(HBĐT) - Cúc cu, cúc cu, cúc cu…! Chuông báo thức kéo đến hồi thứ 3 thì Ngư với điện thoại vê ngón tay cái gạt sang nút dừng. Thực ra Ngư đã tỉnh dậy từ lâu, chẳng qua muốn nằm ườn đôi chút để lắng nghe âm thanh của núi rừng, những giọt sương mai thánh thót ngoài khung cửa sổ mà đêm qua Ngư đã cố ý mở toang hết cỡ.

Bước ra sân Ngư hít căng lồng ngực, vươn vai thực hiện mấy động tác khởi động rồi chạy bốn vòng quanh sân trường. Khi thấy đôi bắp chân đã mỏi, mồ hôi chảy thành giọt hai bên thái dương, thấm ướt chiếc áo cotton 3 lỗ Ngư dừng lại. Khởi động cổ tay, cổ chân, xoay khuỷu tay, đầu gối, hông, cổ… cho dẻo, Ngư vớ chiếc giỏ đựng cá rồi rảo bước về phía triền sông. Mới hơn 5h nên mặt sông còn vắng lặng, chỉ có dòng nước xanh màu ngọc bích vẫn lững lờ trôi. Anh ngoắc tạm giỏ cá vào một cái cọc tre rồi nhoài người ra sông ngụp lặn như một con rái cá. Một vòng, hai vòng Ngư sải tay gạt nước lao nhanh về điểm xuất phát. Tiếp bờ anh vừa bước vừa đưa tay vuốt mặt, lắc lắc cái đầu để những hạt nước không đọng lại ở khóe mắt, đoạn quày quả cầm chiếc giỏ lên thuyền, lẹ làng buông mái chèo đi gỡ cá. Nhìn những chú cá mắc lưới nhảy tanh tách trong lòng thuyền mà long anh vui: Ngày mai lũ trẻ tựu trường rồi. Bữa cơm đầu tiên của năm học mới nhất định phải có nồi cá ngon để chúng thưởng thức. Với tâm trạng lâng lâng đó tay gỡ cá, miệng anh huýt sáo theo nhịp điệu bài hát...

Thấm thoắt đã 7 năm kể từ ngày anh về nhận công tác ở ngôi trường này. Con người, cảnh vật, đường sá, trường lớp đã đổi thay nhiều. Cả anh cũng vậy, không còn là chàng sinh viên mới tốt nghiệp ra trường hăm hở đi chinh phục ước mơ thắp sáng núi rừng. Giờ ngoài bố mẹ anh có thêm vợ con ngày đêm ngóng chờ. Nhưng có một điều không hề thay đổi đó là tình yêu, sự nhiệt thành của anh dành cho công việc, cho những cô cậu học trò hồn nhiên, trong trẻo ở ngôi trường này. 

- Hu… hú...u...! Thầy Ngư lên rồi đó à?
Nghe tiếng hú và giọng nói quen quen Ngư bất giác quay lại giọng vồ vập: Bố Thiên! Bố dậy sớm vậy ạ. Con lên từ chiều qua. Bố, mế có khỏe không? Con bắt tí cá mai cho bọn trẻ ăn đã. Tối con qua thăm bố mế…!

- Ừ! Có hũ măng chua, mang mớ cá sang nấu nhé!
Dạ! Anh rướn người giơ tay chào già Thiên rồi khua mái chèo đẩy thuyền ra xa tiếp tục công việc và những dòng hồi tưởng về mùa thu, mùa khai trường với nhiều cung bậc cảm xúc.

Tính sơ sơ tới giờ anh đã có mặt trong khoảng 20 buổi lễ khai giảng năm học mới ở cả 2 cương vị là học trò và là thầy giáo. Mùa nào cũng có những ấn tượng riêng, nhưng nhớ nhất là mùa khai giảng năm ấy - khi anh mới 12 và đang học lớp 7.

Sáng, tiết trời có chút âm u, thảng hoặc có cơn gió quét qua giật tung những chiếc lá vàng trên cây bay lả tả. Bọn trẻ, trong đó có Ngư vẫn hăm hở đến trường. Giữa giờ khai giảng trời nổi cơn dông tối sầm, cơn mưa lớn cũng dội về trong tích tắc. Đúng ra khai giảng xong lớp nào sẽ về lớp ấy để bắt đầu bài học đầu tiên. Nhưng vì mưa to quá, gió thổi phần phật làm tốc cả mái tranh, bật mất mấy mảng tường đất của lớp học nên thầy trò cứ dúm vào nhau lo lánh nạn trước. Quãng gần 12h, mưa ngớt, gió êm, bầu trời chuyển màu bàng bạc, mai mái, thầy trò cùng nhau ra về. Đường về nhà Ngư phải qua con suối Dúng. Sáng đi con suối còn trong vắt trơ những hòn cuội nhỏ, bọn trẻ chỉ cần xắn ống quần qua bắp chân là có thể lội qua. Giờ chắc cơn mưa ở thượng nguồn khá lớn nên nước dâng đục ngầu. Mấy đứa trẻ bảo nhau cởi quần áo dài cất vào cặp sách rồi níu tay nhau cùng vượt suối về nhà. Chỉ còn vài ba bước chân nữa tới bờ thì một cơn lũ khác ập đến. Một cành cây lập lờ trôi đến phang thẳng vào mạng sườn của Lâm, cậu bạn nhỏ con nhất hội. Mất đà, chới với Lâm kéo theo cả lũ bạn ra giữa dòng ngụp lặn cùng dòng lũ. May thay mấy bác đi làm đồng về qua đã kịp cứu 4 đứa trẻ lên bờ. Người an toàn nhưng quần áo, sách vở trôi sạch. Năm ấy, bố mẹ Ngư phải đi xin mãi mới đủ bộ sách cũ cho Ngư học, còn quần áo đành phải mặc lại hai cái quần vải xanh chéo đã ngắn cũn, chật ních và hai cái áo, một đã ngả màu cháo lòng, một lấm tấm vết mực lem.

Ngư lớn lên trong không gian chật hẹp của xóm nghèo và cuộc sống khốn khó của mẹ cha. Bởi vậy ước mơ của cậu trò nhỏ cũng giản đơn: Lớn lên trở thành thầy giáo làng!

Ngoài 20 tuổi Ngư đã thực hiện được ước mơ đó và săng sái nhận nhiệm vụ lên dạy chữ ở xã vùng cao heo hút bên triền sông Giang Túc này. Ngày thầy, Ngư đến trường, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, không có chỗ ăn, chỗ nghỉ cho giáo viên nên Ngư được gửi đến ở nhờ nhà già Thiên. Sau này, trường được nâng cấp thành trường bán trú, người dân góp công sức, tranh tre, nứa lá dựng lên những căn lán tạm để cả thầy và trò cùng ăn ở, sinh hoạt. Cùng ăn, cùng ở với học trò, hàng ngày chứng kiến những bữa cơm với ít lạc, cá khô, bát canh rau, măng rừng thầy trào nước mắt. Một buổi họp công đoàn, thầy rụt rè đưa ra ý tưởng: Các thầy cô cùng chụm đầu hiến kế để bắt con cá sông về cải thiện bữa ăn của học trò. Hai, ba rồi 5 thầy cô cùng suy nghĩ tìm ra cách thả lưới, đặt vó bên bờ sông để bắt cá. Từ ấy thành thói quen: Ngày lên lớp giảng bài, đêm các thầy xuống sông giăng lưới, đặt vó, sáng sớm tinh sương thức dậy bắt cá để có nguồn thực phẩm tươi sống, cải thiện bữa ăn cho cả thầy và trò. Từ đó, khúc sông uốn lượn ven trường được gọi tên "bến cá thầy Ngư”.

Đã thành nếp, thành thói quen nên nhớ lắm. Còn mấy ngày nữa mới khai giảng năm học mới nhưng thầy Ngư đã sớm quay trở lại trường. Công việc đầu tiên mà thầy chọn làm là đầm mình bên khúc sông phẳng lặng, thư giãn và đánh bắt mẻ cá tươi ngon để mời các cô cậu học trò. Ngày mai chúng sẽ tựu trường để dọn dẹp sân trường, lớp học và chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới. Nghĩ đến những ánh mắt trong veo, nụ cười hớn hở của các cô, cậu trò nhỏ trong bữa ăn, giờ học, giờ chơi, trong trái tim người thầy lâng lâng một niềm hạnh phúc! 

Các tin khác


Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Anh vẫn hành quân

Cứ dịp tháng 12, khi về quê lại được nghe chú họ thổi sáo bài "Anh vẫn hành quân”(nhạc Huy Du, lời thơ Trần Hữu Thung). Chú không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp, tuổi cũng không còn trẻ nhưng tiếng sáo rất khí thế như có hồn, bay bổng và vi vút đến không ngờ. Lúc mạnh mẽ trào dâng như đoàn quân băng băng về phía trước, lúc lại nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình như câu hát, tiếng sáo hay câu ca dao mộc mạc bay lượn trên những cánh đồng, vạt ngô xanh nơi đồng bãi quê nhà… "Anh vẫn hành quân/ Trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước/ Trăng non ló đỉnh rừng/ Anh vẫn hành quân/ Lưng đèo qua bãi suối/ Súng ngang đầu anh gối/ Anh qua khắp tuyến đường…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục