(HBĐT) - Hồi mới chớm thu, gió thổi vờn nhẹ hơn trên những tầng lá biếc khu vườn bên đồi. Nhưng mấy đêm nay, gió cứ ào ạt thổi mãi không thôi. Tàu lá chuối khô sau nhà cứ ràn rạt âm thanh, rồi những bẹ cau không cầm cự nổi rơi bay chấp chới. Lũ trẻ nhà bên sang xin để lấy làm đồ kéo nhau trên đường. Trước thì chả cho đâu, còn làm quạt, làm mo nắm cơm đi nương, đi rừng. Giờ không ai dùng, đi đâu cũng có cạp lồng rồi. Nước uống cũng chẳng dùng ống bương đựng như xưa, chai nhựa nước khoáng đầy ngoài đại lý. Bọn trẻ bây giờ sướng thật, cái gì cũng tiện dụng.

Hôm nay, bà bảo cái Lê đưa sang thăm vườn nhà. Từ nhà sang đó tầm 500 m thôi, nhưng nửa năm nay, bà Miến mới lẫm chẫm sang. Cũng có lý do của nó đấy. Chẳng là, bố cái Lê muốn nhượng lại nửa mảnh vườn cho người ngoài thị trấn làm trang trại, mở mang phát triển du lịch gì đó… Vị trí đó cũng độc đáo thật, dựa lưng vào đồi lim cổ thụ, trước mặt là dòng sông, mé trái có dòng thác đẹp như dải lụa mềm. Bố cái Lê bán nửa mảnh vườn để định hùn vốn làm ăn với ai đó. Mà bán mảnh của ai? Của nó hay của thằng Út?

Nhưng mà mảnh vườn lại là ký ức không quên. Cứ nhìn sang vườn, đến thăm vườn là nhớ đến ông nhà… Ông đã vội bỏ bà lại cách đây 15 năm rồi. Ngày đó, sau buổi chiều đi thăm vườn, trồng dãy chuối tiêu sát bờ rào hàng xóm, ông kêu mệt. Ngày còn sức, bữa nào ông cũng uống được đôi chén rượu thuốc, mấy hôm gần đây chỉ làm lưng cơm rồi nằm. Tay nắm tay, ông bảo: "Thằng Út không biết có ra không nhỉ. Nó về đây sinh sống thì có anh có em vẫn hơn… Mảnh vườn kia tôi để lại cho bà và 2 anh em nó đấy nhé. Sau này, hoa trái sinh lời, dành dưỡng già, chả phiền lụy con cháu”. Bà truyền đạt lại ý kiến của ông trong đám giỗ đầu của ông. Bố cái Lê chả rơm rớm nước mắt: Chú Út trở về thì chú cũng có phần chứ. Vậy mà nay lại bảo bán nửa mảnh vườn. Nửa nào cơ chứ? Mẹ cái Lê sang sảng: "Chú Út rời quê 20 năm rồi. Giờ có vợ con đàng hoàng trong đó, chắc gì đã về?”. Tiếng bố cái Lê yếu ớt: "Đợt trước, vợ chồng chú chả bảo trong đó giờ làm ăn khó khăn còn gì. Không gì bằng quê hương bản quán, khó khăn cùng chia sẻ. Chứ qua cái thời thích phiêu lãng, lông bông… có khi giờ mới đứng số”. Vẫn tiếng mẹ cái Lê: "Ôi giời… đâu chả quê hương đất nước. Khu vườn đó không nhỏ đâu. Ông nhớ cho chuyện đó. Tiền tỷ… tiền tỷ”. Lạ nhỉ, hồi ông bà khai khẩn khu đất đó chị ấy còn chưa về làm dâu, thế mà giờ nói chuyện lại cứ như đúng rồi. Đâu có cái thói thích át chồng thế nhỉ. Thời ông bà, nói cái gì cũng phải lựa nhau, chứ không phải cứ thích phán là oang oang đâu. Bà nghĩ thế thôi chứ chả buồn nói ra. Chuyện thằng Út bỏ đi Nam làm ăn cũng chỉ là phút bốc đồng của tuổi trẻ. Bạn rủ rê, thế là đi cho mở mày, mở mặt với đời, chứ suốt ngày mở mắt là thấy núi, thấy đồi. Bí bách lắm. Ngày con đi ông cười: Con chẳng học hành đến nơi đến chốn, nghề không có, cố gắng mà học trường đời cho giỏi. Lúc nào về thì về. Nhà đây là của anh cả rồi, nhưng đất đai vẫn dành cho con đấy…”. Nói thế thôi nhưng bà biết, nhiều đêm ông nằm, mắt trân trân nhìn lên trần nhà, loang loáng nước… Khu vườn này trước chỉ là khu đồi cỏ tranh, cây dại mọc ngút ngàn. Để chuẩn bị cho "chiến dịch” khai hoang, ông cắt phăng mái tóc khá bụi bặm, dày và xoăn tít của mình. Đầu trọc cho đỡ mồ hôi, ngứa ngáy, ông bảo thế. 1 tháng trời, ông bà chỉ phát cỏ và đánh gốc cây dại mà chẳng xong. Tay cứ gọi là phồng rộp, tróc lở, xây xát. Bố cái Lê hồi đó cũng bận công việc xã hội nên chẳng tham gia được mấy. Được cái chỗ đấy là hẻm, đồi thoai thoải nên đất tốt, màu mỡ lắm. Khổ, ham làm. Chả bao giờ nghỉ trưa chút nào. Ăn xong, uống xong cốc nước, ông thắt bao dao, vác cuốc ra khu đồi. Bà đành miễn cưỡng đi theo: "Thì ông cứ ngả lưng chút đã nào”. Tiếng ông: "Làm mấy hố để trồng mấy cây bưởi, cây ổi cho kịp vụ”. Mấy ngày sau, ông đèo bà kẽo kẹt mấy chục cây số để cùng đi tìm cây giống, mua phân bón. Được cái ông khỏe, nhưng nhiều khi thấy 2 bên vai đẫm mồ hôi bà cũng rơi nước mắt vì thương đấy. Có món gì ngon cũng vợ con, việc gì nặng cũng vơ trước để làm. Hồi còn đói kém, có bữa ăn vội 2 lưng, xong húp bát canh rõ to. Bảo no quá. Thực ra là ý nhường cơm cho 2 anh em nó đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà biết hết… Có lần, khi làm vườn thấy ông mệt, bà vun lá, làm đệm cho ông nằm ngả lưng chút, mà phải sẵng giọng kiểu hờn dỗi ấy ông mới chịu. Chà, bà vừa quay lưng tìm cái quạt nan đã vang rền tiếng ngáy sau lưng, khiến đám chim chóc cuối vườn xao xác bay lên. May chẳng có ai không ngại chết… Khi những tư thương đầu tiên tìm đến mua na, mua ổi vườn nhà cũng là lúc cậu Út muốn rời nhà vào Nam làm ăn theo chúng bạn. Bà gàn, nhưng ông chỉ bảo: "Mình là con nhà làm ăn chân chất, cố mà giữ lấy. Đừng để người ta coi thường”. Số tiền bán quả trong vườn vụ đầu, ông dành hết cho cậu Út. Cầm sấp tiền đó, lần đầu tiên cậu Út khóc…
Sau ngày ông ấy mất, mấy buổi trưa bà bảo cái Lê dẫn sang vườn mắc võng nằm ngủ. Câu chuyện của hơn 20 năm về trước lại được kể. Về ông, về vườn, về lai lịch từng loại cây, mua ở đâu, "tính nết” như thế nào. Bà rủ rỉ kể với cháu gái mà như nói cùng ông, cùng những năm tháng gian khó từng qua. Gió rì rào thổi mát rười rượi. Ngọn gió an nhiên, không chút ưu tư nào nhưng lại nhuốm màu thời gian, quá khứ. Và hương ổi dâng đầy không gian, ăm ắp. Mỗi lần hái những trái ổi đào thơm, căng mịn hay những quả na dai đã mở mắt để đặt lên bàn thờ, bà lại nhớ những ngày bới đất, lật cỏ… Chả biết "bọn kia” có thèm nhớ gì không. 

Trưa nay, bà lại sang vườn. Hình như có cả bố mẹ cái Lê và 1 người đàn ông trông có vẻ sang chảnh. Thấy 2 bà cháu mọi người im bặt. Bỗng những tia u ám trên khuôn mặt bà biến mất mà thay vào đó là sự mạnh mẽ, tinh anh ngày nào, chất chứa của cả ông và bà cộng lại. "Bố mẹ cái Lê này, anh chị bán gì tôi chưa biết. Nhưng tôi chỉ yêu cầu anh chị chờ thằng Út về đã. Mà anh chị đã hỏi chủ vườn này chưa nhỉ. Bố anh chị ấy”. Mới nghe nhắc thế, bố cái Lê tái mặt, con mẹ nó thì cúi gằm mặt xuống lắp bắp: "Dạ con xin lỗi…” và vừa lập bập lại đỡ bà, vừa khoát tay ra hiệu cho người đàn ông kia rời khỏi khu vườn. Một ngày không còn cả gió.

Truyện ngắn của Bùi Huy

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục