Truyện ngắn của Bùi Huy 

Tiếng chuông cửa vang lên dè dặt. Nhà có khách ư? Anh vội xuống tầng. Cửa mở. Hiện lên giữa khung cửa là luồng ánh sáng mùa hè chói chang và một cậu bé tầm 15 tuổi, khuôn mặt đen nhẻm, tóc dài xoăn tít. Cậu lập bập:

- Chú Tiến… cháu là…

Không nói thêm nữa, cậu bé dúi vào tay anh 2 chai mật ong rừng, cùng 2 cuốn sách cũ "Hai vạn dặm dưới biển”, "Đất rừng Cà Mau”… Anh thốt lên:

- Ôi… cháu … cu Hoẵng… Cháu vừa xuống xe à, bố khỏe không?

Giọng anh run run với nỗi xúc động chân thành không nói nên lời. Cậu bé phân trần:

- Nghỉ hè… nên bố bảo cháu xuống tìm chú, xem chú thế nào và gửi chú chút sản phẩm "cây nhà lá vườn”… Cháu mang xuống cho em con sáo chân đỏ mỏ vàng… Bố cháu mời chú lên thăm nhà, thăm rừng ạ…

Ừ, mới đấy mà đã 5 năm rồi… Anh là cán bộ thuộc một viện nghiên cứu về rừng. Năm ấy, sau những biến cố của cuộc sống gia đình, anh và 3 đồng nghiệp đi điền dã, nghiên cứu về rừng ở huyện P. Nhóm lên được 2 hôm thì về. Còn anh ở lại tầm nửa tháng. Một phần công việc chưa đâu vào đâu, một phần chưa muốn trở lại ngôi nhà cũ - nơi cuộc sống gia đình anh rạn nứt. Cô ấy đã rời bỏ cuộc sống đơn giản, khó khăn của anh để mong đến bến bờ mới cùng thằng bé mới 5 tuổi. Anh chả oán trách gì cả, chỉ chút buồn cho bản thân. Nếu công việc và thu nhập của anh khấm khá hơn, có lẽ cô ấy sẽ không phải lo lắng chuyện "cơm áo gạo tiền”, cô ấy sẽ không bỏ đi… Cô ấy sẽ… Chỉ thương thằng bé. Nó quấn bố lắm nhưng cũng không thể rời xa mẹ. Phân chia tài sản, anh chỉ nhận phần khiêm tốn, vì cô ấy còn nuôi con. Suốt chuyến xe ngược núi hôm ấy, đôi mắt ướt rượt của thằng bé cứ ám ảnh anh khôn nguôi. Chắc chắn anh vẫn phải đồng hành cùng nó suốt cuộc đời còn lại. Khi chia tay, anh chỉ có một đề nghị: Hãy cho anh thỉnh thoảng được thăm và chăm sóc thằng bé. Cô ấy đã gật đầu, vì thấy anh quá thoáng trong việc phân chia tài sản…

Lên rừng, khi tìm hiểu về một loài cây cần nhân rộng ở các trang trại nghiên cứu, anh đã gặp ngôi nhà 2 bố con họ ở bìa rừng. Anh đến khi hoàng hôn đang dần buông xuống khu rừng, yên tĩnh đến kỳ lạ, lại trong tình huống bị cảm sốt, tay chân run lẩy bẩy. Bố cậu bé đang đẽo gọt, đan lát một vài vật dụng của người gần rừng, ven suối, dù chưa biết anh là ai vẫn dìu anh vào nhà và chạy vội ra rừng. Dựa lưng vào thành giường để thở, anh nhìn xung quanh và bất ngờ vì trong ngôi nhà vắng vẻ có khá nhiều vật dụng của người miền rừng: Cung nỏ, bao dao được tỉa tót những họa tiết đẹp bắt mắt. Rồi còn rất nhiều nhạc cụ như đàn bầu, nhị, sáo ôi… treo, giắt khắp nhà. Chủ nhà chắc gần 50 tuổi, khá kiệm lời, lặng lẽ nhưng ánh mắt ấm áp, thân thiện, nước da đỏ au, khỏe khoắn. Ông bảo:

- Chú uống bát nước lá thuốc này và nằm nghỉ chút đi. Tôi đun nồi cháo…

Rồi khi thấy anh nói về công việc, chủ nhà dứt khoát:

- Chú cứ ở đây với bố con tôi mà nghiên cứu. Cần gì thì tôi giúp… Rừng ở đây trong lòng bàn tay tôi.

Gần trưa thì cậu bé đi học về. Bố nó gọi là cu Hoẵng, nhưng tên khai sinh là Đức. Ngoan và lễ phép. Nó học ngoài xóm. Một mình đi mấy cây số đường rừng mà nó chả sợ hãi gì. Có lẽ khung cảnh rừng núi nơi đây cũng nhào nặn con người có ý chí. Nghe kể cũng hoàn cảnh: Mẹ bị mất trong trận lũ cuốn cách đây vài năm. Cả ngôi nhà chìm lấp trong bùn lũ. Thế nào mà hôm ấy, 2 bố con về thăm ông nội ốm trên núi cao nên thoát. Tìm mãi tận cuối nguồn cũng không có tăm tích gì, không muốn làm lại ở chỗ đó nữa, 2 bố con rời lên đây. Cũng trồng cây ăn quả, làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng… May hợp thông thổ nên cuộc sống cũng tạm ổn. Tuần 1 lần 2 bố con xuống chợ mua nhu yếu phẩm. Cậu bé ấy khá thông minh và ham hiểu biết. Nó cũng dễ làm quen với người lạ. Mỗi lần cùng đi vào rừng hay ra bờ suối, nó đặt ra muôn vàn câu hỏi. Nhiều câu nó hỏi cũng bí. Có thể nó chịu khó nghe đài và xem ti vi, riêng sách có vẻ ít. Cũng vì thế, anh bảo về dưới ấy anh sẽ gửi sách báo lên cho mà đọc, mà học. Chứ cứ quanh quẩn rừng rú thế này khéo thành "lâm tặc”. Nó cười khùng khục: "Bố cháu trước đây hay kiếm sống từ rừng đấy, nhưng nay giải nghệ rồi… Bố cháu bảo không nên ăn ở bạc với rừng”. Nhưng rồi nó im bặt, buồn bã nhìn xuôi dòng nước đang ào ạt chảy: "Nếu cháu gửi lời ước nguyện qua con thuyền giấy xuôi dòng, liệu mẹ cháu có nhận được không?”. Lời ước nguyện gì, anh hỏi lại, nó khẽ khàng: "Là mẹ ở đâu để 2 bố con đến đón về”. Anh siết chặt đôi vai cậu bé và thầm thì: "Chắc mẹ cháu sẽ biết đến lời cầu nguyện của cháu”… Một điều gì đó rất thiêng liêng ùa về trong anh, chắc chắn anh còn phải gặp lại cậu bé này, cũng như anh không bao giờ xa rời đứa con yêu dấu của mình…

Đêm anh chuẩn bị xuống núi, bố con anh ấy thịt con gà chạy bộ rõ ngon, nấu măng chua, hạt dổi cùng chén rượu ngâm chuối rừng thơm lừng. Sau đó là tiếng sáo ôi vang lên như lời tâm tình của con người với thiên nhiên, với núi rừng. Trước khi chia tay, anh tặng cậu bé cây bút bi rất đẹp mà anh mua trong một chuyến du lịch nước ngoài… Họ tiễn anh ra tận ngoài bìa rừng. Cuộc sống an nhiên và luôn hy vọng, tin yêu của họ khiến anh cảm kích…

Về thành phố, mấy tháng đầu, anh gửi sách đều đặn cho thằng bé, đôi khi cả cuốn từ điển tiếng Anh và mấy cuốn sách tham khảo nữa. Dịp sinh nhật nó, anh gửi tặng chiếc áo phông in hình Pi-ca-chu, chắc thích… Nhưng rồi cuộc sống, công việc, gia đình cứ khiến những ký ức đẹp về miền rừng đó mờ dần, mờ dần. Dẫu có lúc, bụng bảo dạ nên trở lại cánh rừng ấy, để được nghe tiếng chim hót mỗi ban mai, được nhìn ánh hoàng hôn tắt dần sau dãy núi xa xa, được nghe tiếng rừng mỗi đêm về, được gặp 2 bố con họ… Những lúc ấy, khi tiếng sáo cất lên, con người như được thanh lọc thêm 1 lần nữa. Nhưng nhịp sống vô tình đã cuốn đi tất cả. Một năm… 2 năm và nay đã là 5 năm. Lỗi do vô tình hay do điều kiện, hoàn cảnh? Thôi dẫu sao, cậu bé Hoẵng năm nào đã đến đây rồi. Như là lời nhắc nhở, như dấu gạch nối với những gì đã trải qua với hôm nay và ngày mai. Năm nay, cậu bé đã sắp vào THPT rồi… Bất giác, anh chợt nhớ đến con trai, giờ 2 mẹ con vẫn sống cùng trong thành phố này. Tháng trước, mẹ nó đã dẫn thằng bé về chúc mừng sinh nhật anh. Ngày mai, anh và cu Hoẵng sẽ mang lồng chim sáo đến cho nó.


Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục