nền quốc phòng vững mạnh, bảo vệ tổ quốc XHCN hùng cường”.

 

Ký ức thời “hoa lửa”

 

Đến nay, sau hơn 50 năm, nhiều người vẫn khẳng định đường Trường Sơn là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam; là bước phát triển sáng tạo về khoa học, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân. Bởi con đường này chính là khát vọng độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Khát vọng đó, dường như vẫn còn vẹn nguyên trong những người lính đã từng vượt Trường Sơn những năm tháng chiến tranh ác liệt. Điều đó lại càng rõ hơn trong câu chuyện kể của Thiếu tướng Bùi Đình Phái, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, người đã từng vượt Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại vào Nam chiến đấu. Ông bảo: Với mỗi người lính đã từng vượt Trường Sơn trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong những năm tháng chiến tranh ác liệt thì đó thực sự là một phần ký ức không thể nào quên.

 

“Đường mòn Hồ Chí Minh” là cái tên để gọi tuyến vận tải bí mật của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Tuyến đường này bắt đầu hình thành từ tháng 5 năm 1959 do vậy còn có tên là đường 559. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) là đơn vị được giao nhiệm vụ “soi tuyến, mở đường” xây dựng các binh trạm hậu cần, y tế, công binh, bộ binh và phòng không để duy trì hoạt động của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh đảm bảo cho nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trải qua 16 năm (1959 - 1975) xây dựng, hình thành, duy trì và mở rộng, tuyến đường đã hoàn thành xuất sắc vai trò sứ mệnh lịch sử của mình. Trong gần 6 nghìn ngày đêm, lực lượng quân sự Mỹ, ngụy đã tập trung huy động một số lượng lớn phương tiện, vũ khí, khí tài chiến tranh tối tân, hiện đại nhất thời bấy giờ trút hàng triệu tấn bom đạn nhằm đánh phá, chặt đứt tuyến đường chi viện của ta. Thậm chí chúng còn sử dụng cả một hệ thống máy móc điện tử để giúp hướng dẫn máy bay ném bom. Ngoài ra, còn sử dụng hàng triệu lít chất độc hóa học trong đó có chất độc màu da cam có chứa dioxin để diệt cỏ, làm trụi là cây; triển khai các dự án tạo mưa và các chất hóa học tạo bùn cũng đã được sử dụng để phá đường… vì vậy, tuyến đường Trường Sơn còn được gọi là “tuyến lửa” với các “tọa độ lửa”, cửa tử, các trọng điểm bắn phá, ném bom của máy bay địch. Có những trọng điểm trong nhiều ngày liên tiếp bị địch bắn phá, ném bom rải thảm. Tuy nhiên, dưới những tán cây rừng, suối sâu, đèo cao ẩn khuất trong mây mù tuyến đường vẫn vươn dài và mở rộng ra các hướng. Bắt đầu từ km số 0 thuộc thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An), tuyến đường đã xuyên qua các cánh rừng già, phát triển thành một mạng lưới với 5 trục dọc theo sườn Đông và Tây dãy núi Trường Sơn. 21 trục ngang liên hoàn với tổng chiều dài hơn 17 nghìn km, nối liền hậu phương lớn miền Bắc tới các chiến trường. Trên tuyến đường đó, suốt ngày đêm, hàng đoàn cán bộ chiến sỹ âm thầm nối nhau tiến bước vào tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam.

 

Vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu, hồi ấy anh lính trẻ Bùi Đình Phái cùng đồng đội cũng đã phải vượt qua vô vàn khó khăn gian khổ. Nhiều khi đứng giữa sự sống - cái chết chỉ là lằn gianh giới mong manh. Cuộc hành quân trường kỳ, cứ đêm đi, ngày nghỉ. Đường đi chủ yếu là dốc đá quanh co hiểm trở. Cứ lên đến đỉnh núi trập trùng rồi lại tụt xuống. Nơi nào bãi bằng, đoạn đường nào qua bãi trống đều không được đi. Chỗ nào khe suối, đường mòn không được đi bởi đó là những nơi địch thường xuyên tập trung ném bom, đánh phá. Thiếu tướng Bùi Đình Phái nhớ lại: “Rừng Trường Sơn âm u, rậm rạp là thế nhưng trong suốt chặng đường hành quân hầu như chưa bao giờ có đêm. Vì cứ vào khoảng 5h chiều là địch bắt đầu thả pháo sáng. Màn đêm bị xé rách bởi những quầng lửa và tiếng bom dội ầm ì. Bây giờ nghĩ lại, ở các chặng đường chiến tranh mình đã đi qua, lúc đó chỉ thấy có một tinh thần, một khát khao đấu tranh giải phóng dân tộc rất lớn. Cho dù có người bị sốt rét, bị thương, ốm yếu nhưng vẫn cố gắng đi theo đoàn quân về phía trước. Bởi cái khát khao giải phóng và tình cảm anh em trong chiến đấu, giữa sự sống và cái chết không thể nhường bỏ cho ai được. Thậm chí có những người ốm mệt không mang vác được ba lô thì cũng cố gắng chống gậy đi để động viên tinh thần cho đồng chí đồng đội tiến lên phía trước. Thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường, địch đã tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất hòng chặn cắt và dập tắt ý chí chiến đấu của quân ta bằng những trận ném bom rải thảm. Có thể nói, nước Mỹ có vũ khí gì thì ở Trường Sơn cũng có thứ đó, ngoại trừ bom nguyên tử. Trên tuyến đường Trường Sơn ngoài khó khăn, vất vả về địa hình núi cao suối sâu thì nguy hiểm thường trực với người lính đó là các loại bom mìn ken đặc dưới mỗi bước chân. Như các loại bom phạt, mìn lá, mìn vướng, bom bi, bom nổ chậm… mỗi sơ xảy đều phải trả giá bằng mạng sống”.

 

Có lẽ, chính cái khát khao giải phóng đã trở thành sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Và con đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại về ý chí quyết tâm, về sức mạnh của dân tộc làm cho cả thế giới phải khâm phục, kẻ thù cũng phải khiếp sợ. Tổng kết cuộc kháng chiến, đã có 1,5 triệu tấn hàng hóa, 5,5 triệu tấn xăng dầu và bảo đảm hơn 1 triệu lượt cán bộ, chiến sỹ đi vào các chiến trường miền Nam và hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ bị thương từ chiến trường trở về miền Bắc. Trong gần 6 nghìn ngày đêm, các chiến sỹ Trường Sơn đã tham gia hàng nghìn trận đánh. Tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng khoảng 3 vạn tên địch; bắn rơi hơn 2 nghìn chiếc máy bay, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Tuyến đường Trường Sơn đã góp phần quan trọng vào việc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Nay, tuyến đường huyền thoại năm xưa đang trở thành huyết mạch giao thông thứ 2 góp phần phát triển KTXH ở triền tây đất nước.

 

Trường Sơn “chuyển mình”

 

Không giống với những lần trước, trong chuyến viếng thăm Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn lần này, chúng tôi đã có cuộc hành trình trên tuyến đường vạn lý Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thời kỳ CNH - HĐH suốt từ Xuân Mai vào đến vùng đất thép Quảng Trị. Đã có lúc tưởng chừng bị lãng quên, cuộc sống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều kiên cường, anh dũng cũng chỉ còn ít người biết đến. Nhưng con đường Hồ Chí Minh thời kỳ CNH đã vươn mình trên dãy Trường Sơn đã trở thành minh chứng hùng hồn về sự kế thừa truyền thống và sự thay đổi kỳ diệu mà hòa bình đem lại.

 

Trên suốt chặng đường dài hơn 600km từ Xuân Mai vào đến Quảng Trị, nơi đâu chúng tôi cũng thấy sự chuyển mình mạnh mẽ. “Tất cả đều nhờ có con đường lớn này đấy”, một cụ ông người Vân Kiều mà tôi chưa kịp hỏi tên trong lúc xe dừng nghỉ tại chặng Khe Ve - Pheo thuộc tỉnh Quảng Bình cho biết. Cụ bảo: trước chưa có đường, bà con mình khổ lắm, chỉ có làm nương thôi, chẳng đủ ăn, cứ triền miên đói. Chuyện học hành của lũ trẻ cũng dang dở vì trường lớp không có. Từ ngày Nhà nước làm đường, cuộc sống của người Vân Kiều sống dọc theo dãy Trường Sơn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Cái đói, cái nghèo được xua đi, con chữ đã được mang về làm sáng cái bụng người dân. Nhờ có đường mà cuộc sống của đồng bào đã có sự đổi thay mạnh mẽ. Trải suốt hàng trăm km, trên tuyến đường đã hình thành nhiều thị trấn, thị tứ sôi động. Các bản làng cũng đã đông vui, sầm uất. Nếu như ở phía bên kia biển mặn mòi gió, chang chang nắng và mênh mông cát trắng thì ở phía bên này dải Trường Sơn trùng điệp xanh ngát những đổi thay. Các địa danh xưa vốn là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ đã đi vào lịch sử như Khe Rinh, Khe Hương, Khe Ve, đèo Đá Đẽo, Khe Mạ, sân bay dã chiến Khe Gát… thì nay cuộc sống đang có sự đổi thay rõ nét từng ngày. Trong những năm đầu đổi mới, tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã được đánh thức để trở thành tuyến đường phục vụ cho thi công xây dựng tuyến đường dây 500kv mang điện từ Hòa Bình vào Nam đáp ứng yêu cầu CNH. Và cũng từ đó, dự án đường Hồ Chí Minh CNH cũng ra đời. Hai dự án mang tầm quốc gia và thời đại đã hiện diện song hành trên con đường lịch sử của dân tộc. Những dự án đó cũng đã khép lại những trăn trở làm thế nào để con đường Trường Sơn không còn nằm im lìm dưới bóng rừng già và huyền thoại. Tuyến đường Hồ Chí Minh CNH đi qua 30 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km bắt đầu từ cực Bắc của tổ quốc kéo dài đến tận cực Nam trên đất Mũi. Con đường đã đánh thức của cả một vùng rộng lớn. Tuyến đường đi qua đã có nhiều làng bản xa xôi lộ diện, nhiều làng thanh niên lập nghiệp được thành lập và đã góp phần nâng cao văn hóa, dân trí ở vùng hẻo lánh.

 

“Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”. Hai câu thơ đó cứ nhẹ bẫng theo chúng tôi đi từ sườn Đông sang sườn Tây  Trường Sơn. Năm xưa, tuyến đường này chẳng khi nào ngớt tiếng bom rền đạn nổ, máu xương thấm đỏ những chặng đường nhưng chẳng bao giờ ngơi tiếng hát. Qua đoạn nối giữa Đông và Tây Trường Sơn, gió ào ạt qua cửa xe, ngỡ đâu như tiếng hát, tiếng cười trong trẻo hồn nhiên của những chàng trai, cô gái TNXP thủa nào ngày đêm kiên cường bám đường cho xe qua.

 

 

Bài II: Huyền thoại tuổi 20

                                                                           

                                                                                 Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Mo Mường trên hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Bài 1 - Giá trị trường tồn của Mo trong đời sống người Mường xưa và nay

Hòa Bình là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm trên 63% dân số. Theo dòng chảy thời gian, dân tộc Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa phong phú, đa dạng. Trong nền văn hóa đó có một loại hình nổi bật, độc đáo, có giá trị nhân văn sâu sắc đó là Mo Mường. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường. Hiện nay, Chính phủ đã gửi hồ sơ Mo Mường để trình, xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp. Đưa di sản Mo Mường vươn tầm thế giới. 

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài cuối: Đi tới tương lai thịnh vượng

Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn đã hoàn thành. Nhưng một ước muốn lại cháy bỏng, đó là phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử này trong phát triển kinh tế - xã hội hôm nay. Ước vọng đó thành hiện thực khi ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 2: Bản anh hùng ca Trường Sơn

Trong số hơn 10 vạn bộ đội và hơn 1 vạn thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn huyền thoại, nữ chiến sỹ chiếm số lượng trên 10%, lúc cao nhất có gần 2 vạn nữ chiến sỹ. Nhiều cô gái ra trận đã hy sinh ở tuổi mười tám đôi mươi, với những ước mơ, dự định còn dang dở.

Đường Hồ Chí Minh từ kỳ tích đến mạch máu đất nước - Bài 1: Khởi đầu một huyền thoại

65 năm trước, Đường Trường Sơn kết nối hai miền Bắc, Nam đi vào lịch sử như một kỳ tích của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục