Ngày hè, nắng như một đứa trẻ nghịch ngợm đùa vui cả ngày. Từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ, nắng chiếu qua những hàng cây trước sân nhà, nắng trải vàng trên những bãi cỏ may, nắng long lanh trên con suối nhỏ hiền hòa. Nắng theo khắp những con đường đất bụi bặm đến thăm thẳm những ngọn đồi, nắng như tiếng chuông vàng vang vang của tiếng mõ trâu gặm cỏ dưới chân đồi. Nắng tan vào tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của đám trẻ thơ một thời để rồi một chiều bên con suối tuổi thơ, nắng ngẩn ngơ đậu trên đôi mắt ai ngậm ngùi thương nhớ về một miền xanh thẳm đã qua. Nắng thì thầm: Hình như con suối cũng biết già? Cỏ cũng như biết đi? Chỉ có nắng lúc nào cũng rực rỡ, tươi mới mỗi khi hè về.

Những ngày hè tuổi thơ, nắng như một người bạn cùng ta rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm. Những trò chơi trốn tìm, bắt chuồn chuồn giữa trưa nắng rát mặt. Mẹ tìm thấy, lôi về, đánh vài roi và bắt đứng đầu cầu thang. Tuổi thơ khóc, chạy ra sân vừa khóc vừa phơi, nắng đồng cảm, những giọt nước mắt nắng lấm tấm trên tay.

 

Cả 3 tháng hè tắm nắng cùng tiếng mõ trâu lốc cốc trên bãi cỏ may. Tiếng mõ trâu không chỉ vọng lại thanh âm bình dị, mộc mạc..., ẩn sâu trong thanh âm đó là cả một thiên đường đầy sắc nắng trải vàng bước chân mục đồng, những bước chân mệt mỏi mà lòng hân hoan mỗi chiều tắt nắng lùa trâu về nhà.

 

Tuổi thơ của những đứa trẻ miền núi chúng tôi giống như con bê, con nghé rong chơi trên bãi cỏ may thân thuộc, thanh bình. Gió phảng phất, nhẹ nhàng như đang dạo khúc nhạc đầu tiên của những bài ca mùa hè. Vi vu, vi vu chơi trốn tìm với nắng trong kẽ lá rung rinh… Những con bê, con nghé hồn nhiên, tinh nghịch bên mẹ, gặm cỏ no nê rồi nằm thích thú ngắm trời mây. Trước khi cánh chim thôi liệng trên bầu trời trong lành, mây xanh thôi lang thang và mặt trời sắp lặn là lúc chúng tôi hồn nhiên chơi đùa trong những khoảng chiều xanh lắm, êm đềm. Có bức tranh nào đẹp hơn thế, thanh bình hơn thế.

 

Nắng hong khô sương sớm đọng trên cánh mỏng, cánh mỏng của chú ong thợ đang cần mẫn hỏi đường tìm nước uống, kiếm cây khô cắn vỏ làm tổ. Chim rừng khẽ hát lên những bản nhạc trong trẻo trên vòm lá, thi thoảng lại sà xuống bãi bẻ gãy cọng cỏ cháy làm tổ. Nắng nheo mắt tuổi thơ. Dưới bóng cây, từng trang sách lật mở, những ước mơ bay lên cười ngả nghiêng để lại dây thừng trên lưng trâu vắt vẻo...

 

Nắng xạm da những lúc chúng tôi chờ đợi chú ong đang cắn vỏ cây khô về xây tổ. Bàn tay tuổi thơ che cả một vùng trời dõi theo mảnh giấy trắng bay bay trên nền trời xanh biếc. Những khi đàn trâu gặm cỏ mải mê, chúng tôi lại say sưa bên những chú ong thợ cần mẫn mùa xây tổ. Vẳng đâu những tiếng hú gọi nhau qua cánh rừng làm đôi sừng cánh ná ngơ ngác tưởng chiều muộn buông. Một tổ ong được đánh dấu là có chủ chỉ bằng những niềm tin. Niềm tin vô hình nhưng có thực của con người dành cho nhau. Tiếng cười ríu rít đồng vọng chạm vào buổi chiều thăm thẳm, mặc bàn chân tuổi thơ bị gai đâm tứa máu vì chạy theo những trò nghịch ngợm, những thú vui thuở xưa cũ.

 

Cứ thế, lũ trẻ chúng tôi lớn lên lúc nào chẳng rõ? Để rồi một chiều sự vô tư, hồn nhiên nhường chỗ cho những suy nghĩ, trầm tư khi gặp hình dáng của mẹ in dài trên triền dốc. Dáng mẹ hao gầy, mỏi mệt sau một ngày lên nương làm mùa và khi về chẳng bao giờ quên gùi trên vai bó rau rừng xanh ngắt. Trong bữa cơm chỉ có rau, mẹ vẫn thường động viên: “ăn cơm có rau như nhà giàu có của”. Ngày ấy đã xa. Những ngày hè rực nắng một thời ấu thơ, hình ảnh người mẹ tảo tần, người bố lo toan nuôi ta khôn lớn là gia tài trong ký ức một thời không thể quên của đời người. Những hình ảnh, những kỷ niệm đó là điểm tựa cho chúng ta trên mỗi bước đường đời. Nó an ủi, động viên, khích lệ ta trong lúc tưởng như không thể vượt qua. ánh mắt của những người thân vẫn luôn dõi theo trên từng bước đường ta đi. Cả ánh mắt tươi vui của bạn thuở chăn trâu. Ta vin vào dáng quê, vào ánh mắt thân thương của người thân để vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.

Nắng gọi mùa về, trong trẻo tiếng chim, rộn ràng con ong rừng tìm mật. Trong ký ức tuổi thơ ai cũng giữ cho riêng mình những ngày hè rực nắng.

 

 

                                                             Bùi Đức Thắng

                                                   (Báo Văn nghệ Hòa Bình)

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục