(HBĐT) - Một ngày cuối năm, chúng tôi ngược dòng sông Đà đến với xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc để tìm hiểu về cuộc sống của người dân vùng hồ Hòa Bình.

 

Đã lâu không rồi tôi mới được hòa mình giữa thiên nhiên mây nước hữu tình này. Cảnh sắc hai bên bờ sông vừa lạ, vừa quen với những ngôi nhà ẩn hiện trong rặng cây ăn quả xanh biếc, những chiếc lồng cá ven hồ nửa chìm, nửa nổi trên mặt nước khẽ đung đưa mỗi khi sóng tàu xô vào. Nhớ lại khoảng chục năm về trước, khi chúng tôi thường xuyên đi trên tuyến đường thủy này để tìm hiểu cuộc sống của người dân vùng hồ Hòa Bình. Những bản làng thưa thớt và khá nghèo nàn. Xa xa trong những dặng núi dày đặc một màu tím sẫm của nương đồi vừa bị đốt làm rẫy. Đâu đó vẫn còn những cột khói đen đặc lẫn trong sương.

 

Ông Đỗ Hữu Định, Trưởng Ban quản lý Dự án 472 của tỉnh cho biết: Sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua các tỉnh Điện Biên, Sơn La, qua Hòa Bình rồi nhập vào sống Cái (sông Hồng). Sông Đà chảy qua địa phận tỉnh ta từ địa hạt Đồng Nghê, qua Suối Rút, Chợ Bờ, Phương Lâm và điểm cuối là xã Hợp Thịnh với tổng chiều dài khoảng 151 km. Tổng lưu vực là 5.800 km2 , trong đó khu vực hồ Hòa Bình khoảng 15.000 km2 với mặt nước ngập khoảng 22 vạn ha, dung tích 9,45 tỷ m3 . Đây là hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam.  Trước khi chưa có đập thủy điện, sông Đà được mọi người gọi là Hắc giang, bởi vì dòng nước hung dữ với hàng trăm thác ghềnh. Để trị thủy sông Đà, biến nó thành nguồn lợi của Quốc gia, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một công trình thủy điện. Khi dòng sông bị ngăn lại, hàng trăm bản làng, hàng vạn ngôi nhà, ruộng vườn, nương rẫy và nhiều công trình công cộng khác đã bị dòng nước nhấn chìm. Người dân đã phải chuyển đến xây dựng cuộc sống ở một vùng đất khác. Phần nào bù đắp, chia sẻ sự hy sinh to lớn của nhân dân, Nhà nước tiếp tục đầu tư, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi...

 

Xã Vầy Nưa nơi chúng tôi đến, cách đây khoảng 5 năm về trước được coi như là ốc đảo. Bởi giao thông duy nhất để đến được hầu hết các xóm trong xã là bằng đường thủy. Tuyến đường đến xã đã bị ngập trong nước, trụ sở làm việc của xã trước kia cũng ngập dưới hàng chục mét nước. Chỗ làm việc của Đảng ủy, UBND bây giờ mới được chuyển lên trên cao hơn. Ngay cạnh đó là trường học và một số công trình công cộng khác của xã. Ông Bàn Thanh Tài, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cách đây 3 năm, tuyến đường thông đến xã làm nhân dân rất phấn khởi. Có giao thông thuận lợi, người dân sẽ bán được nông sản, thực phẩm, mua sắm được những hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống. Xã hiện có gần 40 ha ruộng lúa cấy hai vụ, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, gần 500 ha diện tích trồng ngô, lúa cạn, sắn... cơ bản đảm bảo an inh lương thực tại chỗ cho nhân dân. Tận dụng lợi thế về mặt hồ, xã đã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn ngân hàng để đầu tư mua thuyền, lưới đánh bắt cá và nuôi cá lồng. Đến nay, toàn xã đã phát triển được khoảng 130 lồng cá và hàng trăm hộ làm nghề khai thác thủy sản. Mỗi năm đánh bắt được hàng ngàn tấn cá, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Từ chỗ ổn định kinh tế, đời sống văn hóa, xã hội cũng được quan tâm. Hiện 10/10 xóm có giao thông, 100% hộ dân được sử dụng điện lới quốc gia, xã có trạm thu phát lại truyền hình, phủ sóng tới 60% hộ dân, xã đã hoàn thành công tác phổ cạp giáo dục THCS, hầu hết các xóm đã được công nhận xóm vă hóa...

 

Vầy nưa là một trong nhiều xã đang có sự chuyển biến mới trong phát triển KT-XH ở vùng hồ Hòa Bình. Ông Đỗ Hữu Định, Trưởng ban quản lý Dự án 472 cho biết: Qua 2 giai đoạn thực hiện Dự án, tổng giá trị nguồn vốn được triển khai thực hiện từ năm 1995 đến 2008 là 779.871 triệu đồng, bình quân mỗi hộ được đầu tư 60 triệu đồng cho cả ba nội dung: xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất và ổn định dân cư. Khối lượng các danh mục công trình và nội dung các dự án đầu tư giai đoạn này đã thực sự làm thay đổi bộ mặt kinh tế, văn hóa – xã hội các xã vùng ven hồ Sông Đà, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay, hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở các xã vùng ven hồ đã phát triển khá, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, bước đầu khai thác tiềm năng để phát triển sản xuất. Công tác khai hoang và xây dựng các công trình thuỷ lợi được chú trọng. Trong đó, trồng luồng kết hợp kinh tế với phòng hộ được trên 15.500 ha; khai hoang 294 ha ruộng bậc thang; thả trên 61 tấn cá giống bổ xung nguồn lợi thủy sản cho hồ Hòa Bình... Hệ thống giao thông, các công trình xây dựng dân dụng khác đã góp phần làm thay đổi nhịp sống, thúc đẩy giao lưu hàng hóa. Trong đó, dự án đầu tư làm mới và nâng cấp 248 km đường ô tô liên xã, bản; 88 công trình điện với hơn 380 km đường dây; 21.000m2 các công trình phục vụ giáo dục; 12 trạm y tế; 65 công trình cấp nước sinh hoạt... 

 

Từ sự đầu tư của dự án, nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất, nhiều mô hình kinh tế giỏi được nhân rộng. Toàn vùng đã xóa hết hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 36%, một số xã tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 30%, đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước. Học sinh trong độ tuổi được đến trường, học tập trong những phòng học khang trang. Hầu hết các xã đều hoàn thành phổ cập THCS. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm, chú trọng. Các tệ nạn xã hội, tiêu cực trong cộng đồng dân cư được hạn chế. Hiện có 73% làng, bản của các xã vùng hồ Sông Đà đạt tiêu chuẩn văn hóa. Bằng nhiều nguồn vốn của dự án, kết hợp với các nguồn vốn của dự án khác trên địa bàn, đến nay, toàn vùng hồ Sông Đà trồng mới khoảng 30.000ha rừng, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác phòng hộ cho hồ thuỷ điện Hòa Bình, nâng độ che phủ rừng lên 50%.

 

Kết quả đầu tư của dự án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, xét mặt bằng chung của tỉnh thì đời sống kinh tế của các hộ dân thuộc vùng dự án thấp hơn (tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 20%, trong vùng dự án 36%; thu nhập bình quân đầu người/năm của tỉnh khoảng 9 triệu đồng, trong vùng dự án 4,5 triệu đồng). Các công trình trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, các công trình dân sinh khác còn thiếu khoảng 35 – 40%. Một bộ phận dân cư sống ở những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, thiếu điều kiện sản xuất phải di dời...

 

Để tiếp tục giải quyết những vấn đề trên, đồng thời hỗ trợ để các xã vùng hồ Hòa Bình trong giai đoạn tới phát triển bằng mức bình quân chung của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội vùng chuyển dân sông Đà, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009-2015, với tổng vốn đầu tư gần 899 tỷ đồng. Mục tiêu Đề án là phấn đấu đến năm 2015, giải quyết cơ bản công tác bố trí, ổn định dân cư các xóm, bản tại các xã ven hồ, gồm: di dân, tái định cư tập trung từ 250-300 hộ; di dân xen ghép trong xã khoảng 1.000 hộ. Theo đó, để nhân dân ổn định đời sống tại nơi ở mới, Nhà nước sẽ đầu tư cho khai hoang 204 ha ruộng bậc thang; trồng 3.050 ha rừng kết hợp rừng phòng hộ và rừng kinh tế; hỗ trợ lãi suất tiền vay phát triển sản xuất cho 5.000 hộ và đào tạo nghề cho khoảng 10.000 người.

 

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song cuộc sống của nhân dân vùng hồ Hòa Bình đã và đang từng bước thay đổi, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh Hòa Bình. Hôm nay đây, đến với các xã vùng hồ Hòa Bình, chúng tôi cảm nhận thấy niềm vui mới của người dân trước sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước.

 

                                                                               Ngọc vinh

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục