Truyện ngắn của Bùi Huy

 

Đã bao lần ông đến dãy núi Sơn Vĩ này. Lần đi một mình, lần cùng gia đình, lần cùng các đồng đội của cha, nhất là khi trên dãy núi cao, lộng gió đó đã có thêm những quần thể du lịch đẹp, hấp dẫn du khách. Một số dự án tiếp tục được triển khai, như cáp treo, điểm nhảy dù, khinh khí cầu… Trên đó, còn có ngôi chùa cổ có tuổi đời mấy trăm năm, đã được phục dựng, mùa này đỏ ối màu hoa gạo la đà mái chùa. Vào mùa lễ hội, du khách đến chiêm bái đông nghịt. Ngày mẹ ông còn khỏe, ông cũng từng đưa bà đến đây… Nhưng điều thôi thúc khiến ông lên đường tìm đến chính là những dấu tích lịch sử, những hang động còn dấu vết đạn pháo và ám khói bom. Ngay dưới chân núi là tấm bia ghi lại những trận đánh, chiến công của quân giải phóng cùng lực lượng du kích trong những năm kháng chiến. Tấm biển cũng đã cũ kỹ như năm tháng vậy… Mỗi khi đứng trước tấm biển đó, ông bỗng thấy như có luồng sinh lực mới chạy dọc cơ thể, thấy nóng bừng. Thoảng trong không gian có tiếng sóng biển ầm ào, tiếng lá rừng, tiếng của gió lộng khơi xa va vào miệng những hang động, những phiến đá lớn thấy gần gũi, thân quen vô cùng…

Một dãy núi khá cao, dài chừng 200 m mọc lên giữa một đồng bằng, kế bên là bờ biển và một cảng biển nước sâu. Lên đến đỉnh, tầm mắt được mở ra vô cùng: Biển cả bao la sóng vỗ, những con tàu tấp nập ra vào cầu cảng; phía sau lưng ngọn núi là một thị xã nhỏ xinh cổ kính. Nhìn nhịp sống êm đềm nơi này, với màu xanh bạt ngàn của cây, của biển xanh và những con đường mới mở thoáng rộng về xa, không ai nghĩ nơi đây từng diễn ra những trận đánh từng được đưa vào sách, báo.

Bom, đạn, chiến tranh… và cha… Một chút gì dâng lên nghẹn ngào trong lòng… Hồi mẹ còn tỉnh táo, bà nói với hai vợ chồng anh: "Mẹ và các con đã có bao lần vào Nam tìm hài cốt bố các con… nhưng đều không tìm thấy. Nay mẹ không thể đi được nữa rồi, vợ chồng con và nhà Út đừng dừng lại nhé…”. Ông nghẹn lòng khi nhìn dáng hình còm cõi của bà. Mớ tóc thì trắng như cước và mỏng dính. Đâu rồi hình ảnh người mẹ mạnh khỏe, vai rộng gánh lúa quần quật từ ruộng về sân kho HTX năm nào. Nhiều đêm thanh vắng, một mình bà vò lúa, sàng sảy, chuyển rơm đi phơi… để sáng mai còn phơi đón nắng. Tuổi thơ của hai anh em nhà ông có chút buồn vắng vì thiếu hơi ấm của cha, nhưng lại có thêm bao ý chí, quyết tâm vì có mẹ ở bên. Những năm 60 của thế kỷ trước, trai tráng lên đường tòng quân như đi hội. Cha ông cũng quyết chí ra đi cùng mọi người. Ông, một đứa trẻ 3 tuổi và cô em gái 1 tuổi chỉ biết cười cười khi thấy mọi người khóc trong buổi cha lên đường. Lớn lên chút nữa, cũng chỉ biết cha đang ngoài mặt trận, cùng bao câu chuyện về cha và tấm ảnh đen trắng được đưa vào tấm khung đặt ở đầu giường của ba mẹ con. Cơm khoai, cơm sắn thôi, nhưng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh cũng lớn dần, rắn rỏi. Còn bà, nay đi làm thủy lợi "đội 202”, mai đi đào hào giao thông, vác đạn cho khẩu đội trung liên phòng không của dân quân xã ở mé đồi sát cầu, rồi mẹ cùng đội văn nghệ xã đi biểu diễn cho các đơn vị bộ đội đóng quân ở bìa rừng làng bên. Giọng hát dân ca của mẹ được nhiều người lính mang theo vào chiến trường bởi sự mộc mạc, da diết và có nhạc cảm cao. Họ cũng biết rằng, bà có người chồng đang đi chiến đấu ở miền Nam… Điều kỳ lạ là suốt quãng đời niên thiếu đến lúc trưởng thành, chưa bao giờ ông thấy mẹ ốm lấy một ngày. Có lần, đi làm về, thấy mẹ ngồi dựa lưng vào gốc sấu bên hiên nhà, ông hỏi, bà chỉ phân bua: "Mẹ ngồi đây cho mát tý thôi”. Ngồi nghỉ mát sao mắt nhắm nghiền, thở dồn dập vậy...

Rồi cái ngày ấy cũng đã đến, mẹ ông ngất lên ngất xuống. Anh em nhà ông được mọi người dìu đến lễ truy điệu. Hương khói nghi ngút... 2 anh em chạy đến bên mẹ. Tuy tuổi mới lớn, nhưng hồi đó, ông cũng đã có nhận thức khá rõ về vai trò của mình trong gia đình: Phải là cây gậy của mẹ, là chỗ dựa cho em gái đang tuổi nhõng nhẽo. Chính những ngày đó, ông được mẹ hướng dẫn cày những luống cày đầu tiên, còn em gái biết được động tác cấy mạ, động tác đặt dây khoai lang trên luống… Họ hàng, anh em cũng đến sửa giúp cho mẹ ngôi nhà đã bị dột, ngói vỡ… Thời gian là liều thuốc mầu nhiệm hàn gắn những nỗi đau, nhưng cũng chẳng thể lành lặn hẳn. Hòa Bình rồi, mỗi lần nghe ai đó nói câu chuyện đi tìm hài cốt người thân ở chiến trường là mẹ lại ngồi thất thần, nhìn mung lung về con đường dẫn về quốc lộ 1. Đàn lợn được mẹ chăm kỹ hơn, đàn gà cũng ngày một đông đúc. Mẹ hướng dẫn các con cách chăm đàn lợn con sau sinh. Mẹ bảo: "Chúng ta cùng cố gắng để có dịp đi đây, đi đó, tìm kiếm hài cốt cha”. Câu nói của mẹ theo ông suốt những năm tháng học trò, qua thời sinh viên, rồi đi làm. Công việc của ông cũng là một lợi thế để đi các nghĩa trang Nam Bắc. Rồi như một điều kỳ diệu của cuộc sống, trong một lần dành cả một tuần ở vùng đất Sơn Vỹ, qua các nghĩa trang xã, huyện nơi này, ông đã gặp người quản trang già. Sự tình cờ và những câu chuyện về tên tuổi, phiên hiệu, tấm ảnh của cha, người quản trang thốt lên: "Có phải con anh Tới ở tỉnh H? Anh Tới có vợ tên Thoan hát rất hay”. Điều kỳ diệu của cuộc sống… Người quản trang kéo anh ra khỏi căn phòng nhỏ và chỉ tay về dãy Sơn Vỹ: "Cả trung đội cối năm đó đều đã ở đó hòa thân mình vào đất núi, cây cỏ, hang động rồi”. Năm đó, khẩu đội được lệnh bí mật lên núi để xây dựng trận địa mà mục tiêu chính là một số tàu quân sự của đối phương ở cảng nước sâu kề bên”. Mang được vũ khí, khí tài lên núi là cả một sự kỳ công của bộ đội và du kích địa phương. Chính người quản trang đó đã có hàng tháng trời cùng bố anh đi điều nghiên trên các ngóc ngách Sơn Vỹ để có thể tìm được điểm đặt vũ khí, vừa bí mật, bất ngờ, vừa tránh được sự phản pháo của đối phương. Một trận đánh cảm tử bởi những con tàu của đối phương đầy ắp vũ khí, bom đạn chuẩn bị cho những đợt tấn công mới lên chiến khu… Trận đánh đạt được kết quả tốt nhưng toàn bộ trung đội đó và mấy xóm làng dưới chân núi phải hứng chịu những trận bom, pháo điên cuồng của đối phương. Sau khi vùng đất này được giải phóng, những đồng đội lên tìm lại trận địa năm xưa, tất cả đã bị xóa dấu vết bởi bom, bởi pháo… Sau này, đội quy tập của tỉnh cũng phá đá, mở đường nên không thể nào tìm được dù là mảnh xác vũ khí năm nào. Tan hoang hết cả… Các anh đã hòa lẫn đất đai, cây cỏ, núi đồi rồi…

Hành trang trở về Bắc của ông lần này có một hộp nhựa đựng đầy đất, đá dăm mà ông đã lấy từ Sơn Vỹ. Suốt hành trình, ông cứ ôm chặt túi hành lý mà thấy thân thương, trìu mến vô cùng. Dù sao, ông cũng đã gặp được cha ở đất này.


Các tin khác


Online đầu năm

(HBĐT) - Nhận cuộc gọi của bác Lam, người chị gái cả, ông Bốn thừ người ra. Một tiếng thở thật dài như quãng thời gian gần 2 năm qua ông chưa về nhà. "Cuối tuần này nhà mình làm lễ mát nhà. Cậu mợ không về nhưng đọc lại địa chỉ chỗ làm, chỗ ở của cả nhà nhé. Để chị xướng tên cầu may cho cả năm… Nếu có thông tin nhà dì út cũng đọc luôn nhé. Lúc nào hành lễ chị mở cho cả nhà cùng xem”. Chị mở vi-đê-o zalo, vừa chải, xì tóc cho khô, vừa rộn ràng trao đổi. Phía xa, người anh rể hình như đang đan ớp hay rổ rá gì đó. Còn tiếng ti vi vọng lại bản tin về Covid-19 của địa phương.

Chốn cũ trở về

(HBĐT) - Khi chị có quyết định đưa lũ trẻ ngược dốc về thăm quê nội, bố mẹ chị không cấm cản gì nhưng vẫn nói vớt vát: "Làm gì cho phải đạo thì con làm. Bố mẹ chỉ muốn con thoải mái nhất, nhưng đừng để họ nghĩ mình cần níu kéo”. Còn cái Luyến và thằng Luân thì có vẻ khá thích thú, vì cũng mấy năm rồi không ngược lại chốn ấy. Với chị, quyết định này không phải là nhất thời, bột phát mà cũng ấp ủ từ lâu. Nhất là vừa qua, nghe đám bạn hay đưa hàng về trên đó nói: Bà nội bọn trẻ ốm, bảo thấy nhớ mẹ con chúng nó. Đúng là bình thường ra, quãng đường từ nhà chị về quê nội bọn trẻ chỉ chừng 20 km thôi, đường rộng, bằng phẳng, có thể đi về trong ngày nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ. Khốn nỗi… chuyện không vui về những ngày đã qua, khiến quãng đường không dài đó thành hun hút như năm tháng đời người…

Tháng Ba - nồng nàn những mùa hoa thương nhớ!

(HBĐT) - Tháng Ba về mang theo ánh nắng vàng tươi như sánh mật sưởi ấm khu vườn để cây đâm chồi, nảy lộc và bung nở những sắc hoa. Đây đó trong khu vườn hay hàng rào ven lối, con ngõ đầu làng, hoa bưởi, hoa xoan, hoa gạo, hoa trẩu, hoa xưa, hay vạt hoa cải cuối mùa… xòe cánh tươi đón nắng, tỏa hương. Bởi thế trong ký ức tuổi thơ tôi luôn nồng nàn mùi hương từ những loài hoa thương nhớ!

Chỉ vì phạt nguội

(HBĐT) - Sau nhiều lần "lên bờ, xuống ruộng” vì sai lầm, khuyết điểm, trở về vùng "rừng xanh, núi đỏ”, Thạch Sanh quyết định dốc hết vốn liếng đã dành dụm bấy lâu để lập nghiệp bằng nghề mới: cho thuê xe tự lái.               

Phía cuối đường xuân

(HBĐT) - Cỏ gianh lên xanh sau đồi. Mẹ lại nhìn tôi: "Thế con Xuân có xuống được không?”.

Nơi tuyến đầu…

(HBĐT) - Mỗi khi nghĩ về những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 hiện nay (đội ngũ cán bộ y tế, Công an, bộ đội…), lại chợt liên tưởng đến một đoạn trong bộ phim chiến tranh của Nga: Phim "Tinh cầu”, dù cuộc chiến chống dịch hôm nay không hề có bom rơi, đạn nổ. Để tạo điều kiện cho nhóm chiến sĩ đột nhập vượt qua chiến tuyến để lọt sâu vào sau lưng của phát xít Đức, hồng quân Liên Xô đã dùng pháo binh dội lửa đạn pháo để nhóm chớp thời cơ tiếp cận tiền duyên. Bình thường, con người phải cố gắng né hết mức có thể để tránh những lúc, những nơi bom rơi, đạn nổ, nhưng nhóm chiến sĩ phải lao vào vùng lửa đó để tạo nên những bất ngờ đối với đối phương. Vì thế, hình ảnh: trong ánh chớp của đạn pháo, họ đã lao lên và chìm lẫn trong khói thuốc súng, chìm vào bóng đêm cùng những tiếng nổ long trời, lở đất, thật ấn tượng. Chiến tranh và sự cảm tử anh hùng là như vậy. Hình ảnh đẹp, hào hùng đó cứ trở đi, trở tại trong tâm tưởng…khi nghĩ về những người trên tuyến đầu chống dịch hôm nay…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục