(HBĐT) - Một hôm, vợ chồng thằng cả có lời: - Xoan trên đồi đã cao lắm rồi bố ạ…Tôi biết như thế là nó muốn làm nhà, ra ở riêng. Người xem ngày giờ cho tôi động thổ là lúc tỉnh táo, tuy lúc lẩn thẩn nhớ nhớ, quên quên. Vốn là người chẳng tin vào tâm linh, tôi biến ông thành thứ mặt nạ che mắt gia đình.


Gần về sáng, sương xuống, trăng tà, trời dịu mát, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi không thấy mình giống người đang ngủ mà như người vừa trút được những ưu tư và lặng lẽ bước ra vườn. Cánh cửa hôm nay không khép, cái chốt cửa rệu rã. Vườn không tối như mọi đêm mà sáng bừng và nhiều hoa. Tôi cảm nhận được hương quỳnh, hương nhài, hương chanh và cả những thứ hoa đáng lẽ đã phải rụng từ mùa trước. Tôi thấy cả cái bát chiết yêu hoa mà thằng cả đã làm vỡ hồi lớp hai, cái bình hoa mẹ tôi tuột tay làm rớt khi dọn bàn thờ trong một ngày 23 Tết khi tôi còn nhỏ… Chúng vẫn còn mới nguyên, chúng dẫn tôi đi, đi miết. Cuối cùng, chúng kéo lê tôi đi khắp nơi. Lúc này tôi mới hoảng sợ, cố thoát ra khỏi chúng và rơi vào khoảng hẫng vô hình. Xung quanh tôi tối om và trống trải.

Tính tôi cẩn trọng nên muốn đào sâu xuống chừng nửa mét đất để xây móng chắc, cho cái nền nhà cao, đề phòng lúc mưa lũ. Nhưng đào cả buổi sáng toàn gặp đá, sỏi và thứ đất rắn đanh, khác hẳn với bề mặt đen xốp.
Đêm. Thấy tôi trằn trọc, vợ tôi cằn nhằn: "Ngủ đi, nghĩ lắm mộng nhiều. Hay anh cất cho nó nhà chỗ khác. Đất mình rộng, lo gì…”. Lần này, vợ tôi nhờ một bà bói mù xem đất. Thằng cả có vẻ hí hửng. Nó bảo:
- Hướng phải ra hướng, nhà phải ra nhà. Sau này nhỡ con có gì không  phải, bố ra vào cũng đỡ phải nhìn mặt con nhiều.
Đáng ra, tôi đã nổi cạu lên với câu nói gở mồm đó nếu như đúng lúc đó không có một người thợ kêu toáng lên vì đào phải một cái hũ sành.
- Mở nó ra xem, biết đâu có vàng hay trang sức quý. Đồ cổ đang thịnh lắm. Cũ cũ, bẩn bẩn mới có giá.
Một người khác lại gàn:
- Chớ, nhỡ xương người thì. Động vào thứ ấy đen lắm. Thôi, cái gì qua cho qua, cứ ném tùm xuống ao. Bùn lầy lấp liếm hết…
Lần này, vợ tôi nghe theo những người thợ. Chiếc hũ rơi tõm xuống ao. Trong bữa cơm trưa, không khí trở nên đông đặc. Người lặng lẽ rót rượu uống. Người chống đũa. Người gảy từng hạt cơm vào miệng. Những người thợ đều đi chân đất với những ngón chân choãi ra, mặt nhỏ nhưng đôi mắt to và đen. Tôi nhận ra ước muốn đổi đời khi ánh mắt của họ chạm vào chiếc hũ. Dù không có quyền sở hữu vật nằm trong hũ nhưng có một thứ ánh sáng đã choáng hết tâm trí họ.

Sang ngày thứ ba, khi mọi người hăm hở đào sâu xuống đất thì chạm phải mạch nước ngầm. Vợ tôi cương quyết:
- Thôi. Đào cái giếng. Nhà 5 gian, con là cả phải ở đây thờ tự. 
Những người thợ chưng hửng còn thằng cả im lặng. Sự im lặng của nó là một hòn đá không ai có thể vần đi được. Đêm đó, tôi lại mơ một giấc mơ kỳ lạ: Nhà cửa vắng tanh, đồ đạc, quần áo tanh bành, lộn xộn như thể bị ai đó lục lọi, tìm kiếm. Tôi chạy hết 5 gian nhà, nhao ra vườn, lội xuống ao, chạy lên quả đồi phía sau cũng tịnh không thấy bóng một ai. Bất lực và bực tức, tôi vớ lấy con dao phay chém mạnh vào khoảng không trước mặt. Bình thường, mỗi khi bực tức, tôi vẫn thường trút giận bằng cách đó. Bỗng tôi nghe thấy một tiếng vỡ của sành sứ. Tiếng vỡ vọng vào óc tôi buốt nhói cả khi đã choàng tỉnh… 
Phải nhiều năm sau tôi mới thấm thía câu nói của ông chủ đất cũ... Khi trời sáng, cả nhà tôi đã náo loạn bởi thằng cả tự nhiên biến mất. Tất cả những gì nó để lại chỉ là bộ quần áo cũ với một vài vết máu, đôi dép cũ. Mọi người nháo nhác. Người kêu toáng lên, người mò xuống ao lặn xem nó có bị chết đuối không. Không hiểu sao, tôi không tin vào những hướng đó, lấy cái xe đạp, tôi kỳ cạch đạp ra chợ huyện. 

Đám dân phố chợ ở đây như một nhúm kiến kim, hễ có việc gì là họ bàn tán rồi loan tin. Gần trưa, tôi thấy người ta xôn xao: "Có người sáng nay bán cho gã Tín hiệu kim hoàn nhiều vàng lắm. Được bạc thì sang, được vàng thì lụi…”. Hay thật. Ở đâu ra nhiều vàng thế giữa mùa giáp hạt này. Tôi linh cảm thấy có gì đó rất khó lý giải. Trả tiền nước, bánh rán, kẹo lạc xong, tôi theo đám người hiếu kỳ mon men vào xem thì kẻ bán vàng nghe nói đã đi   rồi. Lúc ra về, qua bãi rác phía cuối chợ, nhận ra chiếc túi bằng thổ cẩm, tôi lặng người. 
Là người cha, nhất định phải hiểu sự ngông cuồng của một đứa con trai. Tôi đã không còn giữ được bí mật, nên 3 năm trôi qua, tôi không hốt hoảng tìm con, không lo sợ. Tôi tin nó sẽ trở về.
Những ngày sau đó cả nhà tôi chìm trong không khí nặng nề. Bà bói mù bảo vợ tôi do đất dữ. Tôi mò cái hũ từ dưới ao lên, rửa sạch rồi cất ở một góc nhà. Trong xóm người ta đã lần lượt xây nhà mái ngói, nhà nào khá hơn thì đổ mái bằng. Vợ chồng tôi vẫn an phận. Ngày ngày tôi nằm nghe gió vào ra đợi một điều gì đó vu vơ.
Một sáng, thằng cả về. Từ lúc nó bỏ đi nhà tôi không nuôi chó. Tôi sợ tiếng sủa sẽ làm mình thấp thỏm, lo âu. Nó có đen hơn, nhìn từng trải và ít nói. Mẹ nó thì nước mắt cứ thể chảy, tay ôm lấy con, đôi chân gần như khuỵu xuống. Nó đỡ mẹ ngồi xuống, đến trước bàn thờ thắp hương, chắp tay khấn điều gì đó. Xong nó quay sang, mặt hơi cúi xuống:
- Con xin cha tha thứ.
- Con muốn xin cha tha thứ vì điều gì?
- Vì đêm đó con đã vớt chiếc hũ lên, mở ra và lấy số vàng trong đó đem đi. Con muốn có một cuộc đời riêng.
- Thực ra ban đầu, cha không muốn đào móng nhà cho con ở hướng đó. Cha muốn con tự lập từ sỏi đá, sợ con sớm giàu có sẽ sinh hư. Nhưng, khi mẹ con chuyển hướng đào móng nhà sang chỗ đó. Cha hiểu con sẽ…
- Là sao? Con không hiểu, thưa cha.
- Con à, thực ra chiếc túi thổ cẩm bọc số vàng mà con vứt ra bãi rác chợ huyện là của cha. Nhưng thôi, giờ con đã trưởng thành rồi. Con có thể đi xa hơn với số vàng đó. Chỉ cần nhớ về cha như một cái hũ cũ nơi góc vườn.
Trong suốt những năm sau, vợ tôi luôn hỏi hai cha con đã nói gì với nhau lúc đó. Tôi thì quả quyết rằng, đó chỉ là lời xin lỗi của nó mà thôi…



Truyện ngắn của Bùi Việt Phương


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục