Tháng 5, nhìn những thửa ruộng bậc thang đã thấy ưng bụng lắm rồi. Đúng là có dầm mưa dãi nắng mới có lúc thảnh thơi chờ đổ thóc vào thùng. Dưới suối bọn trẻ con chí chóe nô đùa, trên sàn mấy cụ già bỏm bẻm nhai trầu, uống nước trà xanh trong sắc chiều Tây Bắc.



Thế mà mấy hôm nay lòng Hòa như có lửa đốt, hết đứng lại ngồi, vừa châm thuốc đã dụi vội vào hốc đá. Người thì tưởng anh lo làm ăn đổ bể vì dịch bệnh, người lại ngỡ đàn trâu nhà này làm sao. Nhưng thật ra, Hòa còn có nỗi lo lớn hơn, ấy là chuyện vận động bà con đi bầu cử.

Ở dãy núi phía cuối tỉnh có một xóm nhỏ nằm biệt lập. Con chim cất cánh bay đi kiếm mồi thì nhanh mà người leo tới nơi lại khó. Hòa, Trung, Mạnh và Thúy đã từng nhiều lần lên đó vận động, tuyên truyền cho bà con về các chương trình, chính sách. Mấy anh em có khi phải bỏ xe leo dốc, mùa mưa bùn níu chân, mùa nắng thở không ra hơi. Thúy bảo: "Mọi thứ về đến đây 10 phần thì chưa chắc đã còn được 1”. Hòa nghe cô nói thấy cũng đúng, nhưng biết làm sao được, bà con ở đây bao đời chủ yếu sống bám đồi rừng, ngoài những nhu yếu phẩm buộc phải ra tận chợ huyện mua thì còn lại họ đều tự cung, tự cấp. Cũng bởi thế mà trang phục hàng ngày, nếp sinh hoạt của người dân còn khá nguyên bản, bà con sống thật thà, chất phác, nhưng nhiều khi rất khó vận động, tuyên truyền vì nếp nghĩ đơn giản ấy.
Cách đây mấy hôm, các anh đã đến nhà ông Khiêm, người già nhất trong xóm. Nói thế nào đi nữa thì ông vẫn một mực: 

- Cán bộ được đi học, có nhiều cái chữ, cán bộ cứ làm. Tôi thì chỉ biết đi nương, có ít thì ăn, có nhiều thì bán. Cán bộ nào tôi thấy cũng như nhau cả, tôi biết gì đâu mà đi bầu. Mất cả buổi đi nương.
- Ấy chết. Mạnh ngắt lời - Bác phải tự bỏ phiếu chứ, quyền và trách nhiệm công dân mà bác.
- Thì các anh biết nhiều chữ, đi nhiều nơi biết người nào hay, người nào dở, người nào giỏi, anh bầu giúp tôi, coi như là giúp người già đi.

Hòa cũng nghe nói hôm trước, Thúy với Trung tình cờ gặp vợ chồng Lâm - Quy. Khi trở về, Thúy phàn nàn: "Đấy, anh Hòa xem, ai đời chúng nó bỏ học giữa chừng rồi lấy nhau đẻ hai đứa con. Giờ cả hai vợ chồng nó kiếm việc khắp nơi để trang trải cuộc sống. Đi bầu cử có mấy phút mà nó cứ bảo bác là chỗ người nhà, bác lơ đi cho em. Em điên quá mắng cho một trận”. Hòa cười rồi từ tốn bảo Thúy:
- Cô cứ bình tĩnh. Bà con ta suy nghĩ đơn giản, chưa hiểu hết trách nhiệm và lợi ích của cuộc bầu cử, ngay cả đến anh em họ hàng của mình cũng vậy thôi chứ nói đâu xa. Nếu họ hiểu được đây là đợt sinh hoạt dân chủ sâu rộng, là cơ hội để họ lựa chọn được người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của người dân trên cả nước thì mình tin họ sẽ suy nghĩ khác đấy. 

Sáng nay là Chủ nhật nhưng Hòa và mấy anh em dậy rất sớm. Họ ăn mặc như mấy người đi rừng, nhiều người đi ngược chiều cũng khó nhận ra. "Đang lúc nước sôi lửa bỏng, rủ nhau đi rừng làm gì không biết?” - Trung vừa đi vừa lẩm bẩm, chuyến này mà không tuyên truyền, vận động được hết bà con tham gia bầu cử thì coi như nhiệm vụ quan trọng chưa hoàn thành. Vừa mới năm ngoái, trong đại hội Đảng, các chỉ tiêu phấn đấu được đề ra, các nhiệm vụ chính trị đã rõ, lớp cán bộ trẻ vừa gánh vác trách nhiệm như Trung thấy rất lo lắng. 

Đang ngồi nghỉ dưới bóng cây, ông Khiêm nhìn đồi ngô đến kỳ cho thu hoạch mà buồn chán. Đất bao năm bạc màu vì bị mưa lũ rửa trôi, không trồng ngô thì chẳng biết trồng gì. Giữa lúc ấy, ông nhìn thấy Hòa và Trung đi qua:
- Uầy, các cán bộ đi đâu mà lặn lội vào tận đây thế?
- Bác Khiêm đấy à? Ngày nghỉ chúng cháu mới có thời gian đi thăm đồi rừng của bà con ta. Đồi nhà bác đây đúng không? Bác có gì cho chúng cháu làm cùng với nào?
- Ôi, ai dám nhờ cán bộ làm. Mà cán bộ chỉ ngồi bàn giấy không quen cầm con dao, cái cuốc đâu.
- Bác ơi, không phải như bác nghĩ đâu - Hòa ôn tồn: Chúng cháu cũng là con em Nhân dân mà ra, giờ tuy ăn lương công chức cấp xã nhưng vẫn tăng gia sản xuất đó bác. Thậm chí đó còn là nguồn thu chính của gia đình.
- Thật sao cán bộ? Nhưng mà ở đây đất bạc màu, quanh năm chăm sóc mà bắp ngô còi cọc, bỏ công, bỏ sức, bỏ vốn ra nhiều mà thu về đáng là bao đâu.
- Thực ra ở chỗ cháu đất cũng không tốt nhưng bà con đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng từ cây ngô sang các loại cây lâu năm như: Mỡ, lát, xoan hương, bồ đề, keo… cho hiệu quả kinh tế cao mà lại không vất vả như trồng cây ngắn ngày bác à?
- Thế mà sao đến giờ tôi mới biết nhỉ? 
- Thì tìm gặp bác có dễ đâu, gặp được rồi chúng cháu nói bác có nghe đâu. Bác và mọi người cứ quen làm theo cách cũ. Đất của mình thì mình phải giữ, trồng trọt, chăn nuôi vẫn là cội rễ nhưng làm thế nào để đạt hiệu quả thì phải tiếp thu, học hỏi cái mới. Hôm nào mời bác ra nhà uống rượu với bố cháu để tham khảo luôn cách làm bác nhé. Bà con ở các huyện quanh ta… và nhiều nơi đã thoát nghèo nhờ cách làm ấy đó bác.
- Tốt quá, nhưng mà không phải các cán bộ lên đây để vận động đi bỏ tờ giấy vào cái hòm kín đấy chứ?
- Bác thấy không, ở mỗi vùng, mỗi miền có núi đồi, sông, suối, cái nắng, cái gió khác nhau. Người làm nông là hiểu rõ nhất cái dễ, cái khó ấy. Gặp vấn đề gì khó khăn, mình cần có những đề xuất, kiến nghị để chính quyền tháo gỡ, nên cần phải có những người đại diện cho mình, nói lên nguyện vọng của người dân. 
- Ôi dào, đại biểu Quốc hội họ ở tận đâu ấy mình có biết đâu? Mà chắc họ cũng đâu đã biết mình.
- Bác ơi, đại biểu Quốc hội tuy không ở ngay xóm, xã này nhưng các anh, các chị ấy vẫn về với dân, lắng nghe dân. Còn đại biểu HĐND các cấp thì đâu có xa lạ, nhiều người chính là anh em, con cháu của bác cả. Khi có người đại biểu cùng ở trong làng với mình, cùng đi nương với mình thì mình là người hiểu họ, mình đi bầu là đúng rồi phải không bác?
- À, tôi nhớ láng máng, thế có phải cái ngày mà cả nước đi bầu từ dạo bà con theo Cụ Hồ giành chính quyền đó không? Tôi từng nghe ông cụ sinh ra tôi kể cho nghe như thế, ông bố tôi từng tham gia cướp chính quyền ngày xưa mà.
Trung ngồi xuống, bật lửa châm điếu thuốc cho ông Khiêm:
- Bác nghĩ mà xem, có giặc thì cả nước cùng đánh, không có sức mạnh toàn dân sao cuộc kháng chiến có thể thắng lợi được. Giờ muốn xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, văn minh… cũng phải cần chung sức. Lá phiếu cũng chính là sự đóng góp của bác vào sự thắng lợi ấy.
Không khí ngày bầu cử diễn ra nghiêm túc và trật tự. Mọi người đều có ý thức phòng dịch. Nhìn thấy một đôi bạn trẻ vừa đi qua, Hòa gọi giật lại:
- Ấy, có phải vợ chồng Lâm - Quy đấy không? Chúng mày đeo khẩu trang nên mãi mới nhận ra. Đi bầu sớm thế?
- Dạ cháu chào chú, à chào anh. Đi sớm để còn đi nương ạ.
- Tưởng hai đứa nhờ chị Thúy bỏ phiếu hộ?
- Ấy chết, anh cứ đùa, cái khác thì nhờ, cái này thì tự em làm chứ. Đến vợ em còn không biết em bầu cho ai trong danh sách này cơ mà. 5 năm mới có một lần không làm tử tế anh em nó cười cho anh nhỉ.
Hòa giơ tay đập nhẹ vào vai Lâm. Thằng này khá, dạo gần đây thấy nó có hai con bê mới mua, với suy nghĩ này rồi cuộc sống của nó cùng mọi người dân sẽ khấm khá lên. Anh đưa mắt nhìn khắp vùng quê, nhìn những khuôn mặt rạng ngời của những người đi bầu cử dưới nắng vàng và trời xanh quê hương mà thấy lòng phơi phới.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Tiếng sáo

(HBĐT) - Chớm hè, gió nam thổi những làn gió mát từ phía bờ sông, dạt về tận xóm Tháy. Tiếng xào xạc của bẹ cau khiến chị Sánh không ngủ nổi. Cũng có thể bởi trong gió thoảng có tiếng sáo dìu dặt. Bài "Ru con”… rồi bài "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”. Trời ạ, còn tiếng sáo của ai nữa.

Tháng Tư về!

(HBĐT) - Nắng nhẹ, mây trắng nhẹ nhàng, không gian ngập tràn sắc hoa, lòng ngập tràn cảm xúc… ấy là tháng Tư. Khoảnh khắc giao mùa xuân - hạ làm cho ta mơ, ta say và trôi về miền ký ức của tuổi thơ êm đềm, trong trẻo.

Mùa hoa ban nở

(HBĐT) - Việt đã đi khỏi thành phố này từ khá lâu rồi. Gọi một phin cà phê rang xay, mặc kệ giọt đặc sánh đếm thời gian, anh ngồi ngắm sang bờ bên kia. Ngày xưa, hạ về, nước con sông bỗng đục ngầu, củi đen ngòm. Phía trên kia nơi cửa xả lũ của con đập, bọt tung trắng xóa. Giờ đang là cuối xuân, nước xanh trong yên bình. Dòng sông như một người con gái sau bao xa cách giờ gặp lại bình thản và trầm tư…

Hoa gạo tháng Ba

(HBĐT) - "Cây gạo đỏ hoa bên vệ đường làng/ Tiễn con về nhà chồng một ngày áo thắm". Tháng Ba, mạ đã bén hơi đồng đất, như người con gái đã về nhà chồng, chỉ đợi cơn mưa đầu mùa lên để mướt xanh, yên lòng đôi mắt mế trong Mường đã đục màu sương khói.

Hoa ngũ sắc

(HBĐT) - Xuân ơi nhà có khách! - Dạ vâng! Con xuống ngay đây mẹ! Lia nốt những giọt nước cuối cùng trong bình tưới cho khóm hoa ngũ sắc, Xuân bước lẹ về phía trái nhà rửa tay, chỉnh trang lại trang phục và chuẩn bị sẵn nụ cười tươi để đón khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục