(HBĐT) - Kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là một nhiệm vụ công tác quan trọng đối với cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Thông qua hoạt động kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện những văn bản QPPL không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp để đình chỉ thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới. Từ đó nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp) cho biết: Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện của các sở, ban, ngành, đồng thời là cơ quan đầu mối tổng hợp kết quả rà soát báo cáo UBND tỉnh theo nhiệm vụ được giao. Trong 6 tháng đầu năm, Sở đã tự kiểm tra 26 quyết định do UBND tỉnh ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 14 quyết định do UBND các huyện, thành phố ban hành. Rà soát theo chuyên đề 58 văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh ban hành năm 2015; rà soát thường xuyên 223 văn bản bao gồm 66 nghị quyết, 140 quyết định, 17 chỉ thị. Ngành đã tham gia thẩm định 60 dự thảo nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh, gồm 13 nghị quyết, 47 quyết định; đóng góp ý kiến vào 48 dự thảo văn bản, gồm 1 dự thảo Luật, 3 dự thảo nghị định, 1 dự thảo Thông tư và 43 dự thảo văn bản khác.
Cán bộ Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp) trao đổi, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản QPPL ban hành.
Qua công tác kiểm tra, rà soát cho thấy, hầu hết các văn bản QPPL được ban hành đảm bảo phù hợp Hiến pháp, luật, các văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, các văn bản hướng dẫn của cơ quan Nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND cùng cấp. Bên cạnh đó, có số ít văn bản còn mắc lỗi như sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày, căn cứ ban hành văn bản; nội dung văn bản chưa phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật hiện hành, thẩm quyền ban hành chưa đúng… Những nội dung này được Sở Tư pháp có ý kiến với cơ quan ban hành văn bản kiến nghị chỉnh sửa, xử lý. Báo cáo kết quả rà soát văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh ban hành năm 2015, Sở Tư pháp đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công bố hết hiệu lực đối với 2 văn bản đã hết hiệu lực thi hành (Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 3/3/2015 về việc ban hành định mức tiêu hao nhiên liệu đối với xe ô tô phục vụ công tác của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng kinh phí từ NSNN trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 19/2015/QĐ-UBND ngày 16/7/2015 về việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh năm 2015); UBND tỉnh ban hành văn bản thay thế đối với Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 22/1/2015 ban hành quy định về quản lý hoạt động đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công tác rà soát thường xuyên, định kỳ hàng quý, Sở Tư pháp có văn bản gửi cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh tổ chức rà soát văn bản đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành khi có các văn bản mới của cơ quan Nhà nước cấp trên ban hành có tác động trực tiếp đến văn bản của tỉnh đã ban hành. Báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, Sở đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định công bố hết hiệu lực đối với 32 văn bản đã hết hiệu lực thi hành; UBND tỉnh ban hành mới 3 văn bản; đề nghị UBND tỉnh trình HĐND cùng cấp hoặc ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đối với 31 văn bản; đề nghị HĐND, UBND tỉnh ra văn bản bãi bỏ 11 văn bản.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp) cho biết thêm: Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát. Các cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương cần chủ động, nêu cao trách nhiệm thực hiện tự kiểm tra, rà soát các văn bản QPPL có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của đơn vị mình. Hoạt động kiểm tra, rà soát được thực hiện tốt, các văn bản QPPL được ban hành có chất lượng là công cụ hữu hiệu giúp công tác quản lý của ngành, cơ quan, đơn vị đạt hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Nghị định số 55/2011/ NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, một số cơ quan, đơn vị ở tỉnh đã thành lập phòng pháp chế, có cán bộ chuyên trách tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, sau đó phòng giải thể, công tác pháp chế được thực hiện kiêm nhiệm gây nên những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Hiện nay, công tác tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 55 đang được tiến hành, qua đó sẽ có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị, tạo cơ sở thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL nhằm không ngừng nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.
Hà Thu
Bà Trịnh Thị Thuỷ (TP Hòa Bình) hỏi: Đề nghị cho biết, pháp luật quy định người tham gia bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện những hành vi nào?
(HBĐT) - Nội dung này được hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BCA quy định chi tiết Luật Căn cước công dân (CCCD) và Nghị định số 137/2015/NĐ-CP.
(HBĐT) - Theo Thông tư số 21/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/4/2016, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hướng dẫn như sau:
(HBĐT) - Bạn Lê Thị Thu (Lương Sơn) hỏi: Trường hợp người sử dụng lao động không thông báo công khai nhu cầu tuyển lao động, kết quả tuyển lao động thì bị xử phạt như thế nào?
(HBĐT) - Bà Nguyễn Thị Liên (TP Hòa Bình) hỏi: Đề nghị cho biết, pháp luật quy định những trường hợp nào không phải chịu phí thi hành án?