(HBĐT) - Sau chừng 20 năm, kể từ khi cây cầu đầu tiên được bắc qua sông Đà, TP Hòa Bình hôm nay đã được mở rộng hơn. Có cây cầu đã đủ cũ xưa để gắn với ký ức của một lớp người 20 tuổi. Có cây cầu còn mới nước sơn, nối hai bờ trong mối lương duyên chưa khỏi ngỡ ngàng. Và, cả cây câu đang được gấp rút hoàn thành để rút ngắn quãng đường cho cư dân thành phố.

Tôi còn nhớ, khi công trình thủy điện Hòa Bình được khánh thành, để lại một dư âm sâu lắng trong lòng những người dân thị xã Hòa Bình khi ấy. Những đêm trăng rộn ràng tiếng máy ca 3, những thanh niên ôm đàn vui hát, tiếng xe đạp lạch cạch của ai đó vội qua chiếc cầu phao bắc qua sông đêm giao thừa để kịp về nhà đón Tết… 
Cây câu đầu tiên được bắc qua sông Đà nối bờ bên này là phường Phương Lâm với bao câu chuyện xưa và phường Tân Thịnh - nơi từng là đại bản doanh của Tổng Công ty xây dựng Sông Đà. Đó không chỉ là cây cầu bê tông vững chắc, khỏe khoắn nối hai bờ để người dân không còn phải đi xe máy, xe đạp qua cầu phao, để những chiếc xe ô tô không phải đi vòng qua đập thủy điện Hòa Bình. Cây cầu đã nối hai miền ký ức...
Phương Lâm là một địa danh đã được nhiều người biết đến từ rất lâu. Trong ký ức của những bậc cao niên, đó là nơi có phố chợ sầm uất. Tôi không may mắn được sinh ra ở thị xã ven sông này, nhưng được nghe người già kể về những tên phố, tên cửa hàng gắn với những con người đã tạo ra giá trị văn hóa, đã góp công sức vào công cuộc cách mạng nên thấy thật quý giá. Tôi có cảm giác, chợ và phố ngày đó, với những hàng cây cổ thụ như một Hà Nội thu nhỏ ở nơi đây, lời ăn tiếng nói của cư dân cũng nhỏ nhẹ, khiêm nhường. Mong rằng sau này, các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ để tâm thu thập các tư liệu lịch sử, văn hóa để tái hiện được một ký ức thị xã Hòa Bình xưa vừa yên bình, lặng lẽ trong cuộc sống, vừa anh dũng, kiên cường trong kháng chiến thì quý giá biết mấy…
Bên này sông, mỗi ngày mặt trời mọc lên từ ngổn ngang bê tông cốt thép, trên những bờ vai áo đẫm mồ hôi của những làng công nhân. Khúc quèn với phù sa tươi tốt xưa      kia có làng Vĩnh Điều sung túc, có địa danh  Hòa Bình được đặt cho tỉnh lỵ với một khát vọng yên ấm. Những khu dân cư còn mang hơi thở công trường như "dân dụng”, "thủy công”, "công nghiệp II”, "lắp máy”… ít thấy ở đâu có tên lạ thế mà cũng ấm áp thế. Khi cuộc sống bước sang một trang mới, có những doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh phát triển, nhưng người ta vẫn lưu luyến với cách định danh xưa.
Bên này sông là núi Đúng bên sông Đà, gợi biểu tượng song hành hồn thiêng sông núi trong câu chuyện thần thoại về Ông Đùng - Bà Đà. Cũng chính ở mảnh đất này, lại có thêm một kỳ tích mới về thủy điện, nơi sông, núi cùng con người làm nên dòng điện sáng. Ở phía xa trên kia là hồ thủy điện Hòa Bình với 9 tỷ m3 nước lấp lánh được tô điểm bởi những đỉnh núi, cũng là những hòn đảo xanh kỳ thú hấp dẫn du khách thăm quan.
Cây cầu đâu chỉ cần hai bến bờ, hai mố cầu, cây cầu còn cần cả điểm tựa là những vùng văn hóa để gắn kết, tạo nên một thành phố vừa rộng lớn vừa đa tầng văn hóa, thành phố có dòng sông thơ mộng tạo thành điểm nhấn. Từ đó, những cây cầu bắc qua dưới nắng đã không chỉ còn là công trình phục vụ giao thông đơn thuần, mà mang giá trị về mặt kiến trúc với hiệu ứng thẩm mỹ. Khi nhìn từ các chung cư cao tầng và ngắm hình ảnh từ flycam chụp xuống mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của nó.
Cây câu bắc qua dòng sông trong màn sương mùa thu tựa như đang đón ban mai về thành phố. Dẫu là mùa nào, những buổi sáng trên cầu cũng tấp nập xe cộ. Khi đi qua cây cầu thứ nhất, thứ 3 (cầu Hòa Bình 3), người ta không quên liếc nhìn một cây cầu nằm giữa hai hướng đi ấy đang được những người thợ ngày đêm miệt mài gấp rút thi công để nối từng nhịp. Nếu như cầu Hòa Bình 3 ra đời  (khi huyện Kỳ Sơn được sáp nhập vào TP Hòa Bình trở thành phường Kỳ Sơn) để đáp ứng nhu cầu gắn kết các khu vực hành chính và dân cư mới của thành phố, thì cầu Hòa Bình 2 lại có vai trò nối giữa trung tâm hành chính phía bờ trái sông Đà với các trung tâm thương mại và đô thị mới của các phường Đồng Tiến, Quỳnh Lâm.
Tháng 7/2021, cầu Hòa Bình 2 được hợp long. Đây là công trình có tổng mức đầu tư 590,81 tỷ đồng, khởi công vào cuối năm 2019, có chiều dài 780 m, được thiết kế kiến trúc tháp và chiếu sáng với 2 trụ tháp kiến trúc tại các trục chính cao 19 m… Cây cầu sẽ đón luồng phương tiện giao thông từ trục đường Hoàng Văn Thụ sang phường Đồng Tiến, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và giảm tải, tránh ùn tắc trong những giờ cao điểm.
3 cây cầu bắc qua dòng sông với sứ mệnh, với những nhiệm vụ khác nhau sẽ được những người già còn nhắc đến cho con cháu mai sau. Sự kết nối đâu chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu khi sử dụng phương tiện giao thông và thời gian, mà còn giúp từng người dân ở các khu vực dân cư gắn kết, thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn. Hạ tầng giao thông là yếu tố tiên  quyết giúp phát triển KT-XH, là điều kiện bắt buộc để triển khai các kế hoạch, dự án của nhiều lĩnh vực. Những em bé mai sau lớn lên, có thể đến trường nhanh hơn rồi trở thành cán bộ, nhân viên ở các công sở, doanh nghiệp… họ chính là những người sẽ được tận hưởng thành quả của tầm nhìn quy hoạch hôm nay và mang sứ mệnh xây dựng một thành phố hiện đại, năng động hơn cho mai sau. Biết đâu, đến một lúc nào đó, cảm nhận được ý nghĩa đó, họ sẽ tìm về ký ức để biết được những nỗ lực của thế hệ cha anh mình nhằm tạo dựng nền tảng ấy.
Thành phố ở địa phương nào dường như cũng bắt đầu từ những thị xã khiêm nhường nhỏ bé, rồi khi đã hội đủ các yếu tố sẽ phát huy được nội lực vốn có. Hôm nay, những cây cầu sẽ đón ban mai vào thành phố, mang theo luồng gió mới, sinh khí mới, niềm tin mới cho từng con người. Cây cầu nối quá khứ với hiện tại và dẫn lối đến tương lai, những cây cầu hiện hữu vững vàng và mai sau sẽ còn lấp lánh trong sắc màu ký ức…

Ghi chép của Bùi Việt Phương

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục