(HBĐT) - Từ con đường rải nhựa cũ kỹ, mải miết theo những chiếc cột cây số nội tỉnh màu xanh lá cây về phía An Bình (Lạc Thủy), bất chợt gặp lại dòng sông Bôi lặng lẽ. Chiếc cầu gỗ đã cũ cứ bập bênh từng nan gỗ như đánh thức người khách phương xa trong giấc trưa của tiết trời dịu mát. Mùa hạ ở đây vẫn nắng nhưng nắng được pha với dịu dàng của nước xanh, lá biếc tạo nên một thứ men nồng. Sông Bôi tưới mát một vùng, dòng sông không ồn ào nhưng âm thầm gửi những mạch ngầm tưới mát những cánh đồng.

Con đường mòn đón chúng tôi bằng sự ngỡ ngàng sau những chặng đường dài liên xã. ở đây núi, đồi đã lùi xa nhường lại cho những gò đất cao rợp bóng keo xanh lảnh lót tiếng chim rừng. Nhưng chỉ qua một khúc quanh cảnh sắc đầm ấm của cư dân Bắc Bộ nay chỉ còn trong những bức ảnh cổ. Ngôi nhà 5 gian thâm nghiêm lớp ngói uy nghi còn lưu những nét chạm, đục tinh xảo của những người thợ Sơn Nam Hạ một thời. Khác biệt là chỉ có một nếp nhà, đàn ngan đủng đỉnh trong sân mặc kệ sự có mặt của khách, nhẩn nha tìm hạt tấm nào sót lại từ hôm qua trên nền sân gạch. Bất giác thấy bình yên đến lạ. Bình yên bởi bóng lưới đang giăng dưới lòng suối vắng, thanh thản đàn rô, diếc kiếm mồi.

 

Xế trưa mới bắt gặp gia chủ. Vẻ đẹp đã phai nhạt dần phong thái miền đồng bằng chiêm trũng nhưng vẫn còn đó vẻ xởi lởi, dễ gần của người nông dân Bắc Bộ. Sau tuần trà tâm sự, khách mới hiểu gia chủ bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc trước khi về làng này nương lại nếp nhà tổ tiên còn nguyên ngấn bùn từ mạn phù sa Ninh Bình để bồi đắp lại nghiệp nhà tiên tổ. Làng ở đây được rừng ấp iu nhưng không lụy vào đất rừng nâu thẫm mà thay vào đó là những thứ cây thẳng chờ ngày đốn hạ.

 

Rừng vẫn “hồn nhiên” với nhiều thứ cây hỗn tạp, quả để ăn, bóng mát để xòa xuống ao nhà vẳng tiếng vịt, ngan đang bơi. Đã mấy đời người và làng ở đây vẫn còn nguyên sơ chưa uốn theo nếp sống dưới đồng bằng, bờ ao không kè, đầm sen bùn đặc sánh, vườn rau, cây thuốc còn nằm xen với cỏ như cuộc giao thoa bất tận của đất trời. Từng lối ao nhà mở ra bãi ruộng, bóng tre ngà xòa xuống đung đưa nhịp gió gợi ký ức xa xưa của một thời người dân cố đô lên đây mở đất, gặp cửa rừng ngã nước nằm mê man nhớ ký ức bái lạy vong linh làng mạc. Lối đi ấy, có thể xưa từng là bờ suối cửa rừng trước khi được những người dân đầu tiên đào đất, đắp nền. Dưới xa kia, chân ruộng ấm nước suối rừng mà trỗ lúa cuối vụ chiêm - xuân đang uốn câu.

 

Người làng ở đây vẫn giữ nếp cũ mỗi sớm mai thức dậy chia nhau từng nắm chua, con cá ruộng như thứ quà đơn sơ đón tay con trẻ. Cô thôn nữ làng rừng giờ đã thành thiếu nữ kiều diễm đất Hà Thành nhưng sau giấc ngủ dưới mái nhà xưa vẫn không quên thức dậy từ lúc vừng đông vừa hửng để đi vớt đó. Gót chân hồng phả ánh nắng mai lấp lánh qua làn nước, đôi mắt nâu như đồng đất quê nhà núp dưới hàng mi đen rậm vẫn thẹn thùng ngắm khuôn mặt mình in trên mặt nước sông xanh mát. 

 

                                                     Ghi chép của  Bùi Việt Phương

                                     (Tổ 4, phường Thịnh Lang,thành phố Hòa Bình)

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục